Không thu hút FDI bằng mọi giá!
(ĐCSVN) - Việt Nam đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài vì môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn. FDI càng về nhiều, thách thức càng lớn, đặc biệt là những rủi ro về môi trường. Bài học từ Formosa Hà Tĩnh là sự cảnh báo, không nên “trải thảm đỏ” đón FDI bằng mọi giá!
Theo số liệu công khai với báo chí, trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,284 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015. FDI từ 61 quốc gia “chảy” vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ nhất với 488 dự án đầu tư đăng ký mới và 405 lượt dự án điều chỉnh vốn; kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 25 dự án cấp mới.
FDI tăng theo từng năm khẳng định, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam rất hấp dẫn. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, FDI cũng đã và đang tạo ra hệ lụy về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong nền kinh tế.
Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đích đầu tiên và cuối cùng là lợi nhuận, nên có những khác biệt với các mục tiêu phát triển của nước chủ nhà. Để thu được nhiều lợi nhuận, nhà đầu tư nước ngoài thường đầu tư vào những dự án sử dụng được lợi thế của họ, khai thác những hấp dẫn của nước chủ nhà, trong khi nước chủ nhà lại muốn sử dụng FDI để giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế.
Nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không chỉ mang tiền, mà mang theo người lao động, các linh kiện, thiết bị, nguyên liệu… Kiểm soát dòng tiền đã khó, kiểm soát cả con người và những yếu tố “kỹ thuật cao” quả là thách thức lớn, nhất là khi chúng ta đang đẩy mạnh việc phân cấp cho chính quyền địa phương. Bài học về việc Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường cho thấy, cơ quan chuyên môn ở địa phương khó có đủ điều kiện, năng lực để quản lý và giám sát dự án lớn, trong khi vai trò, trách nhiệm quản lý của Bộ, ngành liên quan lại rất mờ nhạt!
Từ bài học của Formosa Hà Tĩnh, việc cần làm là tiến hành rà soát các dự án FDI, nếu dự án nào không đảm bảo đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường thì yêu cầu tạm dừng, dừng hoặc thậm chí rút giấy phép. Nói “không” với những dự án rủi ro môi trường không chỉ là luật pháp, mà là vì sự an toàn của mỗi người dân; đồng thời, cũng cần rà soát lại chính sách “trải thảm đỏ”, ưu đãi đầu tư. Mọi sự ưu đãi quá mức đều gây bất lợi cho nền kinh tế không chỉ trong ngắn hạn!
Kinh tế nước ta còn khó khăn, FDI vẫn đóng vai trò quan trọng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế. Tuy nhiên, FDI chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu tạo ra sự phát triển bền vững, an toàn cho môi trường tự nhiên, an toàn cho con người. Để đạt được mục đích đó, phải có chiến lược thu hút, sử dụng FDI một cách có lựa chọn, khuyến khích đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mà nền kinh tế thực sự cần, đảm bảo tính bền vững về dài hạn.
Không thu hút FDI bằng mọi giá!