Kiểm soát chặt chẽ, hành động quyết liệt để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể. Đặc biệt, một số vụ ngộ độc có số lượng lên tới hàng trăm người cho thấy vấn đề này cần được kiểm soát chặt chẽ và quyết liệt hơn nữa.
Vụ ngộ độc thực phẩm lớn sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) khiến 368 người phải vào viện khám, điều trị cuối tháng 3/2024. Nguyên nhân của vụ ngộ độc này theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa không đủ cơ sở khoa học để xác định cụ thể thức ăn nào là nguyên nhân gây ngộ độc vì có thể đã xảy ra tình trạng nhiễm chéo vi khuẩn.
Khi chưa tìm ra “thủ phạm” gây ngộ độc cho hàng trăm người thì cũng tại Khánh Hòa, thời điểm đó xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khác khiến một học sinh lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Trường, TP Nha Trang (Khánh Hòa) tử vong, nhiều học sinh khác có biểu hiện bị ngộ độc thức ăn.
Các em học sinh đều ăn sáng ở bên ngoài nhà trường, khi vào lớp học thì có các biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm và nhà trường đã gọi xe đưa đến các bệnh viện ở gần để cấp cứu, điều trị.
Về trường hợp học sinh tử vong, theo báo cáo của các đơn vị, trước khi đến lớp, em học sinh này cùng nhiều bạn khác đã ăn sáng ngoài cổng trường (ăn sushi, uống nước ngọt). Trung tâm Giám định pháp y đã tiến hành giải phẫu tử thi lấy mẫu để kiểm nghiệm nguyên nhân. Đến nay nguyên nhân khiến học sinh tử vong vẫn chưa được công bố.
Chỉ sau đó 1 tháng, đầu tháng 5/2024 liên tiếp có 2 vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra tại TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.
Vụ ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai, bệnh nhi nặng nhất được điều trị lọc máu tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Báo Đồng Nai |
Tối 1/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) bắt đầu tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì thịt tại cơ sở bánh mì Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh). Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy...
Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm như patê, thịt lợn đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua lấy tại cơ sở bánh mì khi vụ ngộ độc xảy ra, phát hiện vi khuẩn Salmonella.
Do đó, Sở Y tế Đồng Nai kết luận, nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella khiến gần 600 người phải nhập viện điều trị.
Theo Sở Y tế Đồng Nai, đến nay, hầu hết sức khoẻ các bệnh nhân trong vụ ngộ độc bánh mì tại Đồng Nai đã ổn định và xuất viện, trừ hai bệnh nhi bị nặng nhất.
Cùng thời điểm này, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Hồ Chí Minh) tiếp nhận 15 học sinh tiểu học trên địa bàn TP Thủ Đức đến cấp cứu với các triệu chứng nôn, chóng mặt, chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. Phụ huynh cho biết sáng 2/5, tất cả 15 em học sinh đều ăn cơm cuộn mua trước cổng trường.
Mới đây nhất, ngày 14/5, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam thuộc Khu Công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 350 người mắc, phải nhập viện điều trị.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn... Một số công nhân cho biết sau bữa ăn trưa ở công ty (gồm các món: thịt gà tây xào sả ớt, rau súp lơ xào, dưa chua và canh rau giá đỗ), họ bắt đầu xuất hiện triệu chứng nôn ói, khó chịu… và được công ty đưa đi cấp cứu.
Tối 15/5, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tính đến 16h cùng ngày, có 165 bệnh nhân đã ra viện, còn 190 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế. Tất cả các bệnh nhân đều có sức khỏe ổn định, không ghi nhận trường hợp nào có chiều hướng bệnh nặng thêm.
Công nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm ở Vĩnh Phúc được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Theo báo cáo của Bộ Y tế, quý I/2024, toàn quốc ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 637 người mắc và 06 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ giảm 03 vụ.
Phân tích nguyên nhân các vụ ngộ độc, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, trước hết do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động, thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách.
Cùng với đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thực phẩm không qua gia nhiệt, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá tăng cao ở cả gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, du lịch.
Phải khẳng định rằng, nhiều vụ ngộ độc liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đang gióng lên hồi chuông báo động đỏ đối với cả các cấp quản lý và người tiêu dùng.
Rõ ràng kinh doanh là phải có lợi nhuận, nhưng mức lợi nhuận như thế nào để hài hòa lợi ích giữa người kinh doanh và khách hàng, trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với xã hội mới là điều quan trọng. Không thể một hướng chạy theo lợi nhuận, tối đa lợi nhuận bằng mọi cách mà nhập vào thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ, bỏ quên chất lượng sản phẩm, bỏ quên sức khỏe người tiêu dùng; để rồi khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, bị cơ quan pháp luật xử lý thì lại hối hận “giá như...”. Hơn lúc nào hết, trách nhiệm và đạo đức người kinh doanh cần được đặt ngang hàng với lợi nhuận!
Trước một thực trạng, thức ăn đường phố bán nhan nhản trước cổng trường, bủa vây học sinh bằng nhiều hình thức chiêu dụ khuyến mãi. Nhưng thực phẩm không truy xuất nguồn gốc, tẩm ướp chỉ phụ thuộc vào cái tâm của người bán là gần như đánh cược sức khỏe con trẻ.
Trong khi các ban, ngành chức năng đang “loay hoay” tìm giải pháp quản lý loại hình kinh doanh “thực phẩm lưu động” và ngăn chặn thực phẩm bẩn, kêu gọi đạo đức kinh doanh của người bán hàng thì chúng ta - những “thượng đế” cũng phải tự ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình; trước hết là thay đổi thói quen tiêu dùng, chọn sản phẩm uy tín, đảm bảo vệ sinh của các cửa hàng, cơ sở uy tín để tránh tiền mất, tật mang.
Để phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, đòi hỏi các địa phương, bộ, ngành chức năng cần nghiêm túc, thẳng thắn và quyết liệt hơn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm, đừng “mất bò mới lo làm chuồng”, vì ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn tác động xấu tới kinh tế - xã hội.
Những vụ ngộ độc xảy ra vừa qua cho thấy câu chuyện giờ đây không còn là vận động, tuyên truyền mà cần toàn xã hội quyết liệt để đảm bảo an toàn cho mỗi bữa ăn của từng người dân và nâng cao nhận thức không thể “bạ đâu ăn đó”, "bạ gì ăn nấy". Cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng các tuyến đường an toàn thực phẩm mẫu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.