Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không để tái diễn tình trạng “ép” học sinh không thi vào lớp 10

Thứ Tư, 15/05/2024 18:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Dù không phải là câu chuyện mới nhưng cứ đến trước thời điểm các địa phương tổ chức kỳ thi vào 10 THPT công lập, thì câu chuyện “ép” học sinh không thi vào lớp 10 lại “ nóng” các diễn đàn xã hội với nhiều phương thức gây bức xúc dư luận.

Tại Hà Nội, cách đây ít ngày, một số phụ huynh phản ánh về việc con em học lớp 9 tại Trường THCS An Thượng (huyện Hoài Đức) được nhà trường yêu cầu viết đơn theo mẫu về việc xin không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 với lý do đưa ra là sức học của các em này không được tốt.

Thậm chí, theo phản ánh của báo chí, một số phụ huynh của lớp 9 Trường THCS Tiến Thịnh (Huyện Mê Linh) còn cho biết, con họ nằm trong số học sinh không được phát tờ đơn đăng ký dự thi vào thời điểm Sở GD&ĐT quy định. Đến đầu tháng 5 gia đình mới “tá hỏa” con mình không có tên trong danh sách đăng ký dự thi.

Một số phụ huynh (xin giấu tên) có con học lớp 9 cũng cho hay, trước thời điểm nộp đơn đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay, giáo viên chủ nhiệm con họ liên tục "khủng bố" tinh thần phụ huynh bằng cách nêu kết quả học tập con không tốt và gợi ý, đề nghị con không nên đăng ký dự thi mà nên theo học các trường nghề.

Cần bảo đảm quyền lợi tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 của học sinh, khi các em đủ điều kiện, có nguyện vọng. Ảnh minh họa: TL

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở tại Hà Nội mà tại Trường THCS Nguyễn Văn Bứa, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh, sự việc giáo viên phát đơn xin không tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 cho học sinh cũng gây bức xúc dư luận thời gian gần đây.

Không phải đến bây giờ, việc các trường ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập mới được nhắc tới, mà đến hẹn lại lên, vào trước thời điểm kỳ thi vào lớp 10 của các địa phương chuẩn bị diễn ra, câu chuyện này lại được dư luận quan tâm, với nhiều “lùm xùm” gây tranh cãi.

Dù Bộ GD&ĐT rồi đến các Sở GD&ĐT các địa phương hầu như năm nào cũng có có các chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hiện tượng ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập nhưng nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn tại sao tình trạng này vẫn  tái diễn từ năm này qua năm khác, nguyên nhân do đâu và dường như chưa có trường nào bị xử lý nghiêm?.  Dư luận cũng cũng không khỏi đặt vấn đề: Liệu hiện tượng "ép" HS không thi vào lớp 10 có phải do các trường sợ ảnh hưởng đến thành tích và xếp loại thi đua hay không?

Có thể thấy, việc học tập và đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh.

Công tác phân luồng sau cấp THCS là đúng và cần thiết, tuy nhiên nhà trường, thầy cô cần có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác tới học sinh về các quy định liên quan công tác tuyển sinh lớp 10 và phải định hướng cho học sinh rõ; cũng như trao đổi với phụ huynh về kết quả học tập của con em mình để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc. Điều này nhằm bảo đảm quyền lợi tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 của học sinh, khi các em đủ điều kiện, có nguyện vọng. Việc ngăn cấm không cho học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập dù dưới hình thức nào thì cũng đều vi phạm pháp luật.

Ở đây, ranh giới giữa việc “gợi ý”, tư vấn không tham gia kỳ thi và định hướng mang tính áp đặt là rất mong manh, thế nên mới có câu chuyện khi xảy ra các nhà trường,  thầy cô đều phân bua rằng chỉ tư vấn nhưng khiến phụ huynh HS hiểu nhầm là bắt buộc.

Theo các chuyên gia giáo dục, thi lớp 10 là quyền lợi của tất cả học sinh sau tốt nghiệp THCS và là kỳ thi do nhà nước tổ chức. Sau quá trình học 9 năm, mỗi học sinh đều có quyền được trải nghiệm, được tham gia kỳ thi để cọ sát, cũng như khẳng định sức học, kết quả rèn luyện trong cả 9 năm học để có định hướng trong thời gian tới, không thể ngay từ đầu đã mặc định học sinh đó là “bỏ đi”, không thi được. Điều quan trọng và cốt lõi, đó là phải thực chất hơn trong dạy, học và kiểm tra đánh giá, tiến tới học thật, thi thật.

Điều 13 Luật Giáo dục 2019 đã quy định: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.

Vì vậy, đã đến lúc chấm dứt tình trạng tình trạng “ép” học sinh không thi vào lớp 10; cần khẳng định phải bảo đảm quyền lợi tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 của học sinh, khi các em đủ điều kiện, có nguyện vọng; không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em!./.

 

 

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN