Không để tiếp diễn hành vi bạo lực đối với trẻ em!
(ĐCSVN) - Những ngày qua, dư luận lại phẫn nộ khi xem clip được phát tán trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một giáo viên mầm non khi phát hiện trẻ nằm ngoài nền gạch, thay vì bế trẻ vào chỗ ngủ đã xách ngược lên như thú bông và ném trẻ vào đệm mút…
Cảnh hành hạ trẻ xảy ra ngày 17/3/2016 tại trường mầm non Ngôi Sao Xanh. (Ảnh chụp từ màn hình).
Theo nguồn tin trên báo Dân Trí, thì đoạn video gây sốc trên được xác định ghi lại ở Trường mầm non tư thục Ngôi Sao Xanh (thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh).Cụ thể, thời điểm là vào chiều ngày 17/3/2016, trên mạng xã hội xuất hiện một clip cô giáo có hành vi bạo lực đối với trẻ gây xôn xao dư luận. Hình ảnh trong clip ghi lại một lớp học mầm non với khoảng chục trẻ đang nằm ngủ trưa. Sau đó, một nữ giáo viên mặc áo hồng, đang mang bầu đi vào và cầm tay xách ngược một bé đang nằm ngoài nền gạch lên cao rồi ném xuống đệm mút nằm giữa các bé khác.
Sau đó, giáo viên này lại có hành động tương tự với một bé khác đang ngóc đầu bò dậy. Chưa dừng lại ở đó, giáo viên này quay ra tủ và ném liên tiếp 1 chiếc gối ôm và 1 chiếc cặp vào mặt các bé trai khác đang nằm ngoài bìa đệm. Khi đứa bé vui đùa, chiếc cặp rớt ra ngoài nền thì cũng chính giáo viên này nhặt lên rồi thẳng tay ném vào mặt một bé trai lần nữa.
Xác nhận trên báo chí, Bà Nguyễn Thị An - Hiệu trưởng Trường Ngôi Sao Xanh cho biết, vụ việc trên xảy ra ở lớp mầm non của trường vào trưa ngày 17/3. Cháu bé bị xách tay, ném ngược vào trong nệm chỉ mới 2 tuổi. Sau đó, nhà trường đã quyết định cho thôi việc với cô giáo liên quan.
Bà An cho biết thêm, cô giáo trong clip có bằng Cao đẳng sư phạm mầm non, đã làm việc cho trường được hơn 5 tháng nay. Hiện cô giáo này đang mang bầu sắp sinh.
Đây là vụ việc báo động gây sốc tiếp theo, khi mà thời gian qua liên tục xảy ra những vụ ngược đãi, bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non, trông giữ trẻ. Một số vụ đã gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Đơn cử như vụ bảo mẫu dẫm chết trẻ nhỏ xảy ra tháng 11/2013, gây ra cái chết thương tâm cho bé trai 18 tháng tuổi. Nguyên nhân là do chính bảo mẫu của bé - Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi, ở Cần Thơ) gây ra. Sau khi hăm dọa làm ngã bé trai xuống đất, Nhờ đã dùng chân đạp mạnh liên tiếp lên ngực và bụng khiến cháu tử vong bởi những chấn thương nội tạng quá nặng.
Rồi tai tiếng không kém là vụ việc các bảo mẫu tại trường mầm non Phương Anh đã làm dư luận bàng hoàng, phẫn nộ suốt một thời gian dài, trước các hành vi tát, đánh vào lưng, bóp cổ, bịt mũi hay dốc đầu trẻ của hai bảo mẫu tại cơ sở mầm non Phương Anh ở quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Những kẻ ác thú “đội lốt” bảo mẫu liên quan các vụ việc trên đều phải trả giá trước những hành động mất nhân tính của mình. Luật pháp đã tuyên cho chúng những bản án thích đáng về hành vi hành hạ người khác. Còn những bản án lương tâm hẳn sẽ theo và day dứt suốt đời.
Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ bạo hành, ngược đãi trẻ trong những năm qua được báo chí và dư luận phanh phui.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Trưởng khoa Tâm lý-Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, những vụ bạo hành đối với trẻ mầm non thời gian qua là sự việc rất đáng tiếc, bởi đối với trẻ mầm non thì sự phát triển về thần kinh, tâm lý của các em chưa hình thành. Những tác động bên ngoài rất dễ tạo ra những tổn thương lâu dài ở trẻ….
Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn cho biết, thực tế đã có những trường hợp sau khi trẻ bị bạo hành thì bị rối loạn tâm thần…
Với trẻ mầm non, người ta nói rằng, thầy cô giáo chính là người mẹ thứ hai. “Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” – lời bài hát “Cô và Mẹ” quen thuộc với bao lứa tuổi mầm non, thiếu nhi. Tuy nhiên, những gì xảy ra qua một số vụ việc bạo hành, ngược đãi với trẻ thời gian qua thật chẳng khác nào những “ác mộng đầu đời” đối với các em. Điều đó rất đáng suy ngẫm với những giáo viên mầm non đang làm nghề.
Tại Điều 6, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em do Quốc hội thông qua ngày 15/06/2004, quy định: Các quyền của trẻ em phải được tôn trọng và thực hiện; Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật; Điều 7, quy định các hành vị bị nghiêm cấm đối với trẻ em, trong đó có hành vi “Hành hạ, ngược đãi, làm nhục, chiếm đoạt, bắt cóc, mua bán, đánh tráo trẻ em; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác”.
Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em quá rõ ràng, hơn nữa là giáo viên thì đều từng được tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng để có những phẩm chất cơ bản của một nhà giáo trước khi làm nghề. Vậy, còn bao nhiêu bài học nữa mới đủ cảnh tỉnh về đạo đức nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non đang là câu hỏi đầy trăn trở đối với các nhà quản lý giáo dục trong công tác bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên?