Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không còn nhiều thời gian để thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh lao!

Thứ Tư, 24/03/2021 18:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) năm nay là “Đồng hồ đang điểm” như một thông điệp nhắn nhủ rằng: thế giới không còn nhiều thời gian để thực hiện các cam kết chấm dứt bệnh lao mà các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra.

 Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay là “Đồng hồ đang điểm”  (Ảnh: WHO)

Ngày 24/3 hằng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống lao để đánh dấu sự kiện vào ngày này năm 1882, bác sỹ người Đức Robert Koch phát hiện nguyên nhân gây ra bệnh lao, đó là trực khuẩn lao. Đây là bước đầu tiên hướng tới chẩn đoán và chữa trị bệnh lao. Ngày Thế giới phòng chống lao là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của bệnh lao đối với sức khỏe con người và đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực nhằm chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Theo WHO, lao là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới. Mỗi ngày, gần 4.000 người trên thế giới đã tử vong do lao và gần 30.000 người bị ảnh hưởng về sức khỏe do mắc lao. Cho đến nay, những nỗ lực toàn cầu để chống lại bệnh lao đã cứu được khoảng 63 triệu sinh mạng kể từ năm 2000.

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm nay là “Đồng hồ đang điểm” như một thông điệp nhắn nhủ rằng: thế giới không còn nhiều thời gian để thực hiện các cam kết chấm dứt bệnh lao mà các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang cản trở những nỗ lực chấm dứt bệnh lao.

Năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết chấm dứt đại dịch lao vào năm 2030. Tuy nhiên, việc tiếp cận công bằng, kịp thời với dịch vụ chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị và chăm sóc có chất lượng vẫn còn là một thách thức. Đầu tư toàn cầu hằng năm cho bệnh lao vẫn thấp hơn một nửa số tiền đã cam kết. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã gây ra nguy cơ cho cuộc chiến chấm dứt bệnh lao, nó làm giảm tỷ lệ phát hiện bệnh lao. Dự kiến sẽ có nhiều trường hợp tử vong do lao hơn do giảm phát hiện bệnh lao và cản trở việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị lao.

Trong bối cảnh này, WHO đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường ứng phó với bệnh lao thông qua thực hiện các ưu tiên nhằm đưa thế giới đi đúng hướng, đạt được các chỉ tiêu đã đề ra vào năm 2022; xa hơn nữa là phù hợp với nỗ lực tăng cường ứng phó với đại dịch COVID-19 và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Các ưu tiên mà WHO đưa ra là: Duy trì cam kết từ các lãnh đạo cấp cao nhằm vận động nguồn kinh phí bền vững dành cho bệnh lao; khẳng định lại cam kết thực hiện Tuyên bố chính trị của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2018 về bệnh lao, vạch ra tiến trình và các bước tiếp theo, đồng thời bày tỏ ủng hộ đối với đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc tổ chức cuộc họp cấp cao tiếp theo về bệnh lao vào năm 2023.

Ưu tiên tiếp theo là thúc đẩy tiếp cận trách nhiệm đa ngành nhằm chấm dứt bệnh lao; hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu để bảo đảm tất cả những người mắc lao đều được hưởng dịch vụ chăm sóc chất lượng với giá cả phải chăng và giải quyết những thách thức chưa được báo cáo; mở rộng hoạt động phát hiện chủ động kết hợp với điều trị dự phòng lao; tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao.

Tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về công tác phòng chống lao năm 2018, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã tái khẳng định chương trình nghị sự về phát triển bền vững, quyết tâm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Chương trình hướng tới chẩn đoán và điều trị thành công 40 triệu người mắc lao từ năm 2018-2022, trong đó có 3,5 triệu trẻ em và 1,5 triệu người mắc lao kháng thuốc.

 Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam và Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao, gánh nặng bệnh lao đã giảm đáng kể. Trong năm 2020, tỉ lệ phát hiện bệnh lao đã giảm 3,1%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới. Hằng năm ước tính có 170.000 ca mắc mới, hơn 11.000 ca tử vong (theo báo cáo của tổ chức WHO năm 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình người có bệnh lao phải đối mặt với những chi phí quá lớn, ước tính chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hằng năm của cả hộ gia đình.
Kiều Giang

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN