Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không chủ quan, bình tĩnh chuẩn bị ứng phó với thiên tai!

Thứ Tư, 19/07/2023 17:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Trước diễn biến khó lường, tính chất nguy hiểm cũng như sức mạnh mang tính tàn phá của thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai như: bão, sạt lở đất, lũ quét,…buộc chúng ta cần chuẩn bị đồng bộ các giải pháp để sẵn sàng ứng phó, nhất là ý thức chủ động phòng tránh, phòng ngừa, không chủ quan trước diễn biến của thiên tai.

 Ảnh hưởng của lũ quét gây thiệt hại nặng nề tại các địa phương (Ảnh: P.V)

Trong cuộc họp ngày 17/7 nhằm triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 1 – cơn bão đầu tiên của nước ta năm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã đặc biệt lưu ý các địa phương, mặc dù đã có kinh nghiệm ứng phó với các cơn bão trong nhiều năm qua, tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, lơ là khi ứng phó với bão.

Điều này cho thấy, khi ứng phó với thiên tai, điều trước tiên, đó là về nhận thức, chúng ta phải luôn có thái độ biết lo lắng chuẩn bị cho công tác ứng phó, không được xem nhẹ thiên tai, đồng thời chủ động hành động, xử lý trước các vấn đề đang bất cập để chuẩn bị chu đáo nhất có thể để ứng phó khi thiên tai đến. Đây cũng là yêu cầu trọng tâm, xuyên suốt và quan trọng bậc nhất khi chúng ta ứng phó với thiên tai. Việc không chủ quan sẽ giúp chúng ta chuẩn bị được sẵn sàng các điều kiện cần thiết về mặt nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm,…cũng như có công tác chuẩn bị trên các tuyến biển, trên bộ, khu vực miền núi để có những chỉ đạo đến từng công việc nhỏ nhất ứng phó với thiên tai. Nếu chỉ cần lơ là, có tâm lý chủ quan khi thiên tai đang đến gần, cái giá mà chúng ta phải trả chắc chắn sẽ rất đắt.

Thực tế cho thấy, sức tàn phá của thiên tai là “kinh khủng”. Với cường độ gió của những cơn bão mạnh ở mức cấp siêu bão, cấp trên 16, hoặc thông thường với cấp độ 12-15 là những cấp gió rất mạnh, ở trên biển, sóng lớn dữ dội có thể nhấn chìm ngay con tàu nếu như đang nằm trong vùng nguy hiểm của bão. Hoặc với sạt lở đất, lũ quét, với sức mạnh của dòng nước mạnh kèm theo bùn đất, đá,…có thể cuốn trôi tất cả những thứ gì ngăn cản dòng chảy của nó, kể cả con người, nhà cửa, cây cối, tài sản; hoặc sạt lở đất, “bất thình lình”, sẵn sàng lấp hết cả đoạn đường dài hoặc các ngôi nhà dưới chân núi. Với tính chất nguy hiểm, sức tàn phá mạnh, gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng, do đó, việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm khi mùa mưa bão đã tới.

Thực tế trong năm 2022, ở nước ta, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai ( ngoại trừ sóng thần), trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4,5,6, nhất là tại Hà Nội, Vĩnh

Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên,...Tại khu vực miền Trung, mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt diện rộng các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên; liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Trong đó bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ vào Đà Nẵng – Quảng Nam ngày 28/9 đã gây mưa rất lớn từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi, trong đó riêng Nghệ An mưa rất lớn từ 300-500mm (Quỳnh Lưu 662mm; Con Cuông 650mm), gây ngập lụt tại khu vực đồng bằng và lũ quét nghiêm trọng tại huyện Kỳ Sơn. Mưa lớn sau bão số 5 (tại thành phố Đà Nẵng mưa rất to tại Suối Đá 831mm, vượt lịch sử năm 2018 là 635mm; cường suất rất lớn 642mm/7 giờ từ 15-21h/14/10/2022) đã gây lũ trên báo động 3 trên các sông từ Quảng Bình - Thừa Thiên Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng có nơi tới 1,5-2,0m tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.

Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Năm 2023, tính từ đầu năm đến ngày 5/7, đã xảy ra 19/22 loại hình thiên tai. Trong đó đã xảy ra 1 áp thấp nhiệt đới, 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển…Ảnh hưởng của thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng.

Những con số trên cũng đủ cho thấy sức tàn phá của thiên tai lớn đến mức nào, trong khi đó, hiện nay, chúng ta đã bước vào giai đoạn mùa mưa bão, dự báo, thiên tai sẽ còn thường xuyên xuất hiện và tiếp tục có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân nước ta.

Trở lại vấn đề ứng phó với thiên tai, ngoài tâm lý không được chủ quan, lơ là,  để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chúng ta cần đảm bảo công tác dự báo được chính xác nhất, nhanh nhất để kịp thời thông tin, truyền thông tới các cấp chính quyền, người dân để nắm bắt thông tin, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng ứng phó và kịp thời báo cáo các cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Đây là công tác rất quan trọng để đảm bảo thông tin được dự báo chính xác, tạo cơ sở để chúng ta chuẩn bị các giải pháp, xác định các khu vực trọng tâm ảnh hưởng để sẵn sàng ứng phó. Đồng thời, công tác dự báo cần đảm bảo độ chính xác cao để tạo được niềm tin cho người dân, từ đó tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành của địa phương, các cơ quan chức năng.

Từ công tác dự báo, chúng ta cần có những phản ứng nhanh, khẩn trương, đảm bảo sự chuẩn bị chu đáo nhất có thể trước khi thiên tai xảy ra. Trong đó, đối với các loại hình thiên tai khẩn cấp như bão, trên tuyến biển, cần kịp thời thông tin, kiểm đếm, hướng dẫn tàu, thuyền, chủ các phương tiện nhanh chóng thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm của bão; cập nhật kịp thời vùng nguy hiểm của bão theo các bản tin dự báo của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn. Với tính chất nguy hiểm của bão, các chủ tàu cần đảm bảo thông suốt thông tin liên lạc để kịp thời nắm bắt các thông tin của bão, xử lý các sự cố kịp thời (nếu có), đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết khi có các tình huống phát sinh. Đặc biệt, một công tác cần được lưu ý, đó là sắp xếp các tàu thuyền tại khu neo đậu, đảm bảo tàu thuyền được neo đậu chắc chắn, an toàn, tránh những sự cố đáng tiếc khi đã neo đậu nhưng sóng mạnh làm chìm hoặc trôi tàu, thuyền. Đồng thời, cần đảm bảo tất cả các thuyền viên đã lên bờ khi bão đổ bộ, tránh các thiệt hại đáng tiếc về người.

Khi dự báo có thiên tai, nhất là trong các điều kiện dự báo có lượng mưa lớn, trên tuyến đất liền, khu vực miền núi, cần đặc biệt quan tâm cảnh báo, phát hiện sớm các điểm có khả năng xảy ra sạt lở đất, lũ quét để kịp thời sơ tán người dân cũng như chuẩn bị các trang thiết bị, phương tiện, lực lượng, nhu yếu phẩm…để ứng phó khi có các tình huống khẩn cấp, nhất là khi có sự chia cắt tại các điểm.

Ở đây, cần nhấn mạnh đến việc chuẩn bị theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” gồm: chủ động phòng chống trước, phát hiện xử lý trước, phương tiện, vật tư chuẩn bị trước; lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, để sẵn sàng xử lý các sự cố bất ngờ, đòi hỏi cần được xử lý nhanh, khẩn trương, cấp bách, đặc biệt là trong việc cứu người gặp nạn; xử lý nhanh các tình huống khẩn cấp.

Có thể nói, công tác chuẩn bị trước khi thiên tai đến là công tác đặc biệt quan trọng để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Lê Minh Hoan từng cho rằng, khí hậu đang biến đổi, diễn biến thiên tai bão lũ ngày càng cực đoan, khó lường, khó dự báo. Một trận bão bất ngờ quét qua có thể cuốn trôi những thành quả, của cải tích cóp nhiều năm của người dân và làm chậm đà phát triển của các địa phương. Do đó, điều này đòi hỏi cần có cách tiếp cận mới hơn trong phòng chống thiên tai, trong đó giải pháp phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiệt hại từ thiên tai.

Song hành với các giải pháp trên, để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, chúng ta cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống thiên tai của người dân, của cộng đồng, xem phòng chống thiên tai vừa là để bảo vệ bản thân, gia đình nhưng cũng là trách nhiệm chung để bảo vệ cộng đồng, xã hội. Việc ứng phó, giảm thiểu thiệt hại từ thiên tai sẽ rất khó được đảm bảo trọn vẹn nếu như không có sự phối hợp tốt, sức mạnh đoàn kết giữa các cơ quan Nhà nước và người dân. Mỗi người chung sức, cùng chung tay, chắc chắn thiệt hại thiên tai sẽ được giảm thiểu.

Để có được điều đó, chúng ta cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về phòng chống thiên tai. Cần thông tin để người dân, cộng đồng nắm rõ được “sức mạnh tàn phá” của thiên tai, các giải pháp để chuẩn bị trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra để người dân kịp thời nắm bắt các thông tin cảnh báo thiên tai, sớm nhận diện thiên tai và chủ động triển khai, phối hợp trong ứng phó. Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt, tăng tần suất truyền thông nhất là vào cao điểm mùa mưa bão, lũ lụt,…

Về lâu dài, chúng ta cần tính đến các giải pháp để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu như: trồng cây gây rừng để chống xói mòn đất, giảm lũ lụt; hạn chế phát thải khí nhà kính trong các hoạt động sản xuất kinh tế,…

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng tới đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm (11-13 cơn bão trên biển Đông và 5-7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền); bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8-10/2023.

Mùa mưa bắt đầu tương đương so với trung bình nhiều năm ơ khu vực Tây nguyên và Nam bộ. Trong các tháng mùa mưa bão, tại các khu vực Bắc bộ, lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tại khu vực Trung bộ, lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7-9/2023.

Về lũ, ngập lụt, khu vực Bắc bộ, đỉnh lũ trên các sông ở Bắc bộ phổ biến ở mức báo động 1- báo động 2, tương đương năm 2022. Riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2- báo động 3, các đợt lũ chủ yếu tập trung trong các tháng 7-9. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc.

Tại khu vực Trung bộ, Tây nguyên, mùa lũ trên các sông ở khu vực Tây nguyên có khả năng đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Các sông ở khu vực Trung bộ, lũ xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2023, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức báo động 1- báo động 2, có sông trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2- báo động 3,…

Hiện nay, chúng ta đang bước vào mùa mưa bão, ảnh hưởng của thiên tai trong thời gian sắp tới dự báo sẽ không hề nhỏ. Do đó, chúng ta cần sẵn sàng tâm thế, kịp thời có thông tin dự báo chính xác về thiên tai sắp diễn ra, nhất là với các loại hình thiên tai như: bão, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất,…. Đồng thời, chuẩn bị tốt công tác ứng phó, phòng ngừa theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhằm tránh thiệt hại về người và giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.

Thiên tai tại nước ta hàng năm vẫn tiếp diễn. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trước các loại hình thiên tai, chủ động cập nhật thông tin về thiên tai; bình tĩnh, chuẩn bị các biện pháp, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai.

Những điều cần biết trước, trong và sau khi xảy ra bão:

Trước bão: thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão. Giữ liên lạc giữa tàu, thuyền và đất liền; đưa tàu, thuyền thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Bảo vệ lồng, bè, tài sản, gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Gia cố, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây. Xác định vị trí an toàn để trú ẩn.

Chủ động sơ tán khỏi các nhà không đảm bảo an toàn, vùng ven biển, cửa sông đề phòng nước dâng. Đề phòng mưa, lũ, lũ quét, trước trong và sau bão. Dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ dùng trong 7 ngày. Chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền.

Trong bão: Không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản. Nên ở trong nhà, nơi trú ẩn, không đi ra ngoài. Không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ; đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật,…

Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu hộ, cứu nạn. Chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền.

Sau bão: kiểm tra lại nhà ở, các thiết bị trước khi sử dụng. Khẩn trương khắc phục hậu quả ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác với chính quyền địa phương. Tham gia dập dịch bệnh và xử lý môi trường.

Đối với phòng, tránh sạt lở đất:

Nên làm: theo dõi thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu. Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương; cần bảo vệ tính mạng trước tiên. Chạy nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm khi nghe hoặc nhận thấy tiếng động lớn hoặc dấu hiệu không bình thường.

Nên tránh: Không được đi qua và lại gần quanh khu vực sạt lở đất; không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc nếu thấy nước có dấu hiệu bất thường như nước sông suối từ trong chuyển sang đục dần. Không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh,…

 

B.T

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN