Không chuyển nợ doanh nghiệp nhà nước thành nợ công
(ĐCSVN) – Mới đây, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đề cập đến vấn đề các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước không tính vào nợ công. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, điều này là cần thiết nhưng chưa đủ để đảm bảo rằng Nhà nước không chịu trách nhiệm về nợ của doanh nghiệp.
Theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, xét về khía cạnh pháp lý, việc nợ của doanh nghiệp nhà nước không đưa vào nợ quốc gia, nợ công là đúng và hợp lý. Đối với doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần thì nhà nước với tư cách là người chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước không chịu trách nhiệm về những khoản vay khác của doanh nghiệp mà chỉ chịu ở tư cách là chủ sở hữu và giới hạn trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Đồng thời, với cơ chế tự vay tự trả, như những chủ thể khác, khi doanh nghiệp đi vay, nếu như doanh nghiệp thua lỗ thì Nhà nước chỉ mất phần vốn đã góp vào công ty, còn không chịu trách nhiệm về các khoản vay khác.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, để áp dụng triệt để nguyên tắc pháp lý như vậy, cần dứt khoát khi doanh nghiệp thua lỗ, Nhà nước không tiến hành trả nợ thay, không cho phép hoãn nợ, giãn nợ, khoanh nợ. Chỉ khi thực hiện được điều này thì nguyên tắc hoạt động theo khía cạnh pháp lý trên mới được thừa nhận.
Viện trưởng Nguyễn Đình Cung phân tích thêm, nếu doanh nghiệp nhà nước không trả được nợ mà Nhà nước tiến hành giãn nợ, hoãn nợ,…nghĩa là Nhà nước đang can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Và khi đã can thiệp như vậy thì Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm về nợ của doanh nghiệp. “Điều này cũng sẽ dẫn đến việc sau này có những doanh nghiệp áp dụng những thông lệ, anh đã trả nợ cho doanh nghiệp này thì tại sao bên kia anh không trả nợ cho người ta” – ông Cung lấy ví dụ.
Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết thêm: “Theo quốc tế, khi tuyên bố phá sản nhưng anh không trả nợ cũng không được, không thể trả lời tôi chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn, tôi chỉ góp phần vào phần vốn và chịu trách nhiệm về phần vốn hạn chế này thôi. Không đơn giản như vậy, vì khi phá sản sẽ có người kiện, có chủ nợ sẽ kiện”.
Vì vậy, để tránh được điều này, đòi hỏi cơ quan nhà nước không kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thương mại. “Ví như anh không được can thiệp vào hoạt động của hội đồng quản trị mà để nó hoạt động theo quy định, anh không được giao với những mục tiêu trái với nguyên tắc thương mại như: nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xã hội,…Nếu như nhà nước can thiệp dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp thua lỗ thì Nhà nước phải gánh chịu. Vì vậy, Nhà nước cần tôn trọng trách nhiệm hữu hạn” – ông Cung dẫn chứng thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Cung, cần thành lập ngay cơ quan chuyên trách chủ sở hữu, tránh việc nhiều cơ quan nhà nước có thể can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau. Việc chỉ có một cơ quan thực hiện quyền chủ sở hữu và những cơ quan khác không được quyền can thiệp thì lúc đó mới rạch ròi giữa chức năng chủ sở hữu và chức năng khác của nhà nước.
Vì vậy, theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, việc không đưa nợ doanh nghiệp nhà nước vào nợ công là cần thiết nhưng chưa đủ để đảm bảo rằng nhà nước không chịu trách nhiệm về nợ của doanh nghiệp. Mà cần phải làm nhiều hơn, đó là không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Nếu Nhà nước tiếp tục giao thực hiện chính sách của nhà nước cho doanh nghiệp thì nhà nước phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động của doanh nghiệp./.