Không để người lao động không có Tết
(ĐCSVN) - Năm nay, 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán rất gần nhau. Theo đó, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa sẽ kết thúc năm 2022 và không lâu sau là nghỉ Tết Âm lịch. Một chủ đề không thể không quan tâm của mọi người lao động mỗi dịp tết đến xuân về chính là “thưởng Tết”.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra phương châm: "Không để người lao động nào không có Tết". (Ảnh minh họa: NK) |
Mặc dù “thưởng Tết” cho người lao động không phải là yêu cầu bắt buộc với người sử dụng lao động. Mức thưởng nếu có cũng căn cứ trên nhiều yếu tố như tình hình tài chính, kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ hoàn thành công việc của người lao động… Tuy nhiên, việc người lao động mong chờ “thưởng Tết” là điều hết sức bình thường bởi quần quật lao động cả năm ai chẳng mong có tiền để chăm lo cho gia đình vào dịp nghỉ lễ dài nhất và quan trọng nhất trong năm. Và quan trọng hơn là được ghi nhận thành quả lao động, cống hiến sau một năm lao động miệt mài.
Tuy nhiên, có một điều đáng nói là trong những tháng cuối năm, trước tình trạng thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp trên cả nước đã sa thải hàng nghìn công nhân, kỹ sư ngay trong những ngày Tết đang cận kề. Tại hội nghị trực tuyến về tình hình cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp chiều 28/11, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra con số đáng buồn: Theo thống kê tại 44 tỉnh, thành phố, từ giữa năm đến nay có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã làm ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 8,8%).
Đáng chú ý, trong 472.000 lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp, ngoài số bị mất việc, số bị giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động là 91,2%; 30.300 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và hơn 9.400 người đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới một tuổi.
Chưa hết, Công đoàn dự báo khó khăn sẽ kéo dài, thậm chí sang giữa năm 2023 khiến nhiều lao động mất việc, cắt giảm việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng thu nhập. Theo đó, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có khoảng gần 700 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của hơn 271.000 lao động và gần 90 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp trên 15.000 lao động… Đáng lo ngại cơ quan này cũng không loại trừ có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, bảo hiểm xã hội và chế độ khác, hoặc thanh lọc đẩy lao động trên 35 tuổi khỏi doanh nghiệp để tuyển người trẻ hơn, chi phí thấp hơn.
Trước thực trạng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản yêu cầu các Sở trực thuộc giám sát chặt về tiền lương, kế hoạch thưởng Tết cho người lao động. Theo đó, ngày 25/12 tới là hạn chót các doanh nghiệp phải báo cáo tình hình trả lương, thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số lượng các doanh nghiệp thông tin về thưởng Tết chưa nhiều, chủ yếu vẫn là nhóm ít bị tác động bởi dịch bệnh.
Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, những ngành gặp khó khăn do sụt giảm về đơn hàng cũng như khó khăn trong quá trình sản xuất, tiền lương và tiền thưởng dự báo sẽ giảm. Mức thưởng Tết năm nay được cho là sẽ giảm từ 15-20% và số người nhận thưởng cao đến trăm triệu sẽ không có nhiều, còn lại phần lớn mức thưởng Tết tương đương từ 1-2 tháng lương.
Vẫn biết, quyết định tạm ngừng việc làm với người lao động do “đói” đơn hàng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái là điều bất khả kháng, không một doanh nghiệp nào mong muốn. Tuy nhiên, “trợ lực”, “tiếp sức” cho người lao động như thế nào để họ có thể xoay sở trụ vững qua ngày trước khi tìm được công việc mới và trước mắt tối thiểu cũng được gọi là “có Tết” là trách nhiệm của cả doanh nghiệp và chính quyền các cấp. Bởi người xưa vẫn nói, mọi con đường dù khó đi, nhưng không phải là không thể tìm được lối ra.
Vì dù có thông cảm với khó khăn của doanh nghiệp, nhất là với một năm nhiều biến động như năm nay, song đứng trên góc độ người lao động thì "trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng". Sự động viên kịp thời, đúng lúc sẽ có ý nghĩa lớn. Đây cũng là cách để giữ chân người lao động. Bởi trước đây từng không ít trường hợp cứ qua mỗi đợt nghỉ Tết là lại thiếu hụt nhân sự đột ngột do bị người lao động quay lưng.
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ XII Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn theo dõi sát tình hình quan hệ lao động, tình hình người lao động mất việc, giảm việc để kịp thời đề xuất và có chính sách chăm lo thỏa đáng đối với họ với phương châm “Không để người lao động nào không có Tết”, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không để kẻ xấu lợi dụng, để mọi người đón Xuân vui vẻ, phấn khởi bước vào một năm mới với khí thế lao động mới…
Tại Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nêu rõ yêu cầu tập trung chăm lo đời sống của người lao động trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng và tổ chức Công đoàn, thiết nghĩ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định tình hình sản xuất kinh doanh, có những biện pháp hỗ trợ về cơ chế chính sách, đặc biệt là về tín dụng để doanh nghiệp vượt qua khó khăn giai đoạn cao điểm cuối năm. Đồng thời cần nới room tín dụng, nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng bảo hiểm… nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn, bớt phần nào chi phí đầu vào để xoay xở làm ăn, giữ việc cho công nhân để họ có thu nhập ổn định trang trải, nuôi sống bản thân và gia đình.
Mặt khác, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm lúc này cũng là điều hết sức cần thiết đối với những lao động bị nợ lương, mất việc đột ngột trước những ngày giáp Tết. Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, nhưng sự chung tay vào cuộc bằng cả sự nhiệt tâm và tấm lòng, ít nhiều cũng sẽ mang đến sắc xuân cho người lao động.
Tết là thời khắc thiêng liêng, cao quý và trang trọng nhất đối với hết thảy người Việt. Vì thế, chăm lo cho người lao động ai cũng có Tết không chỉ là trách nhiệm của những người sử dụng lao động mà nó còn là câu chuyện của trách nhiệm, lương tri, tình người, tinh thần “thương người như thể thương thân” trong đó… Chúng ta tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan hữu quan, sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp sẽ đảm bảo một cái Tết ấm cúng cho người mỗi người lao động trên tất cả các miền quê…/.