Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kinh nghiệm giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang

Thứ Tư, 13/01/2016 16:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Cách đây tròn một năm, xã Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho) là xã đầu tiên của tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới. Từ xã Tân Mỹ Chánh, sau một năm Tiền Giang có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới lên con số 12.

Nuôi bò ở Tân Mỹ Chánh. (Nguồn: tiengiang.gov.vn)

 

Tuy nhiên, Tân Mỹ Chánh vẫn là một trong những lá cờ đầu trong phong trào xây dựng xã nông thôn mới của Tiền Giang với những bài học kinh nghiệm quý trong công tác vận động quần chúng chung tay xây dựng nông thôn mới. 

Về thăm xã Tân Mỹ Chánh trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 mới cảm nhận hết khung cảnh làng quê thuần nông ngày nào đang khoác lên mình màu áo mới. Đường làng, ngõ xóm được trải nhựa hoặc tráng bê tông phẳng phiu, rộng rãi, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của người dân. Được chọn làm xã điểm chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2014, có thể khẳng định, xã Tân Mỹ Chánh đã có những cách làm hay, chọn được các khâu đột phá để tập trung thực hiện xây dựng nông thôn mới như: Công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ được chú trọng, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề và giảm nghèo nông thôn... 

Theo ông Lê Ngọc Hóa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Chánh, nhận thức rõ Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân địa phương, góp phần thay đổi căn bản, đồng bộ diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn, do vậy Ban Chỉ đạo xã đã tập trung cho các khâu đột phá, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động công sức đóng góp của người dân. Hầu hết các tiêu chí về nông thôn mới trên địa bàn đều có sự tham gia đóng góp ý kiến, góp công sức của nhân dân. Cụ thể: nhân dân đã góp 6,8 tỷ đồng xây dựng cầu đường nông thôn; khoảng 1 tỷ đồng hoàn thiện mạng lưới kênh mương phục vụ sản xuất; 26 tỷ đồng xóa nhà tạm, nhà tre lá và giải quyết nhà ở đối với gia đình chính sách khó khăn… Nhờ vậy, chỉ sau 3 năm phát động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Tân Mỹ Chánh đã đạt chuẩn nông thôn mới. 

Sau khi ra mắt xã nông thôn mới, xã Tân Mỹ Chánh tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ thuần nông sang nông nghiệp đô thị như: Trồng cây ăn quả đặc sản, trồng hoa kiểng Tết, trồng màu, chăn nuôi bò... xây dựng những mô hình kinh tế tổng hợp phù hợp với điều kiện vùng ven đang “đô thị hóa” từng ngày… 

Ông Lê Ngọc Hóa cho biết thêm, thuận lợi cơ bản của địa phương là nhân dân đã hiểu và ý thức được lợi ích của Chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trách nhiệm chung tay đưa chương trình vào đời sống, thiết thực phục vụ lợi ích của cộng đồng. 

Năm 2015, xã Tân Mỹ Chánh tiếp tục vận động nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đóng góp hàng tỷ đồng hoàn thiện kiến thiết hạ tầng nông thôn gồm: Các tuyến đường liên tổ 3 và 13 ấp Phong Thuận; đường và cầu liên ấp Bình Thạnh và Bình Lợi; nạo vét 5 kênh nội đồng phục vụ sản xuất, đầu tư thêm 27 tỷ đồng từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng cơ sở vật chất trường trung học cơ sở Tân Mỹ Chánh đạt chuẩn quốc gia và trường Mầm non Mạ Xanh… Trong đó, điển hình có ông Trần Văn Thật, chủ doanh nghiệp tư nhân Bá Hưng, ấp Phong Thuận góp 200 triệu đồng; ông Lê Văn Thành, Chủ doanh nghiệp tư nhân Tấn Phước, ấp Phong Thuận, góp 200 triệu đồng; ông Lê Văn Thiệt, chủ doanh nghiệp tư nhân Nhơn Nghĩa, ấp Phong Thuận, góp 200 triệu đồng... để phát triển giao thông nông thôn. 

Trong xây dựng nông thôn mới ở Tân Mỹ Chánh có vai trò tích cực của cán bộ, đảng viên đi đầu và cụ thể hóa việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm thiết thực. Trong đó, tiêu biểu là ông Nguyễn Văn Út, đảng viên, Trưởng ấp Bình Phong, xã Tân Mỹ Chánh, đã động viên gia đình hiến 1.000 m2 đất mặt tiền để phục vụ thi công, nâng cấp và mở rộng con đường Lộ Làng theo chuẩn quốc gia. Gia đình ông đã hiến đất để phục vụ xây dựng nông thôn mới trị giá gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Út còn hiến thêm một thửa đất khác rộng 3.100 m2 để địa phương xây dựng trường học. 

Noi theo tấm gương của ông Út, 80 hộ dân ấp Bình Phong cũng đã tình nguyện hiến đất, làm đường nông thôn mới. Từ một con đường đất nông thôn nhỏ hẹp, mùa nắng bụi bay mù trời, mùa mưa lầy lội, khó đi, Lộ Làng đã trở thành con đường huyện 87 rộng rãi, trải nhựa phẳng phiu cho xe cơ giới lưu thông nhộn nhịp ngày đêm. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo vùng quê Tân Mỹ Chánh. Nếu trước kia, khi nói đến Tân Mỹ Chánh người ta chỉ nghĩ đến cây lúa, con lợn, con gà thì hôm nay, nơi đây điển hình cho hiệu quả tái cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị với những cây trồng, vật nuôi thế mạnh như: Cây lúa chất lượng cao, rau màu, hoa kiểng, chăn nuôi bò, dê, nuôi gia cầm… Ngoài ra, thương mại - dịch vụ cũng phát triển mạnh, góp sức đưa Tân Mỹ Chánh đi lên một cách toàn diện và vững chắc. 

Ông Lê Ngọc Hóa cho biết, thống kê trên địa bàn có 225 ha đất trồng lúa 3 vụ/năm, gần 100 ha đất trồng rau màu, gần 500 ha đất trồng cây ăn quả, hàng trăm hộ chuyên trồng và kinh doanh hoa kiểng... Năm 2015, xã đã kết hợp cùng các ngành chức năng triển khai thêm các mô hình nuôi lươn thương phẩm với 12 hộ dân tham gia được hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng; trồng bưởi da xanh theo tiêu chí VietGAP với 41 hộ dân tham gia trên diện tích 13 ha bưởi da xanh chuyên canh. Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các làng hoa kiểng Bình Phong, Tân Tỉnh A… của xã cung ứng cho thị trường hoa kiểng tết hàng trăm ngàn giỏ hoa, chậu kiểng các loại, mang về cho người dân nguồn lợi kinh tế quan trọng. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ cũng là thế mạnh kinh tế đang được phát huy. Toàn xã có 47 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với doanh số hàng năm đạt 280 tỷ đồng, trên 300 hộ kinh doanh buôn bán nhỏ với tổng nguồn vốn trên 16 tỷ đồng, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho trên 400 lao động. 

Cuối năm 2014, thời điểm xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới, Tân Mỹ Chánh đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 32 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,2% trong đó có 1 ấp không còn hộ nghèo thì đến cuối năm 2015 thu nhập bình quân đầu người của xã là 32,5 triệu đồng/người/năm và tỉ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 1,83%. 

Xã Tân Mỹ Chánh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 1,5% và thu nhập bình quân đầu người đạt 88,14 triệu đồng/người/năm... Với sự đồng thuận của người dân, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và một tiền đề thuận lợi trong xây dựng nông thôn mới, chắc chắc mục tiêu đó của xã Tân Mỹ Chánh sẽ trở thành hiện thực./. 

 

Minh Trí/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN