Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiềm chế tai nạn giao thông, ý thức là trước hết

Thứ Năm, 18/07/2024 16:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Muốn giảm số vụ tai nạn giao thông, giảm số người chết và bị thương đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Nhưng, điều quan trọng đầu tiên vẫn là ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của mỗi người.

Tuần trước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý II và phương hướng, nhiệm vụ quý III năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2024 với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong 6 tháng đầu năm 2024 về cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông được kéo giảm về số người chết với cùng kỳ năm 2023, cụ thể là giảm 634 người chết (-10,61%), ùn tắc giao thông được kiểm soát tốt và giảm trên 65% so với cùng kỳ năm 2023. 

Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Hoài Đức (TP Hà Nội) khiến 4 mẹ con tử vong. Ảnh: VH

Phân tích tình hình tai nạn giao thông theo địa phương 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 3 tỉnh là Cà mau, Lai Châu, Bình Thuận giảm trên 45% số người chết do tai nạn giao thông. 

Tuy nhiên, vẫn còn 23 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2023. Trong số này, có 09 tỉnh tăng trên 20% là Kon Tum, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Hà Giang, Quảng Trị, Điện Biên, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Bến Tre; trong đó, có 02 tỉnh có số người chết tăng trên 40% trở lên là: Thừa Thiên Huế, Bến Tre.

Đáng chú ý, xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội tại Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk và Trà Vinh mỗi địa phương xảy ra 01 vụ. 

Và liên tiếp những ngày qua, dư luận cũng bàng hoàng khi xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình là vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến 2 người chết, 9 người thương vong xảy ra ngày 11/7; vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra chiều 16/7 tại Hoài Đức (TP Hà Nội) khiến 4 mẹ con tử vong… 

Trong nhiều nguyên nhân được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ ra thì nguyên nhân đầu tiên vẫn ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn chưa cao; hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe đã giảm sâu nhưng vẫn còn tồn tại. 
Điều này thể hiện rõ ở những con số thống kê.

Phân tích nguyên nhân ban đầu 9 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong 6 tháng đầu năm cho thấy, có 01 vụ do không chấp hành quy định về tốc độ (chiếm 11,11%); 02 vụ do đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định (chiếm 22,22%); 06 vụ vẫn đang trong quá trình điều tra.

Con số thống kê khác, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý 2.136.205 trường hợp vi phạm TTATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy, tăng 450.688 trường hợp (+26,74%) so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể hơn, có 501.435 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 19,85% các hành vi vi phạm); 2.901 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,11% các hành vi vi phạm); 501.009 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép (chiếm 20,19% các hành vi vi phạm); 30.762 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 1,22% các hành vi vi phạm); 15.868 trường hợp chở quá vạch dấu mớn nước an toàn (0,63% các hành vi vi phạm); 1.398 trường hợp vi phạm quy định về đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện (chiếm 0,06% các hành vi vi phạm).

Cũng trong 6 tháng đầu năm, đã phát hiện 82 vụ đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng. 765 đối tượng có hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. 

Rõ ràng, đây đều là những lỗi vi phạm thuộc về ý thức chủ quan của người tham gia giao thông.

Đáng lo ngại nữa, hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về TTATGT cũng gia tăng; xảy ra 78 vụ, làm 27 đồng chí bị thương, tăng 45 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ý thức chấp hành, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ ra, cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, còn tình trạng ỷ lại cho các lực lượng chức năng trong khi công tác quản lý nhà nước tại một số lĩnh vực liên quan tới công tác bảo đảm TTATGT còn bất cập.

Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật về TTATGT ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế do lực lượng mỏng, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, một số quy định còn chồng chéo; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng bảo đảm TTATGT có nơi, có lúc chưa chặt chẽ…

Có thể thấy hậu quả của tai nạn giao thông là rất khủng khiếp. Muốn giảm số vụ tai nạn giao thông, giảm số người chết và bị thương đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Từ xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về ATGT; đến xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước…

Từ nay đến cuối năm, các ngành chức năng cần tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về TTATGT. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma tuý khi lái xe; chở hàng hoá quá tải trọng quy định của phương tiện và cầu, đường; người không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm đối khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện; sử dụng điện thoại khi lái xe; xử lý trách nhiệm của người giao xe mô tô, ô tô cho trẻ em điều khiển khi chưa đủ tuổi. 

Đối với các tỉnh, thành phố có tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn từng lĩnh vực để xảy ra tai nạn giao thông tăng, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT; đưa nội dung bảo đảm TTATGT vào các cuộc giao ban hàng tháng của các cấp Ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp để phân tích, kiểm điểm và đề xuất giải pháp hiệu quả trên địa bàn...

Bên cạnh các giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ các bộ, ngành, địa phương thì ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật của mỗi người tham gia giao thông vẫn là điều quan trọng nhất. Mỗi công dân đều phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Chỉ từ những hành động nhỏ nhất như: Đội mũ bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định; bảo đảm đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, tập trung và chú ý quan sát khi lái xe; nêu cao ý thức nhường đường, chuyển hướng (rẽ trái, rẽ phải)… đã có thể bảo vệ chính bản thân mình và cả những người tham gia giao thông khác./.

Tú Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN