Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lâm Đồng cần tiếp tục quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho giáo dục

Thứ Tư, 04/10/2023 18:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN)- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, sát sao của cấp uỷ, chính quyền địa phương với tinh thần giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị.

Ngày 4/10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã làm việc tại tỉnh Lâm Đồng về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tại đây, đoàn đã tới khảo sát tại Trường Tiểu học Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương và làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

 Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc, khảo sát tại Trường Tiểu học Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Ảnh: TT

60% trường học được xây mới trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 29

Trường Tiểu học Thạnh Mỹ hiện có 26 lớp với hơn 1000 học sinh. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, số học sinh hoàn thành chương trình lớp học hằng năm đạt trên 99%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học hằng năm đạt 100%; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật giáo dục năm 2019 đạt 100%.

Trường đảm bảo công tác phổ cập giáo dục, không có học sinh bỏ học, duy trì phổ cập giáo dục mức 3, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Hiện nay 100% học sinh của trường được học 2 buổi/ngày. 10 năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và dạy học cũng được nhà trường chỉ đạo sát sao và thực hiện hiệu quả.

Với việc duy trì và ổn định từ 25-26 lớp, Trường Tiểu học Thạnh Mỹ có đủ 1 phòng học/lớp và có các phòng chức năng riêng biệt để dạy học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học.

Chia sẻ về quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của của huyện, ông Nguyễn Văn Kháng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Huyện Đơn Dương có 40 trường học, 60% số trường trong đó được xây mới trong giai đoạn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.

Quá trình triển khai Nghị quyết, huyện quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông, thường xuyên làm công tác truyền thông cho phụ huynh để phụ huynh hiểu và đồng thuận với quá trình đổi mới. Trong 10 năm, chất lượng giáo dục toàn diện nâng lên. Từ 2013, môn Ngoại ngữ và Tin học đã được dạy cho 100% học sinh tiểu học trên địa bàn huyện.

Từ năm 2016, 2017, huyện Đơn Dương đã khuyến khích giáo viên đi học đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019. Hiện toàn huyện chỉ còn 47 cán bộ, giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019, trong đó 23 thầy cô quá tuổi. Số lượng thạc sĩ trong đội ngũ giáo viên cao nhất tỉnh với 65 thạc sĩ.

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đơn Dương, khó khăn lớn nhất của huyện là về đội ngũ. So sánh từ năm học 2014-2015 tới năm học 2022-2023, số học sinh tăng 1/4, số giáo viên giảm 1/4. Do đó, huyện mong muốn được giao thêm biên chế giáo viên để đảm bảo đủ số lượng, nhân lực để triển khai đổi mới; việc sắp xếp trường lớp và giảm biên chế cần được thực hiện theo đặc thù địa phương.

Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hồng Hải trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: TT

Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo nâng lên sau 10 năm

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng đánh giá:  Sau 10 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh được nâng lên theo hướng toàn diện, đảm bảo thực chất.

Quy mô giáo dục và đào tạo được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư, hệ thống trường lớp phát triển đến tất cả các địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng khó khăn có điều kiện và cơ hội học tập. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được tăng cường; tỷ lệ phòng học kiên cố tăng, số phòng học mượn, phòng học tạm giảm; việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm đầu tư.

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đã đáp ứng đủ số lượng và chất lượng để thực hiện dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục duy trì tỷ lệ trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia đạt trên 82%. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi hoàn thành chương trình trung học phổ thông và tương đương 82%.

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Lâm Đồng cũng nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29. Cụ thể, công tác quán triệt Nghị quyết chưa đạt yêu cầu nên chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên còn chậm, chưa sâu sắc làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của ngành.

Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về đổi mới phương pháp quản lý và dạy học; cơ cấu đội ngũ giáo viên ở một số địa phương chưa hợp lý, chất lượng giảng dạy chưa cao. Cơ sở vật chất vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, công tác xã hội hóa, hỗ trợ chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều khó khăn...

Ngành Giáo dục và đào tạo Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2030, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; 100% các giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Tỉnh Lâm Đồng cũng sẽ ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học, đẩy mạnh việc xây dựng các trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Nhấn mạnh tới một số kết quả nổi bật và hạn chế, khó khăn của giáo dục Lâm Đồng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đồng thời nêu 3 kiến nghị. Đó là kiến nghị đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề độc hại, nặng nhọc. Kiến nghị đối với các địa phương có trên 20% người dân tộc thiểu số xem xét không quy định về đấu giá cho thuê đất. Kiến nghị trong triển khai nghiên cứu khoa học cần chú trọng đến hiệu quả xã hội và kinh tế của sản phẩm nghiên cứu.

 Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại cuộc làm việc của Đoàn công tác Bộ GD&ĐT với UBND tỉnh Lâm Đồng về kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Ảnh: TT

Đề xuất, kiến nghị những chính sách lớn về giáo dục và đào tạo

Phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, qua làm việc và khảo sát thực tế, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã rõ hơn một số nội dung, qua đó giúp cho việc hoàn thiện báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng nêu một số góp ý cụ thể vào dự thảo báo cáo của tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, báo cáo bổ sung thông tin, kết quả của Trường Đại học Đà Lạt, vì đây là trường trực thuộc Bộ GD&ĐT, song hoạt động trên địa bàn tỉnh, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

Ngoài ra, từ thực tiễn triển khai đổi mới giáo dục và đào tạo 10 năm qua, tỉnh có thể đưa ra những kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách lớn, đó không chỉ là vấn đề của riêng Lâm Đồng mà là vấn đề chung của cả nước để thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá, kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 tại tỉnh Lâm Đồng cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, sát sao của cấp uỷ, chính quyền địa phương, với tinh thần giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị.

Nhìn nhận một số kết quả cụ thể như tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao, ngân sách chi cho giáo dục khá lớn, kết quả phổ cập giáo dục làm tốt… Thứ trưởng nhấn mạnh tới việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở Lâm Đồng, bởi đây là một trong những địa phương làm khá tốt.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đổi mới giáo dục phổ thông, Thứ trường đề nghị tỉnh Lâm Đồng tiếp tục khắc phục vấn đề thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới; tiếp tục quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho giai đoạn triển khai sâu rộng là năm nay và 1-2 năm tới.

Với hơn 27% dân số là người dân tộc thiểu số, Thứ trưởng lưu ý tỉnh Lâm Đồng về đảm bảo công bằng trong giáo dục, rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các địa phương trong tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đón các nguồn lực đầu tư vào địa phương./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN