Kỳ vọng “gam màu sáng” cho ngành Nông nghiệp nửa cuối năm
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, bức tranh kết quả sản xuất của ngành Nông nghiệp 6 tháng đầu năm đã cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống ngành. Dù vậy, những mục tiêu đề ra cho toàn ngành vẫn đang ở đó, với những chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi sự tăng tốc, bứt phá của ngành Nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm.
Với truyền thống chung sức, vượt khó, kỳ vọng ngành Nông nghiệp sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 (Ảnh: B.T) |
Ngành Nông nghiệp triển khai kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó khó khăn nhất về thị trường xuất khẩu, chủ yếu đối với mặt hàng gỗ và thuỷ sản (các mặt hàng chủ lực),…Nhưng ngành Nông nghiệp ngay từ đầu năm đã quyết liệt triển khai nhiệm vụ, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, nỗ lực vươn lên với tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước… Nhờ vậy, toàn ngành đạt được những kết quả cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Điều này cho thấy qua việc tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,1%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%, lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%. Tốc độ tăng GDP ngành nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm khá cao, đạt 3,07%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,14%; lâm nghiệp tăng 3,43%; thủy sản tăng 2,77%.
Toàn ngành góp phần bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Năng suất, sản lượng lúa Đông Xuân, cây ăn quả và cây công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tuy giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm (đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ), nhưng nhóm nông sản chính tăng rất cao so với nhiều năm trở lại đây, đạt 12,79 tỷ USD, tăng 12%,…
Những kết quả trên cho thấy, ngành Nông nghiệp đã nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp. Quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương. Tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vượt khó, đương đầu với thử thách, sáng tạo, đổi mới, bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên, trước những mục tiêu cao của cả năm 2023, ngành Nông nghiệp sẽ còn phải đối mặt, đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước để tăng tốc về đích. Trong đó, bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt; cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt làm tăng xu hướng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế giữa các khối nước trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế lớn phục hồi chậm và có dấu hiệu suy thoái; thị trường tài chính, ngân hàng toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận tài chính bị thắt chặt; hàng rào bảo hộ của các nước gia tăng để bảo vệ sản xuất trong nước. Kinh tế trong nước đang trong quá trình phục hồi nhưng còn nhiều thách thức do tăng trưởng kinh tế chậm lại; sức chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn, tạo thách thức rất lớn để duy trì sản xuất kinh doanh.
Đi cùng với đó là những khó khăn từ tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; thời tiết diễn biến bất thường, El Nino nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản. Đây là những yếu tố sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi toàn ngành Nông nghiệp phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra. Đó là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng,...
Để ngành Nông nghiệp tăng tốc, bứt phá, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và về đích các chỉ tiêu trong năm 2023, đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, đối với xuất khẩu rau quả - hiện nay đang là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng rất cao, đạt 2,75 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng tới 64%, do đó, để nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu của mặt hàng này, đạt được những con số “kỳ vọng” lớn, chúng ta cần tập trung vào chất lượng của mặt hàng rau quả. Cùng với đó là việc gia tăng khoa học công nghệ, gia tăng chế biến sản phẩm sâu hơn, gia tăng giá trị sản phẩm để phục vụ các ngành cao hơn như: mỹ phẩm,… Theo ông Nguyễn Như Cường, đối với rau quả, chúng ta cần có chiến lược cũng như đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực này. Đồng thời, còn cần đến sự đồng lòng, hướng đi đúng trên cơ sở đa dạng sản phẩm xuất khẩu.
Đối với mặt hàng chủ lực – lâm sản, ông Triệu Văn Lực – Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, trước những khó khăn chung của ngành gỗ và lâm sản khi giá trị xuất khẩu giảm mạnh, để từng bước tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng, thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại thông báo số 167/TB-VPCP, Cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để tổ chức các hội chợ triển lãm nhằm gia tăng quảng bá sản phẩm gỗ để chúng ta có cơ hội ký kết các đơn hàng mới.
Bên cạnh đó, Cục đã làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương về vấn đề cung cấp thông tin thị trường chính xác, quy định của các thị trường xuất khẩu truyền thống và các thị trường tiềm năng,…để từ đó thúc đẩy giá trị xuất khẩu lâm sản.
Nhận định thị trường là một trong những vấn đề mấu chốt của ngành Nông nghiệp trong nửa cuối năm 2023, ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2023, bức tranh thị trường chưa có tín hiệu phục hồi rõ nét, lượng tồn của cả các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước đều ở mức cao, lượng cầu vẫn đang ở mức thấp.
Bên cạnh khó khăn về xuất khẩu giảm, các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường EU nói riêng còn đặt ra những yêu cầu ngày càng chặt chẽ. Thị trường châu Âu là thị trường dẫn dắt các quy định của thị trường xuất khẩu thế giới, theo đó, nếu như trước đây là các quy định liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm thì nay là các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
"Chúng ta cần có những chính sách quy định về truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu về thị trường. Như vậy, bên cạnh yếu tố thương mại thì các yếu tố kỹ thuật cũng là vấn đề quyết định mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm để đảm bảo việc các thị trường xuất khẩu sẽ được mở rộng chứ không bị thu hẹp lại” – ông Tiệp nêu ý kiến.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trong nửa cuối năm 2023, các doanh nghiệp cần tập trung vào thị trường mũi nhọn. Với Lâm nghiệp, chúng ta không phải là hết cơ hội. Đối với thủy sản, thị trường cá tra đã bắt đầu “nhúc nhích” trở lại, tôm đã bắt đầu có đơn hàng, có thể đến tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng, hết quý III chúng ta sẽ bằng năm 2022, hết năm sẽ đạt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, một trong những vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay, đó là vấn đề hoàn thuế để doanh nghiệp có tài chính để tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Bàn về các giải pháp gỡ khó cho những khó khăn của ngành Nông nghiệp trong nửa cuối năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta cần cập nhật chính sách nông nghiệp của các quốc gia, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp. Xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, tăng cường xuất khẩu nông sản đa giá trị. Đi cùng với đó là việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng mới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xuất khẩu.
Để ngành Nông nghiệp hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023, chắc chắn đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực vươn lên của cả hệ thống toàn ngành, các doanh nghiệp, sức sản xuất của bà con nông dân...Dù biết là khó khăn, không hề dễ dàng, tuy nhiên, vẫn đang còn thời gian để chúng ta bứt phá, lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm. Đây cũng là quãng thời gian để tất cả các ngành, các lĩnh vực của ngành Nông nghiệp cần có các kế hoạch triển khai cụ thể để tận dụng các cơ hội kịp thời, vừa gỡ khó cho các thị trường, vừa tận dụng cơ hội của các mặt hàng có lợi thế (như gạo, rau quả,...) để bù đắp lại các mặt hàng hiện đang gặp khó khăn. Ứng phó chủ động, linh hoạt, kịp thời để nắm bắt các cơ hội, mang lại thêm “sức mạnh” cho ngành.
Như lời của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nói, để đến cuối năm, khi tổng kết về những kết quả của ngành NN&PTNT trong năm 2023, tâm trạng của chúng ta “phấn khởi hay trĩu nặng”, “vui vẻ hay trầm lắng” sẽ phụ thuộc từ chính những nỗ lực của toàn ngành từ thời điểm hiện nay.
Với những kinh nghiệp ứng phó trước những khó khăn, thử thách, sự chủ động của các ngành hàng, truyền thống chung sức, vượt khó, sáng tạo vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân....kỳ vọng ngành Nông nghiệp sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao./.