Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không nên để con trẻ "gánh" quá nhiều kỳ vọng của bố mẹ

Thứ Bảy, 04/06/2016 14:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Không ít cha mẹ đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào con trẻ khiến cuộc sống của chúng bị nhấn chìm trong áp lực. Và khi không thể đáp ứng được kỳ vọng đó, một số em đã tìm đến ý nghĩ tiêu cực, khiến cha mẹ hối hận.


Hình minh họa. (Nguồn: nxbkimdong.com.vn)

Con phải thành “ông nọ, bà kia”

Ngày nay mô hình gia đình ít con đang phổ biến vì vậy cha mẹ thường đặt rất nhiều kỳ vọng vào con trẻ. Ngay từ khi còn học lớp một, nhiều cha mẹ đã hỏi con: "Nay mai con thích làm nghề gì"? Và khi con trẻ nói: "Con thích sửa ô tô", "con thích lái tàu hỏa" thì không ít bà mẹ đã “nhảy” lên: "Ôi giời ôi! Con phải làm giám đốc, phải làm bác sĩ chứ"!

Để đạt được kỳ vọng đó, nhiều cha mẹ đã tìm mọi cách để con học đủ thứ khi mới hai, ba tuổi. Nào là phải nói tiếng Anh thạo hơn tiếng Việt, phải biết vẽ, biết làm tính thành thạo… Nhiều bé vừa đi mẫu giáo về đã được cha mẹ chở đến trung tâm Anh ngữ, tối về nhà phải rèn viết chữ đẹp, tập làm tính… Cứ thế con trẻ như quay vòng trong các kế hoạch do cha mẹ đặt sẵn.

Khi ra ngoài xã hội, thấy ai khoe chuyện con nhà họ biết hát bài tiếng Anh hay được bằng khen này nọ là nhiều phụ huynh lập tức về nhà đem con ra so sánh: "Đấy con nhà người ta hơn con mình có vài tháng mà biết đủ thứ kia kìa..." Cha mẹ đã quên mất lời so sánh đó làm con trẻ tổn thương và trở nên tự ti mỗi khi nói chuyện học hành hoặc giao lưu với bạn cùng lứa.

Đặc biệt, cách so sánh đó còn vô tình tạo thêm áp lực cho con trẻ, khiến tuổi thơ hồn nhiên của chúng bị nhấn chìm trong những tham vọng, sự cầu toàn của người lớn. Biết đâu nay mai khi lớn lên, chúng sẽ quay ra trách cha mẹ đã làm mất tuổi thơ của chúng...

Chuyện kỳ vọng quá đáng ở con cái còn xảy ra khi các em bước vào bậc học lớn hơn với mục tiêu: Con phải thi được vào trường chuyên lớp chọn, phải thi đỗ vào trường đại học danh tiếng để còn làm “ông nọ bà kia” để bố mẹ rạng danh với họ hàng. Vì tham vọng này, cha mẹ đã chẳng hề quan tâm xem con mình thích gì, khả năng thực lực đến đâu. Điều này khác nào bắt ép các em phải gánh nặng quá mức có thể. Không ít em khi trò chuyện, đã bộc bạch rất thật: "Mẹ tớ cứ bắt tớ phải thi ngành này chứ đâu có thích". Thậm chí có em còn viết trong nhật ký: "Mình mà không thi đỗ đại học thì bố sẽ giết chết mình mất. Phải làm sao đây?"…

Cần lắng nghe và phát huy sở thích, khả năng của con trẻ

Câu hỏi “Phải làm sao đây?” thoáng nghe có vẻ nhẹ như tiếng gió thoảng qua nhưng để tìm được câu trả lời thì quả là không đơn giản với độ tuổi bồng bột. Vì thế đã đẩy nhiều em rơi vào trầm cảm, hoang mang, lẩn tránh bố mẹ, thậm chí rơi vào bế tắc, dẫn đến bỏ nhà đi, tự tìm đến cái chết khi không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ. Điển hình như trường hợp em Tr - học sinh lớp 11 một trường THPT ở tỉnh Bình Phước hồi cuối năm 2015 đã lao xuống hồ nước sâu tự tử. Khi công an kiểm tra ba lô của nạn nhân thì thấy cùng với một số tập vở, giấy khen…là 5 lá thư tuyệt mệnh do Tr. viết gửi cho bố mẹ, chị gái và một người bạn thân.

Trong thư, Tr. thể hiện sự buồn chán, thất vọng vì không đáp ứng được kỳ vọng về học tập của bố mẹ, gia đình: “Con xin lỗi vì đã không hoàn thành được ước mơ của bố mẹ, làm bố mẹ thất vọng…Bố mẹ biết không, con cũng từng mơ rằng con sẽ được học trường công an, ước rằng mặc được bộ quân phục ấy dù chỉ một lần. Nhưng con biết thực lực của con đến đâu. Con học không giỏi từ nhỏ chắc bố mẹ đã biết. Nhưng con luôn nghĩ rằng phải cố gắng lên nếu không sẽ phụ bố mẹ, làm bố mẹ buồn…”. Tr. viết tiếp: “Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả. Con không thể hoàn thành nó được. Con xin lỗi…”.

Sự việc tìm đến cái chết, bỏ nhà đi khi không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ đã từng được cảnh báo nhiều nhưng xem ra một số cha mẹ vẫn cho rằng, kỳ vọng là muốn tốt cho con cái, là động lực để các em có ý chí học hành. Theo một số chuyên gia tâm lí, cha mẹ có thể kỳ vọng con cái nhưng kỳ vọng đó phải được dựa trên sự lắng nghe chia sẻ để nắm bắt được sở thích, khả năng của con cái, đặc biệt ở tuổi thơ thì kỳ vọng quá thể có sẽ khiến các em già trước tuổi không còn sự hồn nhiên.

Nhiều chuyên gia tâm lí cũng lưu ý, cha mẹ cần tuyệt đối tránh kiểu so sánh: Con người ta làm được thì con mình cũng phải làm được. Thay vì gia tăng áp lực, dùng quyền làm cha mẹ để áp đặt, cha mẹ cần phát huy sở thích, khả năng thực lực của các em để kích thích đam mê học hành, tạo ý chí tự chủ. Khi đó, chúng sẽ tự nhận thức và phấn đấu để đạt được đam mê đó. Điều này tốt hơn là sự ép buộc theo ý người lớn khi các em không hề có đam mê và khả năng thực hiện./.

An Luých

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN