Khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, đổi mới sáng tạo
(ĐCSVN) - Sáng 5/6, tại Hà Nội, các nhà khoa học, các chuyên gia đã tham dự Diễn đàn “ĐMST trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững”. Sự kiện do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức nhằm mục tiêu cung cấp thông tin chính sách cũng như các điều kiện hỗ trợ cụ thể từ cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan cho nỗ lực ĐMST của doanh nghiệp Việt Nam.
Quang cảnh Diễn đàn tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong, Hà Nội (Ảnh: HNV) |
Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, bà Đỗ Thị Phương Lan khẳng định, những thay đổi trong chính sách về ĐMST của nước ta vừa qua đã đem lại “quả ngọt”, minh chứng là năm 2023, chỉ số ĐMST toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với 2022. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua. Ngoài ra, Việt Nam còn là 1 trong 3 quốc gia có kết quả ĐMST vượt trội hơn so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.
Chủ trì Diễn đàn (Ảnh: HNV) |
Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Phương Lan, dù Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý ĐMST, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển KHCN song vẫn cần có sự hoàn thiện trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ ĐMST còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường ĐH với ý tưởng khởi nghiệp. KHCN chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng KHCN, khi đưa các sản phẩm KHCN ra thị trường. Vấn đề cần lưu tâm là bộ phận lớn doanh nghiệp đầu tư cho KHCN còn hạn chế, kết quả chưa cao.
Với tư cách là điều phối viên Diễn đàn, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh chia sẻ, trong giai đoạn hiện nay, ĐMST nước ta cần một sự đột phá mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tốt hơn, gắn với tăng trưởng xanh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi một thể chế, môi trường để đưa toàn bộ ý tưởng ĐMST vào thực tế, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với ĐMST.
Dưới góc độ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, bà Trịnh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Hiện nay, chính sách, chương trình hỗ trợ chuyển đổi số đã được ban hành khá đầy đủ đồng thời cũng đã xây dựng công cụ, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số, xây dựng và triển khai đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cho chuyên gia tư vấn cũng như triển khai hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp về chuyển đổi số… Nhờ đó, có hơn 13.800 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc được đào tạo trực tiếp về chuyển đổi số; gần 400 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu xây dựng và triển khai chuyển đổi số; 28 doanh nghiệp được đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp; mạng lưới hơn 120 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số được sàng lọc, thành lập, đào tạo, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) tham luận tại Diễn đàn (Ảnh: HNV) |
Tại Diễn đàn, ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, sau khi có Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Nghị quyết 98 của Quốc hội, các cơ chế, chính sách đã bao phủ hơn về ưu đãi đầu tư cho các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm ĐMST. Việc quy định ưu đãi đầu tư cho trung tâm ĐMST do các doanh nghiệp thành lập là một bước tiến lớn trong chính sách. Các ưu đãi cho cá nhân liên quan ĐMST bước đầu được quan tâm phát triển. Đến nay, các hoạt động hỗ trợ ĐMST cũng gia tăng về chất lượng, số lượng như: Diễn đàn Quỹ Đầu tư ĐMST, Triển lãm quốc tế ĐMST Việt Nam, hợp tác với Google nâng cao năng lực số; Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp quỹ đầu tư; hỗ trợ không gian làm việc, hệ thống phòng Lab, kết nối doanh nghiệp quỹ đầu tư, trường đại học…
Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để thúc đẩy doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng thực hiện ĐMST, hiện nay, Quỹ đang hỗ trợ các nhóm đối tượng sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành; tham gia chuỗi giá trị với 4 hình thức: cho vay trực tiếp, gián tiếp, tài trợ vốn, hỗ trợ tăng cường năng lực…
Nhìn từ góc độ truyền thông chính sách, bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh đến sự cần thiết của chuyển đổi số, ĐMST và ứng dụng công nghệ trong hoạt động truyền thông chính sách. Bà kiến nghị, Nhà nước vẫn tạo điều kiện về chính sách để doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào hoạt động truyền thông chính sách và phát triển các công nghệ nền tảng để lưu trữ , khai thác, phổ biến và phát triển dữ liệu truyền thông chính sách. Đồng thời, cần tăng cường phối hợp với các vườn ươm, các doanh nghiệp công nghệ số nhằm nâng cao ứng dụng công nghệ…
Diễn đàn cũng đã ghi nhận những trao đổi, thảo luận về ĐMST trong bối cảnh chuyển đổi số cũng như các gợi ý, kiến nghị để thúc đẩy ĐMST trong doanh nghiệp Việt./.