Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiến nghị nhà thuốc bệnh viện tự quyết mua sắm thuốc, không cần qua đấu thầu

Thứ Tư, 06/11/2024 19:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định buộc nhà thuốc trong bệnh viện công phải đấu thầu khi mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế sẽ không giải quyết được khó khăn về thiếu thuốc, trang thiết bị y tế trong bệnh viện. Đồng thời đề xuất không áp dụng việc đấu thầu đối với nhà thuốc hoạt động trong khuôn viên bệnh viện, cơ sở y tế công lập.

Chiều 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận đó là quy định buộc nhà thuốc trong bệnh viện công phải đấu thầu khi mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Nếu đấu thầu, người bệnh phải chịu thêm thuế/phí

Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) quan tâm tới việc sửa đổi, bổ sung của Luật Đấu thầu tại khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu về quy định bán lẻ thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện công lập. Đại biểu cho rằng, việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc bệnh viện sử dụng nguồn thu hợp pháp nhưng vẫn thuộc đối tượng áp dụng tại Điều 2 Luật Đấu thầu nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Gia Hân

Bên cạnh đó, nếu sửa như dự thảo Luật là áp dụng mua sắm trực tiếp thì chưa thể tháo gỡ được khó khăn mua sắm tại các cơ sở y tế công lập, trong đó có việc mua thuốc cho các cơ sở bán lẻ thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện công lập. Đại biểu chỉ rõ 2 lý do, bao gồm: 

Thứ nhất, mua sắm trực tiếp không phải là áp giá. Trong các quy định về đấu thầu không có hình thức nào áp giá. Mua sắm trực tiếp cũng là một hình thức lựa chọn nhà thầu nên cần thực hiện các quy trình, trình tự lựa chọn nhà thầu như: xây dựng kế hoạch và khó xác định được nhu cầu để xây dựng kế hoạch; tổ chức thẩm định, phê duyệt chọn nhà thầu; phát hành hồ sơ, đánh giá hồ sơ, đề xuất và thẩm định cũng như phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời gian các bước không thể cắt ngắn được.

Trong khi nhà thuốc bệnh viện không chỉ phục vụ người bệnh nội trú mà còn phục vụ người bệnh ngoại trú, người nhà người bệnh và các đối tượng khác. Hiện nay, cũng chưa có mẫu hồ sơ đối với việc mua sắm trực tiếp.

Thứ hai, nhà thuốc bệnh viện hoạt động theo hình thức kinh doanh có đóng thuế nên hàng hóa bán tại đây có cả chi phí tổ chức đấu thầu và các chi phí, thuế phí của cơ sở kinh doanh sẽ được tính trên giá thành sản phẩm. Người dân sẽ lại phải chịu tăng thêm chi phí này. Nguồn thu hợp pháp của đơn vị tự chủ công lập còn có nguồn thu khác như: căng-tin, tạp hóa, nếu áp dụng phạm vi Điều 2 của Luật Đấu thầu thì các sản phẩm tại đây cũng thuộc đối tượng áp dụng.

Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị sửa lại khoản 2 Điều 55 như sau: “Đối với việc mua sắm thuốc không thuộc đối tượng BHYT chi trả, mua vaccine tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, hàng hóa bán lẻ (bao gồm mua thuốc để bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở KCB công lập) thì cơ sở KCB, cơ sở y tế tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, kinh tế và trách nhiệm giải trình".

Nhà thuốc khó xây dựng kế hoạch đấu thầu

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nêu quan điểm, cơ sở bán lẻ thuốc tại cơ sở KCB là nơi cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và hàng hóa thiết yếu trong khuôn viên bệnh viện.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Gia Hân

Nhà thuốc bệnh viện do Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động. Quy định hiện nay buộc nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó tại cùng thời điểm, hoặc không cao hơn giá trúng thầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương trong vòng 12 tháng.

Tuy nhiên, nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh mà không dự trù trước được về danh mục, số lượng nên rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Nếu thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài. Điều này vừa bất tiện, khó kiểm soát chất lượng, giá cả và ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.

Trước thực trạng trên, bà Nhị Hà kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 như sau: "Đối với việc mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở KCB công lập thì cơ sở KCB được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu"./.

Bích Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN