Kiểm tra rềnh rang “báo trước” có còn là kiểm tra?
(ĐCSVN) - Kiểm tra là một trong những công tác quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước, kiểm tra nhằm đưa ra nhận xét, đánh giá tình hình thực tế, thậm chí có thể phát hiện những sai phạm của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đó. Nhưng với cách tiến hành rềnh rang lại báo trước như hiện nay, liệu có mang lại kết quả, có đạt được mục đích khách quan?
Công tác kiểm tra cần khắc phục những hạn chế để có kết quả thực sự khách quan.
(Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn)
Còn ở lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATPT), trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV), tháng 9/2015, tại chương trình chuyên đề “Chống buôn lậu hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng” có phát một phóng sự ngắn về một cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm, khi một đơn vị kiểm tra liên ngành tại Hà Nội tiến hành một cuộc kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu cho mùa Trung thu 2015. Theo đó, cán bộ đoàn kiểm tra chủ yếu tiến hành phương thức “hỏi và đáp”. Với cách kiểm tra này, các báo cáo về VSATTP cho kết quả: 100% đạt chuẩn. Cơ quan quản lý cũng được đánh giá đã làm tốt nhiệm vụ. Được biết, trong kế hoạch kiểm tra đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt cho đợt kiểm tra này, không hề có nội dung nào cho phép đoàn kiểm tra được thông báo trước cho doanh nghiệp. Trưởng đoàn kiểm tra chỉ được phép thông báo cho các thành viên của đoàn về kế hoạch và nội dung kiểm tra.
Ở một số trường hợp khác, qua các kênh thông tin, báo chí, đối tượng bị kiểm tra còn được rềnh rang báo trước là sẽ bị kiểm tra, thời gian, địa điểm, lĩnh vực và chương trình kiểm tra… Thậm chí báo chí đã từng phản ánh không ít hiện tượng cá nhân trong cơ quan chức năng có quan hệ thân tình đã “nháy” trước kế hoạch kiểm tra khá chi tiết cho cơ quan đơn vị sắp bị kiểm tra, hoặc cơ quan chức năng khi nhận được đơn thư tố giác sai phạm đã ngầm báo cho đơn vị sai phạm biết để liệu bề “che đậy”. Có thể nói đây chính là cách “vẽ đường cho hươu chạy”!
Trong sản xuất kinh doanh, hay các hoạt động của cơ quan đơn vị, không ai mong muốn mình trở thành đối tượng “bị soi” của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên với phương thức "khua chiêng" trước, phải chăng cơ quan chức năng đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp đơn vị sắp bị kiểm tra "phối hợp nhịp nhàng” với đoàn kiểm tra. Nếu không phải thế, doanh nghiệp cũng sẽ nắm được tình hình để chuẩn bị đối phó. Vậy, các hoạt động và công tác kiểm tra có phát hiện được sai phạm, làm rõ được sự thật hay không?.
Thiết nghĩ, Nhà nước cần bổ sung các chế tài pháp lý cụ thể để khắc phục hạn chế trong công tác và phương thức kiểm tra của các cơ quan chức năng. Cần đổi mới từ tư duy, cách làm, đề cao tính hiệu quả công tác kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện sai phạm, giúp Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác quản lí, điều hành./.