Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lại Yên đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất

Thứ Năm, 23/06/2016 14:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Lại Yên là một xã thuần nông của huyện Hoài Đức (Hà Nội). Trước khi bước vào thực hiện xây dựng nông thôn mới, Lại Yên là xã thuộc nhóm phát triển trung bình của Hoài Đức, với thu nhập bình quân đầu người là 11,250 triệu đồng/năm. Nhờ đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển sản xuất, hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Lại Yên đã tăng lên 29,5 đồng/năm.

Khởi công công trình nhà ở hộ gia đình ông Nguyễn Bá Chi, xã Lại Yên (Ảnh: Đ.H)

Thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2011 - 2015, Lại Yên đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chương trình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn. UBND xã cũng triển khai lập Đề án xây dựng nông thôn mới, lấy ý kiến đóng góp của cán bộ và nhân dân. Để nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, Lại Yên đã tập trung tổ chức các hội nghị quán triệt nội dung các văn bản chỉ đạo của cấp trên về thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng lồng ghép tuyên truyền nội dung của Đề án tại các hội nghị của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội nghị nhân dân ở các thôn trong xã, với 14 hội nghị và có trên 2.000 lượt cán bộ, hội viên và nhân dân tham dự. Đồng thời, Lại Yên cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nội dung đa dạng, phong phú thông qua các bài viết, pano, khẩu hiệu nhằm khích lệ toàn dân đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới. Năm 2012, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ của xã đều đạt giải cấp huyện các hội thi về “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Để góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, Lại Yên đã phối hợp với Chi cục Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn cho 72 cán bộ xã, thôn làm công tác xây dựng nông thôn mới; tổ chức nhiều đợt thăm quan học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới trong địa bàn Hà Nội. Trong chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Lại Yên xác định tổ chức sản xuất nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp cận với các chương trình khuyến nông của huyện và thành phố tổ chức như: mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, mô hình nuôi cá chuối sinh học, mô hình nuôi gà lai Đông Tảo. Đồng thời khuyến khích nông dân đưa các giống có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng hoa, cây ăn quả và nuôi trồng thuỷ sản.

Công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và ngành nghề nông thôn cũng được Lại Yên rất quan tâm nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tập trung tạo điều kiện để các công ty, doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn hoạt động, thu hút lao động địa phương nhằm mở ra cơ hội việc làm cho lao động nông nghiệp. Điều này đã góp phần giúp cho Lại Yên có khả năng phát triển kinh tế nhanh theo hướng tăng dần tỷ trọng của ngành thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Hiện, trên địa bàn xã có 245 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, có trên 40 công ty, doanh nghiệp thuê đất trên địa bàn, có 1 quỹ tín dụng nhân dân. Các công ty, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể nhờ đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương, đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Cũng thông qua việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, kinh doanh được thuê đất để mở rộng sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng và các biện pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh khác, đời sống nhân dân trong xã từng bước được nâng cao rõ rệt. Nếu thu nhập bình quân năm 2011 là 11,250 triệu đồng/người, thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 29,5 triệu đồng/người.

Nhìn chung, phong trào xây dựng nông thôn mới của Lại Yên đạt nhiều kết quả quan trọng, đến hết năm 2015 xã đã có 17 tiêu chí đạt chuẩn, 2 tiêu chí cơ bản đạt chuẩn là trường học và môi trường. Thông qua xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của xã Lại Yên đã có nhiều thay đổi căn bản. Hệ thống hạ tầng được đầu tư khang trang, nền kinh tế địa phương phát triển khá và đúng hướng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống nhân dân được cải thiện và ngày một nâng cao. Vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền được tăng cường. An ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cán bộ từ xã đến thôn ngày càng trưởng thành và có trách nhiệm với dân hơn, được nhân dân tin cậy, tín nhiệm hơn.

Tuy xây dựng nông thôn mới ở Lại Yên đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhưng cũng còn những hạn chế, tồn tại cần sớm khắc phục. Việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới chưa thực sự đồng bộ, chủ yếu tập trung vào xây dựng hạ tầng. Chưa chú ý đến nhóm phát triển sản xuất chuyên canh, chuyển đổi nghề cho nông dân. Chưa quy hoạch sản xuất nơi sản xuất tập trung cho các ngành nghề để giảm thiểu ô nhiễm về môi trường trong khu dân cư. Cơ sở vật chất của một số tiêu chí theo Đề án còn chồng lấn và thiếu kinh phí.

Qua thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Lại Yên cho thấy, muốn xây dựng thành công nông thôn mới đòi hỏi phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, sát sao của các cấp, các ngành. Cơ cấu các nguồn vốn cần bố trí một cách cân đối, hợp lý, nhất là trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập cho người lao động một cách bền vững, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, nhất là sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để nhân dân hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ trong xây dựng nông thôn mới. Phát hhuy dân chủ trong tất cả các khâu để người dân thực sự là chủ, làm chủ, quyết định, hưởng thụ những nội dung và kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, từ đó nhân dân tự giác, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới.

Khi triển khai xây dựng nông thôn mới, cần tạo được sự đồng thuận trong cán bộ và nhân dân thông qua công tác tuyên truyền tại các hội nghị Đảng bộ, cán bộ và đến toàn thể nhân dân; nhấn mạnh đến phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ban quản lý xây dựng nông thôn mới là những người cùng với tư vấn xây dựng những dự án thành phần. Vì vậy, cần bố trí những người có năng lực và nhiệt tình với công việc. Công tác quy hoạch cần đi trước một bước, đồng thời cần có sự tham gia của nhân dân cùng bàn bạc, thống nhất quyết định quy hoạch nông thôn mới trước khi tư vấn giúp xã hoàn tất thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt và công bố thực hiện.

Đặng Hiếu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN