Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khu vực Sừng châu Phi đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong 70 năm

Thứ Tư, 03/08/2022 23:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 2/8 cảnh báo rằng, khu vực Sừng châu Phi rộng lớn đang phải trải qua một trong những cuộc khủng hoảng đói tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua.

 Một em bé đang được kiểm tra tình trạng suy dinh dưỡng do ảnh hưởng của  hạn hán ở Somalia
(Ảnh: UNICEF)

Theo WHO, tại khu vực này, hơn 37 triệu người đang phải đối mặt với tình trạng đói nghiêm trọng, trong đó khoảng 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nặng.

Vùng Sừng châu Phi bao gồm Djibouti, Somalia, Sudan, Nam Sudan, Ethiopia, Uganda và Kenya.  Biến đổi khí hậu, xung đột, giá lương thực tăng và đại dịch COVID-19 đã khiến khu vực khu vực này phải trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ, trong đó đặc biệt là tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Trong số các nước khu vực Sừng châu Phi, tình trạng mất an ninh lương thực ở Nam Sudan đã lên đến mức khắc nghiệt nhất kể từ khi giành được độc lập vào năm 2011, với 8,3 triệu người (chiếm 75% dân số) phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

WHO cho rằng, thực phẩm và nước sạch là những ưu tiên hàng đầu đối với người dân ở khu vực này, giúp họ có sức khỏe để chống lại các loại dịch bệnh. Cơ quan này đang kêu gọi khoản tài trợ trị giá 123,7 triệu USD để đáp ứng nhu cầu y tế ngày càng tăng và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực chuyển thành khủng hoảng sức khỏe ở khu vực này.

Vào tháng 5 vừa qua, Liên hợp quốc cho biết, người dân các nước vùng Sừng châu Phi đang trải qua mùa mưa ít ỏi thứ 4 liên tiếp kể từ cuối năm 2020. Tình hình trở nên tồi tệ hơn với nạn châu chấu hoành hành, khiến mùa màng thất bát trong các năm 2019 - 2021. 

Các chuyên gia cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra với tần suất và cường độ ngày càng lớn do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, tình trạng tồi tệ ở vùng Sừng châu Phi đã trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine, đã góp phần làm tăng chi phí lương thực và nhiên liệu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm các khoản viện trợ dành cho khu vực này./.

KG (theo The East African/AFP, UN)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN