Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ - yêu cầu cấp bách hiện nay
(ĐCSVN) – Để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nhiều ý kiến của các đồng chí Ủy viên Trung ương bày tỏ sự đồng tình với việc ngăn chặn chạy chức, chạy quyền; đánh giá cán bộ; bố trí cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương.
Thảo luận về Đề án “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, ngày 8/5, tại Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII), các đồng chí Ủy viên Trung ương đều đánh giá cao Đề án và cho rằng, đây là nội dung lớn, quan trọng, thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay.
Những gợi ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị để khắc phục tình trạng “chạy chức, chạy quyền” hay “thân quen, cánh hẩu”; Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai?; Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa?... là những vấn đề chính mà các đồng chí Ủy viên Trung ương tập trung thảo luận.
Về đề xuất bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương đã nhận được sự đồng tình của nhiều ủy viên Trung ương vì đây cũng có thể được coi là một biện pháp để kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, hoặc hạn chế được nhiều bất cập đang xảy ra trong thực tế như: Điều hành chỉ đạo công việc còn nể nang, duy tình, hoặc bổ nhiệm cán bộ chưa chính xác.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, quy định này sẽ giúp kiểm soát được quyền lực tốt hơn, vì người đó không có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em trên địa bàn. Một người sinh ra và lớn lên ở địa phương mấy chục năm sẽ có những quan hệ ràng buộc ảnh hưởng rất nhiều. Hơn nữa, lãnh đạo cấp ủy từ nơi khác đến thì sự giám sát của người dân sẽ chặt chẽ hơn; bản thân vị lãnh đạo đó cũng thận trọng hơn trong ứng xử với nhân dân.
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân có nhiều năm làm Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, mỗi người đều có mối quan hệ tình cảm họ hàng, anh em, đồng nghiệp, kể cả những thế hệ trước có công đào tạo mình. Vì vậy, nhiều khi cán bộ rơi vào tình trạng duy tình trong giải quyết công việc.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng cho rằng, nếu không phải người địa phương thì sẽ khó khăn nắm địa bàn, lòng dân, nhưng là người địa phương thì lại có thể nể nang, né tránh, khó giữ được kỷ cương, kỷ luật trong xử lý công việc.
“Những thiếu hụt về nắm bắt địa bàn, về dân cư, về kinh tế - xã hội thì tự mình lăn lộn tìm hiểu có thể bù đắp được, nhưng còn tình cảm rất khó xử lý. Vì vậy, tôi ủng hộ phương án lãnh đạo không phải người địa phương” - đồng chí Đỗ Văn Chiến nêu quan điểm.
Một số ý kiến khác đề nghị triển khai nhất quán ngay từ đầu chủ trương nêu trên, tránh tình trạng có địa phương làm, địa phương không. Và để làm được điều này, thì ngay từ bây giờ, Trung ương phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư, đảm bảo tính chất vùng miền, dân tộc.... Một số ý kiến cũng đề nghị áp dụng chủ trương này với chức danh chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đồng chí Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, việc bố trí cán bộ lãnh đạo cấp huyện không phải là người địa phương đến bây giờ mới đề cập là muộn. Theo đồng chí Thành, thực tế, ngay từ bây giờ đã có thể bố trí bí thư cấp huyện được trước năm 2020.
Ngăn chặn chạy chức, chạy quyền
Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... là vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ đã được Tổng Bí thư nhận định là chậm được ngăn chặn và đẩy lùi. Đây cũng là vấn đề mà các Ủy viên Trung ương phân tích, cho rằng cần phải nhận thức sâu sắc về hậu quả của chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.
Nhiều đại biểu cho rằng, cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác chạy mình. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cán bộ phải có những người mẫn cán và luôn nêu cao trách nhiệm của công chức.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn cho rằng, nhức nhối nhất vẫn là vấn đề chạy chức, chạy quyền và tất cả các loại chạy. Số lượng cơ học về chạy ngày càng tăng lên. Câu hỏi đặt ra là ai chạy và chạy đâu?
Theo đồng chí Trần Đơn, vấn đề quan trọng là người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, tốt, cộng với biện pháp, chế tài đầy đủ. Người đứng đầu không để người khác chạy mình. Thứ hai là cơ quan quản lý cán bộ. Đó là hai nơi chúng ta có thể ngăn chặn được để giảm thiểu tình trạng nêu trên” - đồng chí Trần Đơn nêu quan điểm; đồng thời khẳng định, đây chính là mấu chốt dẫn đến quy chế, quy trình công tác cán bộ đầy đủ nhưng người thực hiện thì sai.
Cùng quan điểm trên, đồng chí Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu 5 cho rằng, cần kiểm soát quyền lực trong bố trí, sắp xếp cán bộ. vì đây chính là điểm nghẽn, phải đột phá. Nếu chúng ta chống được mấy loại chạy, loại bỏ sự ban phát quyền lực, “cánh hẩu”, thì sẽ thành công.
Cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề công tác cán bộ đã được đề cập từ lâu nhưng vì sao đến nay vẫn còn có nhiều hạn chế? Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, "khâu tổ chức thực hiện là khâu yếu nhất của chúng ta hiện nay và nên ghi trong bài học kinh nghiệm”, vì Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đến nay vẫn còn rất nhiều vấn đề còn nguyên giá trị, nhưng mới chỉ thực hiện được một số kết quả.
Đổi mới công tác đánh giá cán bộ
Đánh giá cán bộ chưa chuẩn xác là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số cán bộ uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, thậm chí vướng vào tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Nhiều Ủy viên Trung ương cho rằng, cần phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ bằng việc lượng hóa các tiêu chuẩn gắn với kết quả sản phẩm; đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều, liên tục, đánh giá theo kiểu sản phẩm, đặt hàng…
Dẫn kinh nghiệm thực tế tại địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị chia sẻ: “Tỉnh đặt hàng cho các bí thư, chủ tịch huyện, giám đốc các sở 5-7 nhiệm vụ mà tỉnh đang cần giải quyết. Và cuối năm lấy sản phẩm để đánh giá. Cái này thực chất hơn, rõ hơn”.
Còn theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, thực hiện đánh giá nhiều chiều: Cấp dưới đánh giá cấp trên; đánh giá cùng cấp và cấp trên trực tiếp đánh giá cán bộ.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội cho rằng, cán bộ phải được giao việc và đánh giá. Việc khó sẽ tìm được cán bộ giỏi. Đánh giá cán bộ phải nêu rõ từng thời kỳ nào có thành tích gì và thành tích cần phải được ghi trong hồ sơ.
Hội nghị Trung ương 7 dự kiến làm việc đến ngày 12/5. Ba đề án trọng tâm được bàn thảo tại Hội nghị là: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội./.