Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kinh tế Nhật Bản giảm mạnh hơn so với ước tính

Thứ Tư, 08/12/2021 18:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 8/12, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III/2021 của nước này thực tế giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm nhiều hơn so với ước tính ban đầu là 3%.

Kinh tế Nhật Bản giảm mạnh hơn so với ước tính do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
(Ảnh: japantimes.co.jp)

Theo thống kê, chi tiêu tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản, cũng giảm tới 1,3% trong quý III, cao hơn 0,2% so với ước tính ban đầu.

Trong quý III/2021, Nhật Bản đã phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 5 của dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới liên tục tăng, buộc Chính phủ Nhật Bản phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 20 tỉnh, thành khác, dẫn tới việc người dân hạn chế ra ngoài đường và các cơ sở kinh doanh ăn uống phải đóng cửa sớm. 

Cũng theo báo cáo, trong quý III/2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Nhật Bản chỉ giảm với các mức tương ứng 0,9% và 1%, so với các mức giảm 2,1% và 2,7% theo ước tính ban đầu.

Sự sụt giảm này chủ yếu do chi tiêu vốn của các doanh nghiệp trong kỳ báo cáo giảm 3,8%, mức giảm mạnh hơn ước tính 2,3% ban đầu. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính Nhật Bản, chi tiêu vốn của các doanh nghiệp phi tài chính tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong chi tiêu hộ gia đình, việc chi cho hàng hóa lâu bền giảm 16,3% so với quý trước đó, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ khi thu thập dữ liệu năm 1994.

Chi tiêu cho các sản phẩm ô tô đang giảm dần, trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô lớn buộc phải cắt giảm sản lượng do đại dịch COVID-19 gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung chất bán dẫn tại khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư công cũng được điều chỉnh giảm 2% so với ước tính ban đầu là 1,5%.

Nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin, ông Takeshi Minami cho biết, kinh tế Nhật Bản suy giảm nhiều hơn so với dự kiến do nguồn cung bị hạn chế đã khiến sản lượng và chi tiêu vốn bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Takeshi cho biết, kinh tế nước này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong quý IV/2021 nhưng tốc độ phục hồi sẽ chậm do chi tiêu tiêu dùng chưa thể quay trở lại về mức trước đại dịch mặc dù các biện pháp hạn chế dịch bệnh đã được nới lỏng kể từ cuối tháng 9 vừa qua.

Trước đó, ngày 6/12, Chính phủ Nhật Bản đã đệ trình Quốc hội dự thảo ngân sách bổ sung cho tài khóa 2021, tổng trị giá lên tới 36.000 tỷ yen (320 tỷ USD) nhằm tài trợ một phần cho gói kích thích kinh tế. Đây là dự thảo ngân sách bổ sung đầu tiên được xây dựng dưới thời chính quyền của tân Thủ tướng Kishida Fumio.

Với ngân sách kỷ lục, chính quyền của Thủ tướng Fumio Kishida đặt mục tiêu thúc đẩy sự phục hồi kinh tế đất nước sau đại dịch COVID-19 cũng như để tài trợ cho các hoạt động chuẩn bị đối phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm mới của dịch bệnh do sự xuất hiện biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này cho năm tài khóa 2021, nhưng vẫn cho rằng nền kinh tế đang hồi phục ở mức độ vừa phải trước tác động của đại dịch COVID-19. Theo đó, BOJ đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong tài khóa 2021 (kết thúc vào tháng 3/2022) xuống còn 3,8%, giảm 0,2% so với dự báo được đưa ra trước đó.

Cũng trong ngày 8/12, Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tháng 10 lên tới 1.180 tỷ yen (khoảng 10 tỷ USD). Mức thặng dư này đạt được ngay cả khi Nhật Bản bị thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ lên tới 575,4 tỷ yen, trong khi chỉ đạt 166,7 tỷ yen thặng dư thương mại hàng hóa./.

H.Hà (Theo Kyodo, Reuters)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN