Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiểm soát giá vì lợi ích người tiêu dùng

Thứ Năm, 21/01/2016 10:40 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Hiện một số mặt hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã bắt đầu tăng giá. Cơ quan quản lý khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát giá, chống đầu cơ, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Ảnh minh họa. ( Nguồn: TTXVN)

Như đã thành thông lệ, trước và sau Tết Nguyên đán sẽ có những biến động về lượng hàng hóa tiêu thụ, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như: Thực phẩm, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát...

Dù nhiều doanh nghiệp nhà nước đã cam kết không tăng giá và tổ chức nhiều điểm bán hàng Tết bình ổn giá, nhưng thực tế ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa rất khó kiểm soát được việc này. Đây là một thực tế, bởi lực lượng quản lý thị trường có thể kiểm soát giá các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn ở  thành phố, chứ không thể kiếm soát tất cả các chợ, đại lý bán lẻ, cửa hàng mua sắm khác...

Tại thời điểm này, người tiêu dùng đang chịu sức ép từ việc tăng giá một số mặt hàng như: Bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát,... ở các chợ dân sinh, các đại lý bán lẻ. Dù các mặt hàng này tăng giá không nhiều, nhưng nếu không ngăn chặn kịp thời, việc tăng giá dây chuyền sẽ tiếp diễn, đặc biệt là những ngày cận Tết.

Nói về cơ chế kiểm soát giá, dường như cơ quan quản lý thị trường cũng có phần trách nhiệm khi vé xe khách và giá cước vận tải luôn bị nhà xe, doanh nghiệp vận tải thao túng, làm giá..., dù người dân và báo chí “ kêu” mãi!

Năm 2015, giá xăng dầu đã giảm 12  lần, nhưng rất ít nhà xe, doanh nghiệp vận tải giảm giá vé và giá cước. Dù cơ quan quản lý đã nhiều lần yêu cầu các nhà xe, doanh nghiệp vận tải giảm giá và công khai giá vé, giá cước, nhưng không phải đa số doanh nghiệp đều thực hiện hoặc thực hiện theo kiểu lấy lệ.

Chỉ trong 20 ngày đầu năm 2016, xăng dầu đã giảm giá 2 lần,  nhưng vé xe khách ngày càng tăng, thậm chí còn “cháy vé” đường dài, do nhiều người về quê đón Tết. Giá xăng dầu giảm liên tục, nhưng các nhà xe, doanh nghiệp vận tải lại “thi nhau”  tăng giá vé vào dịp Tết từ 40 - 60% , vừa không phù hợp với Luật Giá, vừa không phù hợp với đạo đức kinh doanh... Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu ngành Hàng không giảm giá vé máy bay, nhất là khi đã đạt lợi nhuận cao. 

Các biện pháp thanh tra, kiểm tra giá cước vận tải đã được thực hiện ở nhiều địa phương, nhưng vì chạy theo lợi nhuận,  không ít nhà xe, doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục thao túng giá. Nhằm ngăn chặn hành vi thao túng giá cước vận tải, Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra "lời hứa” sẽ có biện pháp mạnh để doanh nghiệp phải giảm giá cước sau 5 ngày xăng dầu giảm giá.

Tết Nguyên đán Bính Thân đang đến gần. Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo đủ hàng hóa phục vụ Tết cho nhân dân, bình ổn giá, kiểm soát chặt chẽ giá vì lợi ích người tiêu dùng./.

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN