Kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2011 - 2016
(ĐCSVN) - Kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2011 - 2016; Cấp bách ngăn cháy rừng lan rộng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên; Khởi tố vụ án thiếu nữ mất tích bị sát hại ở Hà Nội; LHQ cảnh báo thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng tại Sudan do thiếu nguồn tài trợ là những tin tức đáng chú ý trong ngày hôm nay (20/2).
Kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2011 - 2016
Ông Trần Quang Nhất phát biểu tại một sự kiện khi còn công tác. Ảnh: phuyen.gov.vn |
Ngày 20/2/2024 Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 183/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Quang Nhất, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2011 - 2016 do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Trước đó, Tỉnh ủy Phú Yên đã thi hành kỷ luật về đảng đối với ông Trần Quang Nhất.
Thời gian thi hành kỷ luật tính từ ngày công bố Quyết định số 1142-QĐ/TU ngày 29/12/2023 của Tỉnh ủy Phú Yên.
Trước đó, ngày 29/12/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Yên đã họp và quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối ông Trần Quang Nhất, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2011-2016.
Trong nhiệm kỳ 2011-2016, ông Trần Quang Nhất đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra để xảy ra vi phạm các quy định pháp luật về đấu thầu, triển khai một số dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC thực hiện.
Cấp bách ngăn cháy rừng lan rộng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Đến 18 giờ ngày 20/2, Lào Cai vẫn đang tập trung triển khai các biện pháp cấp bách ngăn cháy rừng lan rộng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) và khắc phục những nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình khống chế các điểm cháy tại hiện trường.
Chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường yêu cầu UBND thị xã Sa Pa phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện phương án chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”; phân tích kỹ hiện trường, triển khai tích cực phương án chữa cháy rừng đảm bảo an toàn, hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện hậu cần, tiếp tế đủ thức ăn, nước uống cho lực lượng trực tiếp tham gia chữa cháy rừng tại thực địa.
Địa hình phức tạp, khu vực cháy nhiều vách đá, núi cao, đường đi khó khăn và gió lớn đã gây nhiều khó khăn trong bố trí lực lượng tiếp cận điểm cháy, chữa cháy. Đến 14 giờ ngày 20/2, qua thống kê sơ bộ, diện tích đám cháy khoảng 25 ha (chủ yếu là rừng nghèo, cỏ tranh, lau lách và thảm thực bì).
Do điểm cháy khu vực Na Háng hướng đi thôn Dền Thàng tiếp tục cháy lan rộng, trưa cùng ngày, tỉnh Lào Cai đã huy động bổ sung lực lượng lên đến gần 840 người (trong đó lực lượng trực tiếp là 640 người) tham gia chữa cháy rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Lãnh đạo thị xã Sa Pa báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường về tình hình chữa cháy rừng. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Để chủ động trong công tác chữa cháy, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, ngày 20/2, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản hỏa tốc số 743/UBND-NLN chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ rừng tổ chức các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Trước đó, khoảng 13 giờ 40 phút ngày 19/2/2024, Vườn quốc gia Hoàng Liên nhận được tin báo của Trạm Kiểm lâm số 4, UBND xã Tả Van về vụ việc xảy ra điểm cháy rừng tại Tiểu khu 286, khu vực Nà Háng, thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van (cách Trạm kiểm lâm số 4, thôn Séo Mý Tỷ khoảng 5 km)
Ngay sau khi nhận được thông tin, thị xã Sa Pa đã huy động gần 400 người tiếp cận đám cháy dập lửa, khoanh vùng không để lan vào khu vực rừng già. Tuy nhiên, do điểm cháy nằm ở độ cao khoảng 1.900m so với mực nước biển, lớp thực bì dày, gió thổi mạnh và đổi hướng liên tục khiến công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn, đám cháy đã nhanh chóng lan rộng.
Khởi tố vụ án thiếu nữ mất tích bị sát hại ở Hà Nội
|
Ngày 20/2, liên quan đến vụ thiếu nữ mất tích bị sát hại tại Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: "Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với H.M.H (sinh năm 2004, quê quán tỉnh Bắc Giang) để điều tra về tội “giết người” và “cướp tài sản".
Trước đó, cơ quan chức năng tiếp nhận tin báo của gia đình chị L.T.T.L (21 tuổi, ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) về việc không thể liên lạc được với cô gái này. Chị Linh rời nhà từ chiều 16/2.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của gia đình chị L.T.T.L (sinh năm 2003, trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội) về việc gia đình không liên lạc được với chị L, ngày 16/2, căn cứ các tài liệu ban đầu thu được, xét tính chất vụ việc, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đăng tải thông tin truy tìm người mất tích trên trang Facebook Công an thành phố để hỗ trợ gia đình tìm kiếm.
Đồng thời, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, tổ chức xác minh, tìm kiếm chị L.T.T.L.
Đến chiều 19/2, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng Công an thành phố đã bắt giữ đối tượng nghi vấn sát hại chị L.T.T.L là H.M.H.
Lực lượng Công an cũng phát hiện thi thể chị L.T.T.L tại một khu trọ thuộc phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
LHQ cảnh báo thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng tại Sudan do thiếu nguồn tài trợ
Người tị nạn Sudan sơ tán tránh xung đột tại thị trấn Gallabat. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN) |
Trong một phát biểu ngày 19/2, người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết ít nhất 25 triệu người trên khắp Sudan, Nam Sudan và CH Chad đang đối mặt tình trạng gia tăng nạn đói và suy dinh dưỡng do cuộc xung đột lan rộng ở Sudan.
Theo ông Dujarric, việc thiếu hụt hàng trăm triệu USD kinh phí tài trợ đã buộc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ phải cảnh báo về nguy cơ thảm họa nhân đạo hiển hiện đối với người dân Sudan. Với nguồn lực hạn chế, WFP chỉ có thể dành ưu tiên cho những người vừa lánh nạn sang các nước láng giềng. Điều này đồng nghĩa với việc số người tị nạn trước đó phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt là không còn nhận được hỗ trợ nữa. Bên cạnh đó, khoảng 18 triệu người dân ở Sudan cũng đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó nhiều người còn mắc kẹt trong vùng chiến sự.
Trước tình hình này, LHQ kêu gọi các bên viện trợ tài chính và phương tiện cần thiết nhằm ngăn chặn “thảm họa nạn đói” ở Sudan. Theo ông Dujarric, lời kêu gọi không chỉ nhằm mục đích thúc giục hành động cứu trợ ngay lập tức, mà còn là lời nhắc nhở về mối liên hệ giữa sự ổn định khu vực và trách nhiệm toàn cầu./.