Không thể và có thể!
(ĐCSVN) – Vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, hầu như không có ý kiến nào về việc ngành điện nước báo lỗ. Nhưng đến thời điểm này, khi dịch bệnh đã qua, với việc triển khai phương án cắt điện luân phiên, đề xuất tăng giá điện, rất nhiều người đã có quyền đặt ra câu hỏi: Điều gì đang xảy ra?
Ảnh minh họa. (Nguồn: tapchitaichinh.vn) |
Theo thông tin đã được báo chí đăng tải, có 5 đơn vị trực thuộc EVN đều thông báo có lãi. Có vấn đề gì ở đây hay không, khi EVN báo lỗ, nhưng các công ty thành viên lại có thể báo lãi?!? Một nghịch lý, hay một uẩn khúc nào đó mà chính các ĐBQH trên nghị trường cũng không thể giải thích nổi trong các phiên chất vấn tại Diên Hồng gần đây? Những mực nước chết ở các hồ thủy điện? Giá nguyên liệu đầu vào cao? Hay những mắc mớ về đầu tư xây dựng dự án? Tất cả đều chỉ thêm khiến người ta đau đầu trong mù mờ về một bài toán đặc thù mà chỉ những người trong cuộc mới có lời giải.
Trước đó, theo các báo cáo được nêu từ Thanh tra Chính phủ, hàng loạt các sai phạm đã được phát hiện liên quan đến hoạt động của EVN. Có thể kể đến các thất thoát từ đầu tư ngoài ngành, chi tài chính vượt vốn điều lệ, hạch toán có dấu hiệu sai phạm, chỉ định thầu sai quy định v.v. Mọi thứ vẫn đang trong thời gian làm rõ, không chỉ với Thanh tra Chính phủ, mà còn từ Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, và dĩ nhiên, cả Bộ Công thương nữa.
Không thể:
- Với yếu tố độc quyền của ngành điện, người dân không thể có sự lựa chọn nào khác ngoài EVN. Rất nhiều bức xúc (kèm theo bất lực) của người sử dụng điện đã được báo chí phản ánh. Chưa cần đến thời điểm thực hiện nghĩa vụ tài chính với đơn vị cung cấp điện, người sử dụng đã lập tức nhận được thông báo sẽ cắt điện, gây ức chế, thậm chí tạo tâm lý lo sợ, đặc biệt với các gia đình cần có sự hỗ trợ nào đó, hoặc có người già hay trẻ nhỏ.
- Với các dự án liên quan đến năng lượng sạch, điện gió, điện mặt trời, các doanh nghiệp vì sao vẫn kêu trời khi không thể đấu nối, không thể độc lập thương lượng về giá điện. Tất cả có thể dẫn đến thua lỗ của doanh nghiệp đầu tư, nhưng xa hơn, chính điều này đã dẫn đến sự lãng phí về nguồn năng lượng sẵn có, gây khó khăn cho các nguồn sản xuất điện khác, thậm chí có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia.
- Ở những địa phương có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, việc thiếu điện không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn cả sản xuất. Tăng giá điện, cắt điện luân phiên, áp đảo thị trường với sự độc quyền, EVN cho thấy, thêm một điều không thể nữa đối với người dân. Cơ quan nào, đơn vị nào, cá nhân nào thuộc ngành điện có thể trả lời được những câu hỏi kéo dài dai dẳng như thế đối với cử tri, đồng bào?
Có thể:
- Thay vì im lặng, người dân hoàn toàn có thể phản ánh những thắc mắc, đưa ý kiến của mình lên các cấp có thẩm quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, tài chính, cũng như các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến lợi của cá nhân hay gia đình mình.
- Theo Quy định Tổ chức và hoạt động Thanh tra của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chiểu theo các điều 37 và 38, người dân cũng có thể có quyền thực hiện Quyền Khiếu nại, kiến nghị, phản ánh và tố cáo. Tất cả những quyền trên đều sẽ được thực thi theo quy định pháp luật, từ sự minh bạch, quyền lợi chính đáng, cho đến cả lỗi kỹ thuật thiết bị.
- Theo Văn bản số 10/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội, người dân không chỉ có thể, mà cũng còn có quyền thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế xã hội... ở nơi mình cư trú hay công tác, làm việc.
- Có lẽ có nhiều người dân không thể hiểu tại sao một đất nước đầy tiềm năng về điện lại phải đi nhập khẩu điện, một trong những yếu tố dẫn đến thâm hụt và thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, tạo ra sự mất cân bằng không nhỏ trong cán cân kinh tế của cả nước. Nhưng người dân cũng hoàn toàn có thể yêu cầu lời giải thích chính đáng, xác đáng và thuyết phục từ các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, hay cả các cơ quan truyền thông, báo chí về những gì cần làm rõ trong 2 chữ “độc quyền” của bất cứ doanh nghiệp, ngành nghề thu phí nào có dấu hiệu trục lợi./.