Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kiềm chế nợ xấu tiềm ẩn

Thứ Ba, 24/05/2022 14:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sau khi liên tục tăng và liên tục lập đỉnh mới, cả thị trường bất động sản lẫn thị trường chứng khoán đã chững lại, thậm chí bắt đầu lao dốc. Hiện nhiều nhà đầu tư dù chấp nhận lỗ cũng không bán được cổ phiếu, vì tâm lý người mua e ngại thị trường còn giảm nữa. Mặt khác, nhiều nhà đầu tư rơi vào tình cảnh muốn cắt lỗ cũng không được, nợ chồng nợ, nên nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại rất cao. Đã đến lúc cần có các giải pháp kiềm chế việc phát sinh các khoản nợ xấu "trong tương lai".

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

 Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 cho thấy, nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện khá ổn. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng là 1,49%, giảm mạnh so trước thời điểm áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14. Tính từ cuối năm 2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 750.100 tỷ đồng nợ xấu nội bảng. Trong đó, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 được 380.200 tỷ đồng.

Việc Quốc hội thể chế hóa hoạt động xử lý nợ xấu thông qua việc xây dựng và ban hành Nghị quyết 42 là nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động xử lý nợ xấu, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý hiệu quả, dứt điểm nợ xấu, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh trở lại. Nguyên nhân một phần do khách hàng vay vốn gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19, đã được khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn nợ, nhưng hết thời gian được giãn nợ, gia hạn nợ mà vẫn chưa hết khó khăn, chưa có nguồn để trả nợ đúng hạn.

Hơn nữa, sau khi các ông chủ của hai tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn là FLC và Tân Hoàng Minh bị khởi tố, bắt tạm giam và đang bị điều tra, nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Mặc dù, hiện cả FLC và Tân Hoàng Minh đang cơ cấu lại hoạt động, tài chính và thu xếp nguồn vốn để trả nợ ngân hàng, thậm chí với cả nguồn huy động từ trái phiếu doanh nghiệp, Tân Hoàng Minh cũng thu xếp để hoàn tiền cho trái chủ.

Tuy nhiên, bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh không khỏi lo lắng khi đưa ra nhận định, tỷ lệ nợ xấu không dừng lại ở con số Ngân hàng Nhà nước báo cáo hiện nay, mà đang nằm ở những khoản chưa phải là nợ xấu, nhưng sẽ trở thành nợ xấu “trong tương lai” rất gần.

Đơn cử, các khoản nợ ngân hàng của FLC, Tân Hoàng Minh hiện có thể chưa phải là nợ xấu, thậm chí còn được đánh giá là tốt, nhưng sau khi hai ông chủ tịch bị bắt, các ngân hàng cho vay đều tìm cách thu nợ càng sớm càng tốt, kể cả chấp nhận đòi trước hạn. Nếu các bên vay chưa thể “xoay” kịp để trả nợ, thì khoản nợ đó sẽ biến thành nợ xấu.

Và đương nhiên, khi các ngân hàng đòi nợ trước hạn đối với dự án bất động sản chắc chắn không dừng lại ở hai doanh nghiệp từng chiếm lĩnh các vị trí hàng đầu trên thị trường bất động sản này, mà có thể sẽ lan đến các dự án bất động sản khác theo hiệu ứng dây chuyền. Thị trường bất động sản và thị trường tài chính, tiền tệ có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau, không tách rời nhau. Trong thời gian vừa qua, bất động sản được “thổi” lên quá cao, giá nhà đất cao phi thực tế. Một khi các vụ án bất động sản bị vỡ lở, giá nhà đất giảm liên tục như giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thời gian vừa qua khiến nợ xấu gia tăng là điều không thể tránh khỏi.

Nếu quan sát thị trường chứng khoán có thể thấy, sau khi liên tục tăng và liên tục lập đỉnh mới, thị trường bắt đầu lao dốc. Hiện nhiều nhà đầu tư dù chấp nhận lỗ cũng không bán được cổ phiếu, vì tâm lý người mua e ngại thị trường còn giảm nữa.

Tương tự, khi giá nhà đất “quay đầu”, nhà đầu tư “ôm” đất và các dự án bất động sản muốn cắt lỗ cũng không được, thì “đào” đâu ra tiền để trả nợ, nên nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại rất cao. Nhưng theo quy luật của tự nhiên và xã hội, không có gì cứ tăng mãi mà không dừng lại rồi đi xuống. Thị trường chứng khoán, bất động sản cũng không nằm ngoài quy luật này. Khi thị trường bất động sản đi xuống, ngoài tác động khiến nợ xấu ngân hàng có nguy cơ tăng cao, thì còn có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp lao đao.

Minh chứng là năm 2018, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng 8,57% GDP, tăng 53% so cùng kỳ năm 2017, vượt mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 1191/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, là đến năm 2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng 7% GDP. Năm 2019, quy mô thị trường này tương đương 11,3% GDP. Tiếp đó, năm 2020, các doanh nghiệp đã huy động được 430.000 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Sang năm 2021, thị trường trái phiếu tiếp tục cung cấp cho doanh nghiệp thêm 495.029 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản chiếm khối lượng lớn trên thị trường trái phiếu, vì lãi suất rất hấp dẫn, thường gấp khoảng hai lần gửi tiết kiệm ngân hàng. Một khi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ lãi và vốn cho nhà đầu tư, sẽ dẫn đến hệ lụy rất lớn. Hơn nữa, do lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hấp dẫn, chắc chắn có rất nhiều nhà đầu tư đã vay ngân hàng đầu tư vào trái phiếu để hưởng chênh lệch, nên khi doanh nghiệp không trả được nợ cho trái chủ đúng hạn, thì nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên. Đặc biệt khi ngân hàng siết chặt và tăng cường thu hồi nợ từ dự án bất động sản, hệ lụy từ các khoản nợ sẽ trở thành nợ xấu “trong tương lai” dần hiện hữu.

Mặt khác, theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian gần đây, với mong muốn tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế, vay nước ngoài của tổ chức tín dụng và doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng cùng có xu hướng gia tăng. Điều này dẫn đến nguy cơ không đảm bảo chỉ tiêu về tổng hạn mức rút vốn ròng trung dài hạn và mức tăng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm. Và để kiểm soát mức vay nước ngoài tự vay tự trả đảm bảo hạn mức hàng năm nhằm duy trì các ngưỡng nợ an toàn, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng phương án quy định điều kiện vay đối với hoạt động vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.

Với mục tiêu giảm thiểu những hệ lụy tiềm ẩn từ các khoản nợ xấu “trong tương lai”, hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Dự thảo Thông tư mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng theo hướng, doanh nghiệp được vay nước ngoài ngắn hạn để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phát sinh trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài. Tuy nhiên, các khoản vay trên không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng vay với người cư trú; các khoản phải trả phát sinh từ mua bán chứng khoán kinh doanh; mua phần vốn góp, cổ phần của đơn vị khác; mua bất động sản đầu tư và nhận chuyển nhượng dự án.

Lý giải thích về quy định này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc tăng trưởng nóng, ồ ạt của thị trường chứng khoán và kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn vì có thể tạo ra tình trạng vốn ảo, bong bóng tài sản, là mầm mống của những bất ổn tài chính vĩ mô. Do đó, trong bối cảnh dòng vốn vay nước ngoài ngắn hạn cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa để hạn chế các nguy cơ đảo chiều, cần hạn chế việc doanh nghiệp vay nước ngoài ngắn hạn cho các mục đích tiềm ẩn rủi ro bong bóng giá như chứng khoán, bất động sản.

Theo đó, việc điều hành chính sách tiền tệ, định hướng quản lý trên nhất quán với quan điểm đánh giá rủi ro qua đó cần quản lý chặt chẽ đối với các lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản trong hoạt động cấp tín dụng trong nước. Ngoài định hướng chặn mục đích vay nước ngoài ngắn hạn đầu tư vào chứng khoán và bất động sản nói trên, Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến không cho phép sử dụng vốn vay ngắn hạn để nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và mua cổ phần, mua phần vốn góp do việc thực hiện dự án hoặc mua cổ phần, mua vốn góp tại doanh nghiệp nhằm thâu tóm doanh nghiệp, mua bán sáp nhập để quản lý, phát triển doanh nghiệp về lâu dài là hoạt động mang tính dài hạn.

Bởi lẽ, nếu vay vốn nước ngoài ngắn hạn để thanh toán cho khoản nợ phát sinh từ các mục đích sử dụng vốn trung dài hạn nêu trên sẽ tạo ra rủi ro thanh khoản và đi ngược lại bản chất của dòng vốn ngắn hạn chỉ nhằm hỗ trợ thiếu hụt thanh khoản tạm thời.

Bên cạnh đó, trường hợp bên đi vay nhận chuyển nhượng dự án hoặc mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác nhưng không nhằm mục tiêu phát triển dự án hoặc quản lý doanh nghiệp và tiếp tục chuyển nhượng dự án, bán cổ phần cho bên thứ ba thì hoạt động mua đi bán lại này cũng có thể tạo bong bóng giá, không tạo ra giá trị thực cho nền kinh tế và cần bị hạn chế.

Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, đối với cả hai trường hợp chuyển nhượng dự án và mua cổ phần, mua phần vốn góp nêu trên đều tiềm ẩn rủi ro cao và không nên cho phép sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài.

Thiết nghĩ, với định hướng kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay trả kể cả nợ trong nước hay nợ nước ngoài của doanh nghiệp, việc quy định không được vay nước ngoài ngắn hạn cho các mục đích tiềm ẩn rủi ro cao nêu trên là cần thiết. Một mặt yêu cầu chính các doanh nghiệp này quản trị rủi ro tốt hơn trong hoạt động, mặt khác hỗ trợ việc ưu tiên tập trung nguồn vốn vay nước ngoài cho các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế./.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN