Kiên Giang: Chủ động phòng bệnh tay chân miệng trong trường học
(ĐCSVN) – Năm 2023, bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tăng, ghi nhận 6 trường hợp tử vong. Ngành y tế Kiên Giang đã quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống, nhất là phối hợp ngành giáo dục và đào tạo chủ động phòng bệnh trong trường học, nhà giữ trẻ để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Năm 2023 toàn tỉnh Kiên Giang ghi nhận 3.696 ca mắc tay chân miệng (Ảnh: Huy Hải) |
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận 3.696 ca mắc tay chân miệng, tăng gấp 3 lần so năm 2022, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại các huyện gồm Châu Thành 1 ca, Hòn Đất 1 ca, Tân Hiệp 1 ca, Giồng Riềng 1 ca và thành phố Rạch Giá 2 ca.
Bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Kiên Giang cho biết, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, chủ yếu lây theo đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, mụn nước của người nhiễm virus. Bệnh dễ bùng phát thành dịch, nhất là ở những địa điểm sinh hoạt tập thể như trường học, nhà giữ trẻ…
"Do đó, để ngăn chặn bệnh tay chân miệng lây lan, các trường mầm non, nhà giữ trẻ, nhóm trẻ gia đình cần thực hiện biện pháp phòng bệnh thường xuyên. Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời và giữ trẻ tại nhà đến khi khỏi bệnh mới đưa đến trường”, bác sĩ chuyên khoa II Danh Tý nói.
Nguyên nhân bệnh tay chân miệng tăng do thời tiết thuận lợi cho virus gây bệnh tay chân miệng phát triển, đồng thời chủng virus EV71 lưu hành tại tỉnh, đây là chủng virus nguy hiểm có nhiều biến chứng nặng như viêm màng não, suy tim… dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Trần Văn Hội - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Rạch Giá cho biết năm 2023, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố tăng nhanh và diễn biến rất phức tạp, có 2 trường hợp tử vong đều dương tính với virus EV71.
"Trung tâm Y tế thành phố Rạch Giá chỉ đạo các trạm y tế, phòng khám khu vực tăng cường tuyên truyền, giám sát, phát hiện, khoanh vùng ổ dịch cũ, chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, thuốc, hóa chất, trang thiết bị... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn, nhất là giám sát các ca bệnh tại trường học và ngoài cộng đồng”, bác sĩ Trần Văn Hội nói.
Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi (Ảnh: TL) |
Sở Y tế tỉnh Kiên Giang giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2024. Các cơ sở khám, chữa bệnh rà soát, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại đơn vị để bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng; tăng cường theo dõi người bệnh tay chân miệng nằm điều trị nội trú tại đơn vị, nhất là trong các ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần, nghỉ tết để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh diễn biến nặng.
Đồng thời, đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo cùng cấp chỉ đạo các điểm trường tiểu học, mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trong nhà trường để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Diện - chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Biên cho biết Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ban giám hiệu các điểm trường mẫu giáo, mầm non... phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng trong trường học như vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thực hiện ăn sạch, uống sạch, giữ bàn tay sạch, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng, trường thông báo cho phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh, điều trị đến khi khỏi bệnh mới đưa đến trường để tránh lây cho trẻ khác./.