Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không có hiện tượng vận động, tranh thủ, biểu hiện tiêu cực trong lấy phiếu tín nhiệm

Thứ Hai, 04/03/2019 21:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đó là khẳng định của nhiều đại biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Tổ chức Xây dựng Đảng tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019 diễn ra chiều 4/3. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị

Đánh giá tổ chức Đảng và đảng viên sao cho thực chất?

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, Ban Tổ chức các cấp đã tham mưu thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) và thực hiện đồng bộ các nội dung công tác cán bộ. Các địa phương tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), báo cáo cấp ủy phê duyệt. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch gắn với công tác cán bộ như việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, thành phố không là người địa phương.

Toàn Ngành đã tham mưu bổ sung, kiện toàn, điều động, bổ nhiệm, chỉ định, giới thiệu bầu cử đối với hàng nghìn lượt cán bộ (trong đó có 48 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý). Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn một số nội dung của Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; dự thảo Kế hoạch thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương. Tham mưu thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách thường xuyên đối với cán bộ trong hệ thống chính trị. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án tổng thể về chính sách cán bộ.

Các địa phương đã quan tâm việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ diện cấp ủy các cấp quản lý, trong đó chú trọng đào tạo ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về tham mưu chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, một số ban Tổ chức tỉnh, thành ủy đã tham mưu với ban thường vụ thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tiểu ban Điều lệ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xây dựng Kế hoạch công tác; dự thảo đề cương báo cáo tổng kết và kế hoạch kiểm tra thực hiện Điều lệ Đảng; xây dựng dự thảo Báo cáo công tác xây dựng Đảng 05 năm (2016-2020).

Một số địa phương đã rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các chức danh thuộc thẩm quyền ban thường vụ tỉnh, thành ủy quản lý; kịp thời tham mưu cấp ủy kiện toàn nhân sự còn khuyết, thiếu để đảm bảo sự lãnh đạo liên tục, đồng thời chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Ban Tổ chức Trung ương đã khảo sát và làm việc về công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Tuyên Quang, Tây Ninh... và một số bộ, ngành Trung ương.

Báo cáo tổng hợp của Ban Tổ chức Trung ương cũng như ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy tại Hội nghị cho biết nhiều nội dung trong công tác xây dựng Đảng đã được triển khai thực hiện trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019, trong đó, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ chủ chốt các cấp được các đại biểu đánh giá cụ thể.

Theo Trưởng ban Tổ chức tỉnh Phú Thọ Nguyễn Văn Khoẻ, về lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở và lãnh đạo chủ chốt các cấp, HĐND đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo quy trình hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Với các đồng chí lãnh đạo khác và Ban thường vụ các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có hướng dẫn cụ thể. Trước hết, thấy không có hiện tượng vận động, tranh thủ, có những biểu hiện tiêu cực trong lấy phiếu tín nhiệm. Tại tỉnh Phú Thọ, không có đồng chí nào có phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% cần phải xem xét. Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét và đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ.

“Nhưng cũng qua việc lấy phiếu tín nhiệm, chúng tôi thấy trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm có tình trạng nể nang, nên tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tín nhiệm cao rất cao, thể hiện tính chất duy tình. Đồng chí nào hầu hết cũng được tín nhiệm rất cao” – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ nêu rõ.

Theo các đại biểu, về đánh giá xếp lại tổ chức Đảng và Đảng viên, thực hiện nghị quyết của Trung ương, năm nay có rất nhiều tiêu chí đối chiếu đánh giá, như 27 biểu hiện và 82 dấu hiệu của biểu hiện. Có nhiều ý kiến cho rằng, đối với cán bộ đang công tác là bình thường, nhưng đối với các đồng chí đã nghỉ hưu thì nhiều tiêu chí quá, lại thêm nhiều giấy tờ, phải in ấn cấp cho các đồng chí ở cơ sở… Nhiều đảng viên đề xuất nên có hướng dẫn cụ thể kiểm điểm sâu hơn với những người đương chức hoặc có chức vụ cao, còn người về hưu thì có thể cụ thể hoá để đỡ phải thêm nhiều giấy tờ khác.

Về việc đánh giá với các tổ chức Đảng, đảng viên năm nay cho thấy, yêu cầu đánh giá liên tục, xuyên suốt và đa chiều, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên và đánh giá ngang nên thủ tục hành chính đánh giá và giấy tờ cũng nhiều thêm. Theo các đại biểu, thực chất thì việc đánh giá đó cũng chưa chính xác.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ cũng nêu tại Hội nghị, tại Phú Thọ có 18 đảng bộ trực thuộc tỉnh uỷ, giữa Đảng bộ nọ với Đảng bộ kia thì không thể sâu sát, nên khi đánh giá thì tính chính xác cũng không cao. Thứ hai là cấp dưới đánh giá cấp trên, có tình trạng cấp trên nhận hoàn thành tốt thì cấp dưới lại “động viên” cấp trên đề nghị là xuất sắc, biểu hiện của tình trạng nể nang, phản ánh không thực chất hoạt động của các tổ chức Đảng.

Tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức các tỉnh Gia Lai, Hưng Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đề nghị, nếu tiếp tục cách thức đánh giá tổ chức Đảng và đảng viên như hiện nay thì cần cụ thể hoá hơn nữa để chủ thể đánh giá, cách thức lấy phiếu đảm bảo bí mật để các cơ sở có khả năng phản ánh tất cả thực tế và đánh giá chính xác. Cơ chế đánh giá cần đổi mới thêm, chấm dứt tình trạng nể nang, cấp dưới nịnh cấp trên, đánh giá không sát thực tế.

Hiện nay có tình trạng một số Đảng bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ nhưng có tiêu chí chỉ cần 1 cấp uỷ viên bị kỷ luật, ví dụ ở cấp huyện có 1 huyện uỷ viên sinh con thứ 3 thì đồng chí đó bị khiển khách, đương nhiên đảng bộ đó chỉ được xếp hoàn thành nhiệm vụ.

Các đại biểu cho rằng đánh giá như vậy là hơi “nặng”, có thể trừ điểm hạ một bậc chứ không thể đánh giá như vậy sẽ thiệt cho một tập thể lớn. Không thể các tiêu chí khác như kinh tế - xã hội hoàn thành đều rất tốt mà chỉ vì một cấp uỷ viên bị khiển trách Đảng bộ không được nhìn nhận và khen thưởng.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết và các Hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp, sáp nhập các xã. Hiện vẫn còn thiếu các văn bản pháp luật để có thể sáp nhập các xã cũng như áp dụng các chế độ chính sách kéo theo. Đây cũng là vấn đề cấp bách khi Đại hội Đảng cấp cơ sở sắp diễn ra.

Dứt khoát không để xảy ra chạy chức, chạy quyền

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị trong tháng 3/2019, toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, cần chú trọng tham mưu thành lập các tiểu ban phục vụ Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tập trung tham mưu hoàn thành việc tổng kết Chỉ thị 36-CT/TW để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về định hướng công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Nghiên cứu, tham mưu tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; thực hiện tốt nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Điều lệ Đảng. “Cần lưu ý những gì đã có trong các quy định nhưng còn vướng mắc trong thực tiễn; ngược lại, có những việc thực tiễn đã làm thành công, hiệu quả nhưng chưa có trong quy định để tham mưu sửa đổi hiệu quả” – đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đồng chí cũng yêu cầu Ban Tổ chức các cấp cần tham mưu cấp ủy các cấp thực hiện việc luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý kiên quyết chống tiêu cực, chống chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức chạy quyền. “Nơi nào mà chạy chức chạy quyền thì không dùng, dứt khoát không dùng, tiếp tay cho chạy chức chạy quyền là phải kỷ luật” – đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Quán triệt và động viên những cán bộ làm công tác trong Ngành, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ: Chúng ta xây dựng công tác cán bộ phải thật sự trong sạch, lành mạnh, dân chủ, khách quan, trung thực để tìm ra đội ngũ cán bộ trong sáng, công tâm và gương mẫu. Chúng ta chia sẻ cùng nhau trách nhiệm, tăng cường trách nhiệm để chống chạy chức, chạy quyền, chống việc tiếp tay cho chạy chức chạy quyền.

Đồng chí Phạm Minh Chính cũng nhắc các cơ quan tham mưu, các địa phương trong việc hoàn thiện hồ sơ cán bộ, vì còn nhiều bộ hồ sơ gửi lên Ban Tổ chức Trung ương còn chưa đầy đủ dẫn tới phải trả đi trả lại mất nhiều thời gian./.

Hiền Hòa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN