Kỳ vọng lớn từ cử tri và Nhân dân
(ĐCSVN) - Với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, kỳ vọng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thể chế hóa được đầy đủ Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân.
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã chính thức khai mạc với nhiều kỳ vọng của cử tri, nhân dân trong việc xây dựng hoàn thiện thể chế, đưa ra những quyết sách quan trọng, giải quyết những vấn đề nóng hổi, cấp thiết của đời sống.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến 7 dự án luật khác. Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án đặc biệt quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ với tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp, người dân. Bởi lẽ đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.
Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng) |
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp. Cụ thể, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022); cho ý kiến lần thứ hai tại Kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023).
Cần nhấn mạnh, dự luật Đất đai sửa đổi được chuẩn bị từ sớm, kỹ lưỡng, thận trọng. Quá trình triển khai, Chủ tịch Quốc hội không dưới 3 lần làm việc trực tiếp về các nội dung của dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân và sẽ được triển khai vào tháng 1/2023. Hiện cơ quan chủ trì thẩm tra đã nhận được nhiều các ý kiến từ các bên về dự án luật này.
Tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh, cử tri và Nhân dân kỳ vọng rất lớn vào việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc hiện nay.
Ngay trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ tư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cập sâu về dự án luật này với những định hướng hết sức cụ thể. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu 5 vấn đề lớn các đại biểu cần quan tâm trong quá trình thảo luận. Đó là, cần bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và thể chế hóa đầy đủ, chính xác, kịp thời thành các quy định cụ thể; chỉ xem xét đưa vào Luật những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và đã có định hướng của Trung ương.
Đồng thời kế thừa các quy định mang tính chất ổn định với thực tiễn, phù hợp của luật pháp về đất đai qua các thời kỳ; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, chiến lược và lâu dài; không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; không đưa vào luật những vấn đề mang tính sự vụ, hiện tượng, nhỏ lẻ, cá thể, không thể hiện đúng bản chất của quan hệ đất đai phát sinh trong thực tiễn.
Cùng với đó là giải quyết các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, có phương án xử lý phù hợp nhằm khai thông, giải phóng tối đa nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai
"Tách bạch rõ để đưa vào Luật những quan hệ đất đai mang tính chất công và quan hệ đất đai mang tính chất tư, bảo đảm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý, tính phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội được tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả, bền vững" - Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu yêu cầu cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, luật hóa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đã được áp dụng phù hợp với thực tiễn, hiệu quả thời gian qua.
Một ngày trước khai mạc Kỳ họp thứ tư, trong cuộc tọa đàm chuyên gia với chủ đề “Nghị quyết 18 và dự án Luật Đất đai (sửa đổi)”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chia sẻ, sửa đổi Luật Đất đai là sự kiện pháp lý đặc biệt của đất nước. Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin về 4 nhóm nội dung quan trọng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Một là, thể chế hóa Nghị quyết 18, dự thảo Luật dành một chương quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có 3 cấp: Quốc gia, tỉnh, huyện. Đây là công cụ để Nhà nước phân bổ nguồn lực đất đai bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai. Thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiếp tục khẳng định vai trò, sự tham gia của người dân, thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch.
Hai là, liên quan đến tài chính đất đai, dự thảo Luật có những nội dung quan trọng như: thay đổi toàn bộ phương pháp định giá đất đai, bỏ khung giá đất, có cơ chế và phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Bên cạnh đó, quy định bảng giá đất được công bố định kỳ hàng năm. Các nghĩa vụ tài chính như tiền thuế, tiền sử dụng đất, trả tiền hàng năm, giá khởi điểm khi tiến hành đấu thầu, đấu giá… đều được xác định theo bảng giá đất này. Điều cần thiết là phải thiết lập được cơ sở dữ liệu đất đai tin cậy để định giá đất sát với giá thị trường.
Ba là, phát triển kinh tế đã kéo theo sự chuyển dịch đất đai từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ. 60 - 70% các vụ khiếu nại, tố cáo đều liên quan tới vấn đề này. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần thay đổi khái niệm “giải phóng mặt bằng” và hình dung đây là quá trình chuyển dịch kinh tế đi đôi với chuyển dịch sử dụng đất có sự tham gia của người nông dân. Các chính sách đền bù, bồi thường, tái định cư, bảo đảm sinh kế, thu nhập của người dân phải bằng, tốt hơn so với trước khi có dự án.
Vấn đề quan trọng thứ tư là xây dựng được hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai toàn diện, tích hợp, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên cả nước. Đây là công cụ để hiện đại hóa quản lý đất đai, tinh gọn bộ máy, phục vụ người dân tốt hơn.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian để bàn thảo về dự luật quan trọng này. Cụ thể, trong sáng 1/11 tới đây, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tiếp đó, trong sáng 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Ngày 14/11, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tin tưởng rằng khi đưa ra nghị trường, những ý kiến đóng góp xác đáng, trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn của các đại biểu sẽ góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua.
Và với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ, kỳ vọng dự án Luật sẽ thể chế hóa được đầy đủ Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, nhân dân./.