Kiểm soát chất lượng tín dụng là hợp lý và cần thiết
(ĐCSVN) – Dù theo dự báo của không ít các định chế tài chính danh tiếng trên thế giới, GDP của Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thận trọng với lạm phát và rủi ro tài chính phát sinh từ các khoản cho vay trong lĩnh vực bất động sản, tiếp tục kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng... là hợp lý và cần thiết.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, tại thời điểm cuối năm 2022 nợ xấu nội bảng dưới 2% (1,92%). Tuy nhiên, trong hệ thống, nhiều ngân hàng vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022 cho thấy, bên cạnh kết quả kinh doanh khá khả quan, nợ xấu vẫn là mối quan ngại lớn khi nợ xấu đang có diễn biến gia tăng.
Cụ thể, cuối năm 2022, nợ xấu của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) ở mức 2.366 tỷ đồng, tăng 46% so với thời điểm đầu năm. ABBank đã trích ra gần 777 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, do đó, Ngân hàng chỉ thu về hơn 1.702 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2022, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021 và chỉ hoàn thành 55% mục tiêu đề ra.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), nợ xấu trong năm 2022 tăng 17%, chiếm 1.357 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Trong đó, tăng mạnh nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5 và phải trích 100% dự phòng rủi ro). Được biết, TPBank đã trích gần 1.844 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng.
Thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2023 của VietinBank cho thấy, năm 2022, ngân hàng này thu hồi xử lý nợ xấu tăng 60% so với năm 2021, đạt khoảng 5.800 tỷ đồng, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro 159%, tỷ lệ bao nợ xấu 190%, tỷ lệ nợ xấu 1,2%.
Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tăng từ mức 1,37% đầu năm lên 1,46% tại thời điểm cuối năm 2022. Tại Ngân hàng Bản Việt, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,53% đầu năm lên mức 2,79% vào cuối năm 2022. Hay Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank) cũng có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 3,65% tính đến cuối năm 2022. Dù vẫn trong nhóm thấp của hệ thống ngân hàng và tỷ lệ bao nợ xấu đạt 125%, song tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank ở mức 0,9%, tăng so với năm 2021...
Ngược lại, cũng đã có không ít ngân hàng giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu trong năm qua. Bên cạnh những ngân hàng có nợ xấu tăng cao mà kết quả chưa cập nhật đầy đủ, một số ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính cũng cho thấy, vẫn giữ được tỷ lệ nợ xấu nội bảng thấp. Trong hệ thống có đến 7 ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu ở dưới 1% và 2 ngân hàng đạt tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu trên dưới 300%. Cụ thể, thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, bức tranh nợ xấu có sự phân hóa khá mạnh. Nhìn chung tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng tại đa số ngân hàng. Hiện chỉ còn số ít ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 1%, có thể kể đến: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank)…
Đơn cử, tính đến cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng của Vietcombank ở mức 7.808 tỷ đồng, tăng 27,6% so với hồi đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cuối năm 2022 ở mức 0,68%, giảm so với mức 0,8% cuối quý 3/2022 và tăng nhẹ so với hồi đầu năm nay là 0,64%. Chất lượng tài sản của Vietcombank còn được đánh giá cao bởi bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng cuối năm 2022 tiếp tục cao nhất hệ thống, với khoảng 465%.
ACB ghi nhận năm thứ 7 liên tiếp duy trì tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 1%. Tổng nợ xấu của nhà băng này cuối năm 2022 là 3.033 tỷ đồng, chiếm 0,74% trong tổng dư nợ cho vay. Bởi cơ cấu tín dụng của ACB chủ yếu tập trung vào bán lẻ và không có trái phiếu doanh nghiệp, giúp danh mục của ngân hàng này ít chịu ảnh hưởng tiêu cực trong năm vừa qua, khi thị trường trái phiếu và bất động sản gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ACB hiện ở mức 155%, cũng thuộc nhóm cao trên thị trường.
Ngoài ra, một ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu rất cao, xấp xỉ 300% là MB. Báo cáo tài chính của MB cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất, bao gồm cho vay tiêu dùng được kiểm soát ở mức 1,09%, trong khi của ngân hàng riêng lẻ chỉ 0,83%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của ngân hàng hợp nhất đạt 238% và ngân hàng riêng lẻ là xấp xỉ 300%.
Thực tế minh chứng, trải qua một năm 2022 đầy biến động bởi diễn biến khó lường từ hậu quả do dịch bệnh COVID-19 để lại khiến công tác thu hồi nợ gặp vướng mắc, dù chất lượng tài sản của ngành ngân hàng vẫn tốt song nợ xấu của các tổ chức tín dụng và nợ xấu của nền kinh tế có xu hướng tăng cao. Những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể sẽ bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới, khi đó, tỷ lệ nợ xấu dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, từ số liệu của các ngân hàng niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 cho thấy, trích lập dự phòng của các ngân hàng tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Chi phí tín dụng (tỷ lệ dự phòng/cho vay) quý IV/2022 tăng lên 1,7% so với mức 1,3% của quý III/2022. Điều này có thể được lý giải là do tăng trưởng tín dụng chậm lại trong quý IV/2022, song các ngân hàng vẫn phải trích lập cho các khoản vay đã giải ngân trước đó. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng quan thì chi phí tín dụng đã giảm về mức trước dịch COVID-19.
Còn theo phân tích của FiinRatings, sau khi thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN kết thúc (30/6/2022), các ngân hàng bắt đầu đối mặt với nguy cơ gia tăng các khoản nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu điều chỉnh (nợ xấu nội bảng và trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC phát hành) tại thời điểm 30/9/2022 của toàn ngành là khoảng 2,6%, tăng nhẹ so với mức 2,5% hồi đầu năm. Nhiều ngân hàng lớn cũng tăng nhẹ tỷ lệ nợ xấu từ 0,1 - 0,3 điểm phần trăm. Mặt khác, chất lượng các khoản lãi và phí phải thu đáng báo động ở nhóm ngân hàng có chất lượng tín dụng thấp. Trung bình, các ngân hàng có vòng quay khoản lãi và phí phải thu khoảng 30 đến 60 ngày. Tuy nhiên, một số ngân hàng có các khoản lãi và phí phải thu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng tài sản, trong khi vòng quay lại rất dài (lên tới hơn 250 ngày) trong suốt nhiều năm liền.
FiinRatings nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy các khoản phải thu này tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành nợ khó đòi và các số liệu kế toán chưa phản ánh chính xác chất lượng tài sản của ngân hàng. Trước kịch bản nợ xấu gia tăng, Báo cáo cho biết, nhiều ngân hàng đẩy mạnh việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn. Các ngân hàng có chất lượng tín dụng tốt, lợi nhuận cao thường có nhiều dư địa để trích lập dự phòng, giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, điển hình như: Vietcombank, BIDV, VietinBank… Bởi các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn trong điều kiện thị trường bất lợi như nợ xấu tăng từ tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hay biên lãi thuần bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 có nhiều chỉ báo cho thấy sẽ chậm lại do ngân hàng trung ương trên khắp thế giới duy trì “thắt chặt” chính sách tiền tệ, nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới đã đưa ra nhận định, dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 2,5% trong năm 2023, thấp hơn so với năm 2022. Những thách thức mà các nền kinh tế đã phải đối mặt trong năm 2022 có khả năng tiếp diễn trong những tháng tới và quá trình phục hồi có thể sẽ chỉ diễn ra ở nửa cuối năm 2023.
Mặt khác, theo báo cáo nghiên cứu toàn cầu do Ngân hàng Standard Chartered công bố gần đây mang tựa đề “Việt Nam - Tiếp tục mức tăng trưởng cao”, GDP của Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023. Standard Chartered lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong trung hạn và dự báo mức tăng trưởng đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024. Tuy nhiên, lạm phát có thể là mối đe dọa đối với sự phục hồi liên tục của Việt Nam. Lạm phát được dự đoán sẽ tăng trong suốt cả năm 2023, đạt khoảng 6% vào những tháng cuối năm và trung bình 5,5% trong cả năm 2023 và 2024 (so với mức 3,2% năm 2022). Thâm hụt tài khóa của Việt Nam có thể kéo dài và là nguồn gốc của lạm phát. Kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục thận trọng với lạm phát, sự suy yếu của đồng Việt Nam (VND) và rủi ro bất ổn tài chính phát sinh từ các khoản cho vay rủi ro trong lĩnh vực bất động sản.
Chính vì vậy mà không ít chuyên gia dự báo, áp lực tăng trích lập dự phòng sẽ quay trở lại, dẫn tới chi phí dự phòng có thể tăng trong năm 2023 - 2024.
Đơn cử, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) TS Cấn Văn Lực nhận định, nợ xấu của nền kinh tế năm 2023 sẽ gia tăng cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Triển vọng năm 2023, lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của khối doanh nghiệp và cá nhân, trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Dự báo, năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%.
Điểm sáng đáng ghi nhận là lợi nhuận các ngân hàng vẫn đủ khỏe để hỗ trợ cho việc tăng cường trích lập dự phòng. Tổng lợi nhuận các ngân hàng thương mại niêm yết tăng trưởng khoảng 24% trong quý IV/2022 và tăng 37% trong cả năm 2022. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng thương mại đều ghi nhận tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước trích lập giảm mạnh so với năm 2021. Chẳng hạn, BIDV trích lập gần 50% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2022 để dự phòng, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 68% của năm 2021. Hay ACB và EIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng lần lượt là 50% và hơn 200% trong năm 2022, nhờ đó, tỷ lệ dự phòng giảm đáng kể so với năm 2021. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân các ngân hàng thương mại chủ động cân đối tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có thể xuất phát từ việc tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng hiện nay đã khá cao.
Chất lượng tài sản của ngành ngân hàng vẫn tốt dù trải qua một năm 2022 đầy biến động. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành sẽ tăng nhẹ vào năm 2023, một phần do Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến bất động sản, khi các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt và thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị kiểm soát chặt chẽ.
Bước sang năm 2023, tình trạng “căng thẳng thanh khoản” đối với các doanh nghiệp vẫn hiện hữu, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí lãi vay tăng cao, việc này sẽ gây ảnh hưởng lên khả năng trả nợ của các doanh nghiệp. Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, khi kênh tín dụng ngân hàng vẫn bị hạn chế, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp gần như… “đóng băng”. Những khó khăn trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và khả năng trả nợ suy giảm sẽ tác động xấu đến chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2023. Nhìn chung, áp lực tăng trích lập dự phòng sẽ quay trở lại và dẫn tới việc chi phí dự phòng có thể tăng trong năm 2023 - 2024. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế - tài chính dự báo trong năm 2023, nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%. Trong khi đó, nợ xấu gộp của hệ thống tổ chức tín dụng khoảng 4,99%, mức cao khi so sánh với các nước trong khu vực.
Chính vì vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc NHNN tiếp tục nhất quán quan điểm điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng... là hợp lý và cần thiết.