Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Chủ Nhật, 29/05/2022 08:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước lo ngại về tình hình bệnh sốt xuất huyết đang tăng cao tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, các chuyên gia khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là và đặc biệt cần có biện pháp phòng chống kịp thời với loại bệnh truyền nhiễm này.

Dù là bệnh lưu hành quanh năm nhưng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam, cứ đến mùa mưa bệnh sốt xuất huyết lại có xu hướng tăng mạnh.

Hiện khu vực phía Nam đang là thời điểm giao mùa, mưa nhiều khiến cho dịch bệnh này đang lây lan rộng tại nhiều khu vực.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức vào tận trong khu nuôi gia cầm của hộ dân để kiểm tra (ảnh: Quang Huy)

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), dịch sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh đang rất đáng báo động. Cụ thể, 4 tháng đầu năm, Thành phố ghi nhận hơn 8.400 trường hợp mắc bệnh, tăng 28% với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tuần trước, đã có gần 950 ca bệnh được phát hiện, tăng 20% so với trung bình 4 tuần trước đó. Cũng trong tuần qua, Thành phố ghi nhận 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 51 phường, xã, nâng số ổ dịch tích lũy từ đầu năm lên là 446. Các ổ dịch mới được ghi nhận nhiều ở huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn, quận 12, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận 8… Đặc biệt, trong năm nay, số ca bệnh nặng gia tăng mạnh, gấp khoảng 5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó, các trường hợp nặng bị tổn thương đa cơ quan như gan thận và phải thở máy, lọc máu. Thành phố cũng đã có 7 trường hợp tử vong do bệnh này, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, từ thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, số ca nhập viện do sốt xuất huyết Dengue vẫn đang tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo ý kiến của các chuyên gia dịch tễ, cứ 4-5 năm thì sốt xuất huyết Dengue lại bùng lên thành dịch 1 lần. Đợt dịch sốt xuất huyết lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh gần đây là vào năm 2019 và có tới 65.000 ca nhiễm. Theo chu kỳ thì năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại gây ra trận dịch lớn. Các chuyên gia dự báo, năm 2022, đỉnh dịch sốt xuất huyết có thể sẽ rơi vào tuần thứ 25-26 của năm (khoảng tháng 6-7).

Trước tình hình trên, TP Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh. Trong ngày 25/5, đoàn kiểm tra UBND TP Hồ Chí Minh do ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố dẫn đầu, đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Hóc Môn - một trong năm địa  phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất của Thành phố thời gian gần đây.

Tại đây, đoàn kiểm tra ghi nhận còn tồn tại nhiều điểm nguy cơ chưa được xử lý, còn nhiều vật chứa nước có lăng quăng (bọ gậy) quanh nhà của người dân trong khi người dân vẫn chủ quan, lơ là với bệnh sốt xuất huyết.

Thậm chí, tại khu vực này, chỉ cách nhà của người tử vong do sốt xuất huyết khoảng 10m có một điểm nuôi gà, trong đó có nhiều lăng quăng, chưa kể khu vực xung quanh có nhiều rác thải, gáo dừa chứa nước không được dọn dẹp. Điều này là vô cùng nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan trong cộng đồng.

Bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết năng. Ảnh: H.Y 

Bệnh sốt xuất huyết không chỉ tăng cao ở TP Hồ Chí Minh mà còn tăng cao ở một số tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Tại Đồng Nai, mùa mưa mới chỉ bắt đầu, nhưng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thì tính từ đầu năm tới nay toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 2.200 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

 BSCKI. Phan Văn Phúc, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cho biết, năm nay, dự báo là chu kỳ bùng phát dịch sốt xuất huyết trở lại. Tại một số ổ dịch, còn phát hiện cùng lúc 2 chủng là DEN-1 và DEN-2. Điều này có nghĩa là sẽ ghi nhận nhiều ca bệnh nặng trong năm nay. Hiện, số ca bệnh ghi nhận đã bằng cùng kỳ năm 2021.

Tại tỉnh Đồng Tháp, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay, hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đều có dấu hiệu tăng cao số ca nhiễm so với năm 2021. So với cùng kỳ, số ca nhiễm trên địa bàn tăng hơn 120%, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Trong buổi làm việc với ngành y tế địa phương vào ngày 25/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu đánh giá, với điều kiện thời tiết như hiện nay, thì bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.

Sốt xuất huyết hiện cũng đang là mối quan tâm, lo lắng của nhiều tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam như: TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang…

Được biết, bệnh sốt xuất huyết lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh loăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng ngừa và cũng chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống sốt xuất huyết, mỗi địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thực trạng, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo nhiều cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp dồn sức chống dịch. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế.

Trong công tác phòng, chống dịch bệnh khâu tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức là vô cùng quan trọng. Việc truyền thông cần đi vào thực chất, không chỉ dừng lại ở hình thức. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt của cơ quan chức năng cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, từ đó góp phần giúp người dân điều chỉnh ý thức, thay đổi hành vi trong phòng, chống dịch bệnh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo:

Mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên. Nên dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

Đậy kín lu, phuy, đồ chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

 Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn…, người dân đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

 

 

 

 

V.Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN