Khởi tố thêm 6 người vụ cháy chung cư mini
(ĐCSVN) - Khởi tố thêm 6 người vụ cháy chung cư mini; Không cấm cho vay mua nhà hình thành trong tương lai; Nỗi tuyệt vọng khiến nông dân châu Âu xuống đường biểu tình… là một số tin trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay (31/01).
Khởi tố thêm 6 người vụ cháy chung cư mini
Tối 31/1, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 6 cựu thanh tra xây dựng, cựu cán bộ và cựu công an phường người về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan vụ hỏa hoạn làm 56 người tử vong tại chung cư mini phường Khương Đình. Danh tính các bị can chưa được tiết lộ.
Trước đó, bên lề họp báo của Bộ Công an chiều 27/12, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết liên quan vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ phải khởi tố thêm ở lĩnh vực liên quan quản lý Nhà nước để điều tra làm rõ dấu hiệu thiếu tinh thần, trách nhiệm.
Hiện trường vụ cháy (Ảnh: Nguyễn Thắng) |
Cơ quan điều tra đã triệu tập tất cả cá nhân theo từng thời kỳ liên quan đến công trình xảy ra hỏa hoạn, qua đó làm rõ thêm hành vi của một số giai đoạn, bắt đầu từ thời kỳ xây dựng chung cư mini này. Tiếp đó, giai đoạn hai là việc để cho công trình xảy ra vi phạm về phòng cháy chữa cháy.
Trước đó, đêm 12/9, rạng sáng 13/9, trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ. Căn nhà có diện tích khoảng trên 200m2 cao 9 tầng, chia thành 45 căn hộ với khoảng 150 người dân sinh sống.
Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, chủ chung cư mini) về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Không cấm cho vay mua nhà hình thành trong tương lai
Trước một số lo ngại cấm cho vay mua nhà hình thành trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước khẳng định Thông tư 22 (sửa đổi bổ sung một số quy định về tỷ lệ an toàn vốn với ngân hàng, có hiệu lực từ tháng 7/2024) không hạn chế quyền mua loại hình bất động sản này.
Thông tư mới giảm hệ số rủi ro khi cho vay mục đích mua nhà ở xã hội so với vay mua bất động sản, nhà ở khác. Theo đó, các khoản cho vay mua nhà ở xã hội sẽ được xếp hệ số rủi ro thấp hơn khi tính tỷ lệ an toàn vốn cho nhà băng. Động thái này nhằm tạo dư địa và khuyến khích giới nhà băng giải ngân cho các mục đích vay mua nhà ở xã hội theo chính sách, dự án của Chính phủ.
Thông tư 22 không ảnh hưởng đến quan hệ vay vốn để mua nhà ở hình thành trong tương lai như một số ý kiến lo ngại (Ảnh: TTXVN) |
Theo các quy định hiện hành, cho vay để mua, thực hiện dự án bất động sản và được bảo đảm bằng chính bất động sản, dự án hình thành từ khoản vay, được định nghĩa là cho vay đảm bảo bằng bất động sản.
Còn khoản cho vay được định nghĩa là cho vay thế chấp nhà phải đáp ứng các điều kiện như nguồn tiền trả nợ không phải từ tiền cho thuê nhà hình thành từ khoản vay, nhà đã được hoàn thành để bàn giao theo hợp đồng mua bán, nhà hình thành từ khoản cho vay phải được định giá độc lập...
Khoản cho vay mua bất động sản, nhà ở và thế chấp bằng chính tài sản hình thành trong tương lai áp dụng hệ số rủi ro từ 30% đến 120% phụ thuộc vào tỷ lệ bảo đảm (LTV) được tính bằng tỷ lệ số dư khoản cho vay so với giá trị của tài sản bảo đảm, trường hợp không có thông tin về tỷ lệ LTV hệ số rủi ro 150%.
Nỗi tuyệt vọng khiến nông dân châu Âu xuống đường biểu tình
Nông dân nhiều nước châu Âu lái máy kéo biểu tình phản đối chi phí sản xuất tăng, EU siết chính sách quản lý môi trường và thực phẩm nhập khẩu giá rẻ.
Cuộc biểu tình rầm rộ của nông dân ở Pháp, nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), đã kéo dài hơn hai tuần nay. Khoảng 1.000 nông dân hôm 29/1 tăng sức ép lên chính phủ bằng cách lái 500 máy kéo phong tỏa các tuyến cao tốc dẫn vào thủ đô Paris, đốt rơm khô chặn một phần lối vào sân bay Toulouse.
Nông dân Pháp lái máy kéo tham gia cuộc biểu tình trên cao tốc A6, phía nam thủ đô Paris ngày 29/1 (Ảnh: AFP) |
Tại Bỉ, nông dân cũng chặn đường dẫn vào cảng container Zeebrugge. Họ cho biết đã lên kế hoạch chặn tuyến đường đến cảng Biển Bắc, cảng lớn thứ hai của Bỉ, trong ít nhất 36 tiếng.
Nông dân cũng phong tỏa một quảng trường ở trung tâm Brussels, tuyên bố sẽ bám trụ tại đây tới 1/2, thời điểm các lãnh đạo EU họp thượng đỉnh. Nông dân Tây Ban Nha tuyên bố sẽ tham gia phong trào và tổ chức biểu tình vào tháng 2.
Nhiều cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra ở Đức và Hà Lan, trước thềm cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 6, trong bối cảnh nông dân nhiều nước châu Âu cho rằng họ không được trả đủ lương, bị bóp nghẹt bởi các quy định bảo vệ môi trường, đồng thời bị cạnh tranh không lành mạnh bởi hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine và những quốc gia khác.
Tại Pháp, các cuộc biểu tình gia tăng áp lực với chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU. Họ hy vọng hành động của mình và nông dân những nước khác sẽ thu hút sự chú ý của các chính trị gia đang tập trung vào viện trợ cho Ukraine và ngân sách của EU./.