Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không nên quy định cứng nhắc về phân luồng giáo dục

Thứ Năm, 10/01/2019 20:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hướng nghiệp là trách nhiệm của hệ thống giáo dục, còn chọn luồng giáo dục là quyền của người học, dựa trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Vì vậy, không nên quy định cứng nhắc về phân luồng.

Ngày 10/1, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Các chuyên gia giáo dục góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: VA

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết: Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 10 chương, 121 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều (tăng 1 chương, 1 mục so với Luật hiện hành; tăng 1 chương, sửa đổi bổ sung 39 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

Cấu trúc dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) về cơ bản kế thừa cấu trúc còn phù hợp của Luật Giáo dục hiện hành; có sự sắp xếp các chương, mục, điều phù hợp hơn với tính chất, nội dung dự thảo Luật.

Một số chính sách mới đáng chú ý của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) liên quan đến: nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, giáo viên THCS, giảng viên ĐH, thạc sĩ; học phí học sinh, sinh viên sư phạm; chế độ cử tuyển; chính sách không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập; nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm…

Ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ, các vấn đề nổi bật cần xin ý kiến các chuyên gia tại hội thảo, cũng như xin ý kiến nhân dân rộng rãi, gồm: Quy định về triết lý giáo dục; về hướng nghiệp và phân luồng; chính sách cử tuyển; về đầu tư giáo dục, trách nhiệm của nhà nước; về học phí; về xã hội hóa giáo dục; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; chính sách học phí sư phạm; phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp; vấn đề bình đẳng giới; trường chuyên, trường chất lượng cao và trường nội trú, bán trú; về luật hóa các quy định tại Nghị quyết 88 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa phổ thông; thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH; vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục; về quản lý nhà nước; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục; về kĩ thuật lập pháp.

Tại hội thảo, góp ý vào Luật Giáo dục sửa đổi, PGS.TS Đặng Bá Lâm – Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng cho rằng, hướng nghiệp là trách nhiệm của hệ thống giáo dục, còn chọn luồng giáo dục là quyền của người học, dựa trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Vì vậy, không nên quy định cứng nhắc về phân luồng. 

Cho ý kiến về chính sách cử tuyển, PGS Đặng Bá Lâm đồng tình quy định như dự thảo, giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương có trách nhiệm đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề phù hợp trên cơ sở quy hoạch đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của địa phương… để đảm bảo hiệu quả trong chính sách cử tuyển.

Bàn về Hội đồng tư vấn trong nhà trường, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cho rằng nên bỏ bởi lẽ đã có Hội đồng trường. Việc thêm tổ chức này sẽ gây chồng chéo, khó cho hoạt động của nhà trường. Đối với các vấn đề phát sinh, hiệu trưởng có thể tổ chức trưng cầu ý kiến của Hội đồng trường, ý kiến của thành phần lãnh đạo (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các trưởng phòng…), ý kiến của các tổ trưởng bộ môn trong trường, có thể lấy ý kiến của các đại diện trong trường, kể cả trưng cầu ý kiến phụ huynh./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN