Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiên Giang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 48 nghìn tỷ đồng

Thứ Tư, 19/07/2023 11:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Theo Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, ước tính đến cuối năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh sẽ đạt 48.187,046 tỷ đồng, tăng 24,7% so đầu nhiệm kỳ 2020-2025…

Sản xuất chế biến thuỷ sản tại Kiên Giang. (Ảnh: Báo KG) 

Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 145.000 tỷ đồng, tăng 31,9% so đầu nhiệm kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 860 triệu USD, tăng 26% so đầu nhiệm kỳ…

Được biết, hiện các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã thu hút được 24 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn 5.668 tỷ đồng, tăng 11,28 lần so đầu nhiệm kỳ và tạo việc làm cho 13.045 lao động, tăng 41,7% so đầu nhiệm kỳ.

Các cụm công nghiệp cũng đã thu hút được 4 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.350,5 tỷ đồng, tăng 2,69 lần về diện tích thuê đất và 5,11 lần về vốn đầu tư so đầu nhiệm kỳ, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 1.140 lao động, tăng 54% so đầu nhiệm kỳ…

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang cho biết, để phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững và đảm bảo mục tiêu Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, dự kiến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 8%/năm, Sở đã tham mưu Tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp, đó là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp: phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung quy mô lớn, đáp ứng với nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu…

Từng bước tái cơ cấu lại ngành công nghiệp: xây dựng và hoàn chỉnh phương án phát triển công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, các nhóm ngành hàng mang lại giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành công nghiệp từ phát triển theo chiều rộng (số lượng) sang phát triển theo chiều sâu nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nhất là đối với nguồn tài nguyên không tái tạo. Trong đó, tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị;

Đồng thời đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng hạ tầng kỹ thuật đáp ứng cho phát triển công nghiệp: Đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển nước sâu để kết nối, thông thương hàng hóa, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Huy động tối đa các nguồn vốn, nhất là vốn ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư: tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng; đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý của chính quyền các cấp; nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đặc thù của tỉnh để thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ: đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp, nhất là các nhóm ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thuỷ hải sản; nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, các trường trên địa bàn tỉnh, nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp của lực lượng lao động; khuyến khích đầu tư ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong các ngành công nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm chủ lực.

Theo quy hoạch phát triển của Kiên Giang, mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh vào năm 2025 phấn đấu đạt 118.443 tỷ đồng, tăng trưởng 13,8%/năm (2021 - 2025); năm 2030 đạt hơn 221.362 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 12,28%/năm (2026 - 2030). Giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tại địa phương. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2025 trên 38.600 tỷ đồng và năm 2030 khoảng 64.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp đến năm 2030 khoảng 450.000 tỷ đồng./..

Bảo Châu (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN