Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lại câu chuyện đội vốn, chậm tiến độ của các dự án đầu tư công

Thứ Sáu, 12/08/2022 16:22 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Câu chuyện đội vốn, chậm tiến độ của các dự án đầu tư công trọng điểm không phải là mới mà vấn đề này được báo chí, cử tri, đại biểu Quốc hội và xã hội nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thậm chí rất gay gắt. Tuy nhiên, việc khắc phục, chuyển biến còn rất chậm. Tình hình nếu không được cải thiện còn diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế đất nước, uy tín của Đảng, Nhà nước và lòng tin của Nhân dân…

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra việc thi công dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội".

Trong thời gian qua vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã liên tục có các cuộc làm việc với những cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy xây dựng một số dự án chậm tiến độ kéo dài nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực rất lớn cho ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp, gây bức xúc cho cử tri và nhân dân.

Cụ thể, ngày 7/8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị, nhà thầu thi công và thành phố Hà Nội về dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội”. Đây là dự án có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án khởi công từ năm 2008 với dự kiến hoàn thành năm 2015. Song đến nay, tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới đạt khoảng 75%. Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư cũng đội lên gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34 ngàn tỷ đồng.

Tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp khảo sát khu vực Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2), kiểm tra các hạng mục của nhà máy đang được thi công dang dở, trong đó có nhiều hạng mục đang bị xuống cấp nghiêm trọng; thiết bị hoen rỉ; nhiều khu đất cỏ dại mọc um tùm. Dự án này có tổng vốn đầu tư ban đầu 3.843 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên hơn 8.100 tỷ đồng. Dự án được khởi công từ năm 2007, hiện đã thanh toán hơn 95% số tiền cho các nhà thầu, mua sắm thiết bị, với tổng số  tiền hơn 4.400 tỷ đồng. Thực tế, gói thầu đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay, các hạng mục đều chưa hoàn thành. Năm 2021, Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên đề xuất xin thực hiện tiếp Dự án với cam kết sẽ đảm bảo dự án hoạt động có hiệu quả sau ít năm. Công ty cho rằng nếu những tồn tại vướng mắc của Dự án giai đoạn 2 không được xử lý kịp thời dứt điểm, tái khởi động, công ty sẽ rất khó duy trì được sản xuất, gần 4.000 lao động mất việc làm và thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống gia đình người lao động ước tính trên 20.000 người; làm mất vốn của Nhà nước gần 1.200 tỷ đồng...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác tới kiểm tra, làm việc tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư. Đây là dự án khởi động từ năm 2011, tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, có quy mô công suất (1.200 MW) thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc bộ với tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, xảy ra nhiều vi phạm phải xử lý, thậm chí cả các vấn đề về pháp luật, mặc dù đã được giải ngân trên 35.000 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua không có tiến triển, gần như dừng thi công từ tháng 8/2018… Thời gian gần đây, với những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, dự án từng bước được kiểm soát, dần "hồi sinh"...

Khi đi kiểm tra các dự án này, thông điệp của người đứng đầu Chính phủ rất rõ ràng là để rà soát tổng thể tình hình triển khai; xác định những khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân của những vướng mắc; thẩm quyền giải quyết thuộc các bộ, ngành, đơn vị, địa phương; giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ dự án. Qua đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới của từng bộ, ngành, địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, hoàn thành đưa vào sử dụng...

Thủ tướng cũng nêu rất rõ quan điểm một trong những ưu tiên hiện nay là quyết liệt giải quyết các dự án tồn đọng qua nhiều năm. Muốn thế, phải nắm chắc tình hình thực tế, đánh giá đúng thực trạng công việc để đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Đồng thời, phải triển khai công việc quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, thống nhất. Trong quá trình thực hiện phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Đặc biệt là phải hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Có thể nói, hành động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã rất rõ ràng đối với các dự án đầu tư công trọng điểm nói trên. Điều này thể hiện qua việc đã ban hành rất nhiều các văn bản và trực tiếp đốc thúc, chỉ đạo.

Đối với dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội”, từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho dự án nhưng đến nay vẫn còn có những vướng mắc…

Đối với dự án tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp cập nhật lại số liệu; đề xuất hướng xử lý những tồn đọng, vướng mắc. Phải xác định rõ, có tiếp tục dự án làm hay không, vì sao, làm như thế nào, ai làm, khi nào thì xong, nguồn lực, cơ chế gì để làm, ai là người quyết định... Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc giải quyết các vấn đề về dự án…

Đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, kể từ sau khi nhậm chức, tiếp nối công việc của nhiệm kỳ trước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, làm việc, chỉ đạo, xem xét giải quyết những vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài. Từ tháng 4/2022 đến nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống hiện trường Nhà máy…

Từ thực tiễn nêu trên, có thể thấy bức tranh về đầu tư công đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn, phức tạp. Câu hỏi mà dư luận quan tâm là tại sao chúng ta lại để các dự án đội vốn kéo dài nhiều năm? Không chỉ điều chỉnh vốn một lần mà có dự án đội vốn nhiều lần mà chưa xong. Vậy trong quá trình đầu tư chúng ta đã làm tốt các giai đoạn từ lập dự án, thẩm định, giám sát, đấu thầu,… nhất là việc công khai, minh bạch các dự án chưa? Tổ chức thực hiện dự án đã đảm bảo đúng qui trình chưa...? Vấn đề “lợi ích nhóm” trong các dự án đầu tư công là có không?..

Một số ý kiến cũng băn khoăn, đặt dấu hỏi, cho rằng hệ thống luật pháp về đầu tư công hiện nay đã đầy đủ chưa? Vì trong thực tế không ít các vụ việc, các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra có chỉ ra được những sai sót trong đầu tư nhưng chưa chỉ ra được những cá nhân, tổ chức cần phải xử lý trách nhiệm, hành chính, kinh tế và pháp luật. Trong đó, có không ít vụ việc chỉ ở mức “kiểm điểm nghiêm khắc, rút kinh nghiệm” và cuối năm đánh giá xếp loại cán bộ vẫn hoàn thành nhiệm vụ vì “công lao thì của cá nhân, còn trách nhiệm thì của tập thể”…

Từ các cuộc làm việc của Chính phủ, dư luận mong muốn các cơ quan hữu quan phải khẩn trương chỉ đạo, gấp rút đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm nêu trên. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc, nếu phát hiện vi phạm khuyết điểm liên quan đế nguyên nhân chậm tiến độ dự án, cần phải truy trách nhiệm tới cùng đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm. Cùng với đó là quyết liệt yêu cầu những cán bộ không đủ bản lĩnh, không đủ “sức khỏe” công tác “đứng sang một bên” để tạo điều kiện cho những người nhiệt huyết, trách nhiệm cống hiến có cơ hội thể hiện khả năng.

Đầu tư công được ví như "đòn bẩy", “điểm tựa” để thúc đẩy các ngành và vùng trọng điểm, là đầu tàu thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Mỗi một dự án tầm quốc gia chậm tiến độ là kéo theo hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng đội vốn, làm thâm hụt ngân sách và tăng nợ công quốc gia. Đây chính là căn nguyên của thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực dẫn đến phá hoại ngầm giá trị của xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước và nguy cơ xảy ra xung đột xã hội. Đây cũng là "mảnh đất" có nguy cơ cao dẫn đến “tự diễn biến, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thế nên, không được phép để dự án chậm trễ và kéo dài hơn nữa.

Muốn thế, vấn đề quan trọng là phải tăng cường các giải pháp để quản lý đầu tư công minh bạch, hiệu quả, xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và lựa chọn đầu tư theo hướng làm đến đâu chắc đến đó…/.

Trung Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN