Kỳ họp bất thường lần thứ hai đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn
(ĐCSVN) - Các đại biểu Quốc hội đánh giá những nội dung đưa vào chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai là những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai cho thấy sự quyết liệt, khẩn trương của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.
Khai mạc Kỳ họp Quốc hội bất thường (Nguồn: vtvgo.vn) |
Sáng 5/1, Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khoá XV được khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa quan trọng nhằm xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của cuộc sống.
Kỳ họp diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 5-9/1/2023 để xem xét, quyết định 5 nội dung quan trọng, cấp bách gồm: Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Xem xét, tổng kết, đánh giá thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30/2021/QHXV, xem xét, quyết định việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; Xem xét, quyết định một số vấn đề về tài chính, ngân sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Một số vấn đề liên quan đến công tác đại biểu và nhân sự mới có.
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngay sau phiên khai mạc Kỳ họp, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) khẳng định, việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai là hết sức cần thiết, nhằm xem xét, giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực tiễn đời sống. Bày tỏ quan tâm đến dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu cho biết, đây là dự án Luật được dự kiến thông qua trong 3 kỳ họp. Để bảo đảm tiến độ và yêu cầu về chất lượng, dự án Luật được xem xét ngay tại Kỳ họp bất thường thay vì phải đợi đến Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV (vào tháng 5/2023).
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang). |
Theo đại biểu Trần Văn Lâm, để trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, ngay sau Kỳ họp thứ Tư, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã tổ chức nhiều cuộc họp để thống nhất giải trình, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội; tổ chức xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật, lấy ý kiến, tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Hiện dự thảo Luật gồm 12 chương, 123 điều, nhiều hơn 3 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư. Điều đó để thấy được sự kỹ lưỡng, thận trọng của Quốc hội khi thông qua dự án Luật đặc biệt quan trọng này. Mục tiêu hướng tới là tìm ra giải pháp tối ưu nhất, giải quyết những vướng mắc đặt ra trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng) cho rằng, Kỳ họp bất thường lần thứ hai được tổ chức căn cứ trên quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng và cấp bách, tiếp tục thể hiện tinh thần “Quốc hội đồng hành với Chính phủ” thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội. Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh thực hiện các nội dung của kỳ họp này phải bảo đảm cả tiến độ và chất lượng. “Đây là một lời nhắc nhở với các đại biểu Quốc hội và bản thân tôi, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng” – đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và Tờ trình đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Đây là một việc làm hết sức cần thiết vì dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, cần tiếp tục theo dõi, đòi hỏi phải đánh giá lại việc thực hiện quy định liên quan tại Nghị quyết số 30, xác định những cơ chế phù hợp để tạo điều kiện ứng phó kịp thời với diễn biến của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến một vấn đề khác được đưa ra xem xét, quyết định tại Kỳ họp này là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua xem xét tài liệu trong hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu nhận thấy, bản quy hoạch trình ra Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai đã tiếp thu và chỉnh sửa nhiều nội dung. Trong đó, nội dung quan trọng và khó nhất của Quy hoạch tổng thể quốc gia là tổ chức lại không gian, hay dùng đúng từ chuyên ngành là tổ chức lãnh thổ. Tổ chức lại lãnh thổ trong giai đoạn tới như thế nào để thực hiện hiệu quả các mục tiêu được đặt ra cho từng thời kỳ được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII quy định. Để thực hiện được mục đích này, đại biểu cho rằng, cần hết sức lưu ý nguyên tắc “tổ chức lãnh thổ phải gắn chặt với kết nối các nguồn lực”, có vùng động lực nhưng phải đánh thức được những vùng này, biến nó trở thành cực phát triển.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) khẳng định, nguyên tắc quan trọng nhất trong Kỳ họp bất thường của Quốc hội là chỉ xem xét các vấn đề cấp bách của đất nước đã được các cơ quan chức năng chuẩn bị kỹ lưỡng, đã chín, đã rõ và có sự đồng thuận, thống nhất cao. Do đó, trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai để xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách là rất cần thiết.
Theo đại biểu, việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ hai của nhiệm kỳ khóa XV cũng cho thấy sự quyết liệt, khẩn trương của Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Đánh giá cao công tác chuẩn bị kỳ họp kỹ lưỡng, chu toàn của các cơ quan hữu quan, đại biểu cho rằng các nội dung tờ trình, báo cáo thẩm tra đều được chuẩn bị rất chu đáo, cẩn thận.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). |
Về nội dung kỳ họp, đại biểu bày tỏ đặc biệt quan tâm đến dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo đại biểu, dự án Luật đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 02 kỳ họp trước, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội đã cân nhắc thận trọng, toàn diện, quyết định điều chỉnh thời điểm xem xét, thông qua dự án sang kỳ họp kế tiếp để có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp tục làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy định.
Đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực, nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm, lắng nghe, chủ động phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Xã hội và Chính phủ, Bộ Y tế trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Nhấn mạnh Luật này có liên quan mật thiết đến đời sống sinh hoạt của người dân, đại biểu cho rằng cần chu đáo, cẩn trọng, khách quan. Qua nghiên cứu dự Luật, đại biểu chỉ ra nhiều vấn đề cần cân nhắc, làm rõ hơn để khả thi trong thực tế, như các quy định về người chịu trách nhiệm chuyên môn, về cập nhật kiến thức y khoa liên tục, vấn đề miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định rõ về nội dung, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế, về Hội đồng y khoa, thời hạn, giấy phép hành nghề, về y tế dự phòng, y tế cơ sở./.