Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỳ vọng xuất khẩu nông sản trong năm 2023

Thứ Hai, 13/02/2023 15:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Năm 2023, ngành NN&PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao kim ngạch xuất khẩu đạt ít nhất 55 tỷ USD - con số không hề nhỏ. Trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, biến động như hiện nay, đòi hỏi ngành NN&PTNT cần có những bước đi tính toán, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, linh hoạt ứng phó để đạt được mục tiêu đề ra.

 Kỳ vọng xuất khẩu nông sản sẽ đạt được con số mới ấn tượng trong năm 2023 (Ảnh: B.T)

Năm 2023, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều tác động ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Đó là lạm phát tiếp tục tăng cao ở Mỹ, Châu Âu và nhiều nước trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực...Theo dự báo của Quỹ tiền tệ thế giới IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 có nguy cơ chậm lại dưới mức 2% do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và kinh tế giảm tốc tại các nền kinh tế lớn.

Trong khi đó, giá xăng dầu tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp do những biến động của các yếu tố chính trị và kinh tế. Thêm vào đó, sự tăng giá đồng đô la Mỹ tiếp tục làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Các yếu tố này dẫn đến chi phí logistic tăng, tác động đến giá cả hàng hóa thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu và gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu xuất hiện nhiều các rào cản thương mại mới như: EU điều chỉnh các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vào ngày 26/1/2023; các khu vực thị trường thuộc hiệp định CPTPP, UKVFTA đưa ra những sự điều chỉnh quan trọng trong quy định về hàng hóa nhập khẩu…

Trong nước, tỷ lệ chi phí vật tư đầu vào phục vụ sản xuất còn ở mức cao dẫn đến tăng chi phí sản xuất, dự báo sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng giá nhóm hàng thực phẩm có tỷ trọng tiêu dùng lớn như: gạo, thịt lợn, rau củ, trái cây… 

Theo phân tích của Bộ NN&PTNT về các thị trường truyền thống, với thị trường Hoa Kỳ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm: gỗ và sản phẩm từ gỗ chiếm 64,5%, thuỷ sản chiến 16,5%, hạt điều chiếm 6,2%, cà phê chiếm 2,1%, rau quả 1,9%.  Đây là thị trường có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu nông sản. Trong đó, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới, đặc biệt là các sản phẩm gỗ, hạt tiêu dự báo tăng trưởng bình quân từ 1 -2% trong 5 năm tới; nhu cầu nhập khẩu cà phê dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong giai đoạn 2020-2025.

Tuy nhiên, đây cũng là thị trường còn nhiều thách thức khi thị hiếu thị trường Hoa Kỳ ngày càng đa dạng, thiên về sản phẩm chế biến, bảo quản lâu trong khi sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô, chất lượng chưa cao. Số lượng mặt hàng được phép tiếp cận vào thị trường Hoa Kỳ còn khiêm tốn, hiện nay mới cấp phép nhập khẩu 7 loại quả tươi từ Việt Nam (xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, vú sữa,bưởi). Đồng thời, đây cũng là thị trường hiện gia tăng số vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với một số nông sản Việt Nam (cá tra, tôm, gỗ dán và tủ gỗ, mật ong); ban hành các quy định thực thi chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP), quy định thực thi Luật Bảo vệ động vật có vú ở biển (MMPA),…

Đối với thị trường Trung Quốc, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ. Đây cũng là thị trường có nhiều tiềm năng với nhu cầu tiêu dùng lớn nhờ dân số đông và nhu cầu đa dạng. Dự báo thương mại nông sản sẽ tiếp tục sôi động. Trong đó, tiêu thụ ngũ cốc giảm, tiêu thụ thịt, trứng, sữa, trái cây và rau quả tăng lên. Tiêu dùng trái cây và thịt dự báo sẽ tăng cao trong năm 2023  khi các biện pháp nới lỏng COVID-19 được thực hiện.

Dù vậy, với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn còn một số thách thức khi phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm tươi, sống, xuất khẩu qua tiểu ngạch (trái cây, thủy sản), chưa tiếp cận đến kênh khách hàng cuối cùng, đặc biệt là phân khúc thị trường cao cấp trong nội địa Trung Quốc. Các doanh nghiệp còn lúng túng khi Trung Quốc thay đổi, siết chặt hơn các chính sách, quy định mới trong nhập khẩu; tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao,chi phí logistics chiếm tỷ trọng cao; chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm.

Thêm một thị trường không thể không nhắc đến là EU. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Đây là thị trường có lợi thế lớn về xuất khẩu và thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ nhờ Hiệp định EVFTA. Người tiêu dùng EU ngày càng quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, có lợi cho sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm; nhu cầu tiêu dùng cao đối với rau quả, các loại hạt tốt cho sức khỏe và các sản phẩm đặc sản có chất lượng cao; nhu cầu gỗ nội thất (đặc biệt là gỗ đạt chứng chỉ) dự báo sẽ tăng trưởng do thị trường xây dựng hoạt động mạnh trở lại sau khi đại dịch COVID- 19 được kiểm soát.

Tương tự, đối với thị trường này, nông sản của Việt Nam để tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn khi EU là thị trường khó tính với nhiều quy định ngày càng thắt chặt. Nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp (hàng thô, sản phẩm chế biến làm nguyên liệu đầu vào); chi phí logistics còn cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Năng lực tiếp cận, tìm hiểu thị trường chưa cao; chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối hiện đại và chưa xây dựng được kênh phân phối ổn định tại thị trường EU.

Để tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản trong năm 2023, Bộ NN&PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, với sản phẩm trồng trọt, toàn ngành sẽ tập trung tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá cho những sản phẩm đã được cấp phép tiếp cận thị trường xuất khẩu trong năm 2022 như: Trung Quốc (chanh leo, sầu riêng, chuối), New Zealand (chanh, bưởi), Nhật Bản (nhãn), Hoa Kỳ (bưởi). Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá cho những sản phẩm mà thị trường truyền thống có nhu cầu lớn trong năm 2023 như: Hoa Kỳ (gỗ, hạt tiêu, cà phê), Trung Quốc (trái cây, rau quả), EU (rau quả, gỗ), Đông Bắc Á (rau quả, cây gia vị), ASEAN (gạo, gỗ); thị trường tiềm năng như Ả rập Xê út (gạo, chè, cà phê).

Tiếp tục đàm phán để thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm trồng trọt như: Trung Quốc (ký nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài; mở cửa chính ngạch cho bơ, na, bưởi); Hàn Quốc (thanh long ruột đỏ); Ấn Độ (nhãn, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, bơ, dừa, dưa hấu, dâu tây).

Với mặt hàng thủy sản, tập trung công tác tháo gỡ rào cản và mở cửa thị trường xuất khẩu. Trong đó, đề nghị Trung Quốc xem xét, cập nhật bổ sung doanh nghiệp và một số mặt hàng vào danh sách được phép xuất khẩu vào Trung Quốc; trao đổi với phía Nhật Bản đánh giá nguy cơ và không áp dụng biện pháp xử lý chặt đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, tiến tới khả năng ký kết Thỏa thuận hợp tác về kiểm soát an toàn thực phẩm.

Đối với sản phẩm chăn nuôi, tháo gỡ rào cản và mở cửa thị trường xuất khẩu. Cụ thể, với thị trường Nhật Bản, làm việc để đánh giá, cấp phép xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến và xem xét mở cửa thị trường nhập khẩu một số sản phẩm sữa và sản phẩm sữa, trứng gia cầm tươi và chế biến. Với thị trường Hàn Quốc, thúc đẩy làm việc với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc đề nghị xem xét sớm mở cửa cho sản phẩm thịt lợn, gà, trứng gà chưa qua chế biến và trứng chim cút đã qua chế biến.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản, theo các chuyên gia, cần tiếp tục quan tâm và nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo định hướng phát triển thị trường nông sản. Bên cạnh đó, tăng cường tương tác, trao đổi thông tin với hệ thống đầu mối tại các địa phương, tham tán thương mại tại các thị trường, cộng đồng doanh nghiệp và người sản xuất.

Đặc biệt, đẩy nhanh việc triển khai xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho xuất khẩu. Phổ biến, tập huấn, đào tạo nông dân, người sản xuất, chế biến nắm bắt tốt các yêu cầu của thị trường, thay đổi tư duy trong sản xuất từ số lượng sang tập trung vào chất lượng và xây dựng thương hiệu hàng hóa, ưu tiên phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của địa phương gắn với công nhận chỉ dẫn địa lý, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến sâu…Từ đó, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm của các thị trường.

Năm 2023 được dự báo là một năm có nhiều khó khăn đối với xuất khẩu nông sản. Dù vậy, thách thức luôn là điều luôn sẵn có. Do đó, để vượt qua các rào cản, cán đích và vượt mục tiêu về giá trị xuất khẩu đề ra đòi hỏi ngành NN&PTNT cần chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu của từng thị trường; sớm tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Mặt khác, linh hoạt trong từng giai đoạn của thị trường để nắm bắt các sản phẩm có thế mạnh. Cùng với đó là ưu tiên tổ chức các hoạt động tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng. Song song với đó, từng bước khắc phục các khó khăn, điểm yếu của các mặt hàng nông sản để từng bước chinh phục các thị trường.

Bằng sự chủ động linh hoạt vượt khó và kinh nghiệm ‘chinh chiến’ trên các thị trường trong nhiều năm qua, kỳ vọng ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục cán được đích mới ấn tượng về xuất khẩu nông sản trong năm 2023./.

B.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN