Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường phát triển Hải Dương – Toả sáng văn hoá xứ Đông

Thứ Hai, 27/12/2021 11:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương khẳng định, những người con của Hải Dương nay, xứ Đông xưa, luôn tự hào về truyền thống đấu tranh kiên trung, bất khuất và truyền thống văn hóa tốt đẹp của của mảnh đất “Địa linh, Nhân kiệt”, nơi “Ánh sáng mặt trời tỏa sáng miền Duyên hải” đã và đang nỗ lực kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay.

 Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương phát biểu chào mừng tại hội nghị.

Sáng 27/12, tại Hải Dương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức hội nghị cộng tác viên toàn quốc năm 2021. Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương dự và phát biểu chào mừng tại hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, Tổng Biên tập đầu tiên của Báo; Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, các đồng chí trong Ban Biên tập, lãnh đạo Báo qua các thời kỳ cùng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Báo. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến ở các điểm cầu.

Toả sáng văn hoá xứ Đông

Tại hội nghị, phát biểu chào mừng và giới thiệu về Hải Dương, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương chia sẻ, Hải Dương hay còn gọi là xứ Đông nằm ở trung tâm Đồng bằng Châu thổ sông Hồng, cái nôi của nền văn hóa Việt, là “Trấn thứ nhất trong tứ trấn” ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa, nên có biệt danh là tỉnh Đông. Hải Dương là vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ xa xưa, Hải Dương đã được coi là vùng đất “nhân phong, vật thịnh”, với văn hóa xứ Đông rực sáng, được hình thành, tạo dựng từ truyền thống yêu nước, kiên trung, bất khuất của con người Hải Dương.

Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, đất và người Hải Dương đã góp phần làm nên những mốc son lịch sử vẻ vang trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, với các nhân vật lịch sử nổi tiếng, như các nữ tướng Thiện Nhân, Thiện Khánh, Khúc Thừa Dụ, Yết Kiêu, Trần Khánh Dư, Nguyễn Hữu Cầu, Đốc Tít, Đỗ Quang, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Lương Bằng…

Hải Dương còn là đất học, đất khoa bảng, là tỉnh đứng đầu về Tiến sĩ nho học của cả nước, với 472 Tiến sĩ, trong đó có 12 trạng nguyên. Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), Văn miếu Trấn Hải Dương là một minh chứng cho truyền thống hiếu học của người xứ Đông. Nhiều tiến sĩ nho học của Hải Dương là những tác giả nổi tiếng, để lại cho muôn đời hàng trăm tác phẩm có giá trị trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, khoa học, văn học, ngoại giao như Tuệ Tĩnh, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mệnh, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Vũ Hữu, Nguyễn Dữ… Đặc biệt là Nguyễn Thị Duệ, nữ Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam.

Hải Dương hiện đang lưu giữ khối lượng lớn văn hoá vật thể và phi vật thể đa dạng, độc đáo với 1.098 di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng. Từ những dấu ấn thời kỳ đồ đá cũ có niên đại trên 3 vạn năm (di chỉ ở hang Thánh Hoá, núi Nhẫm Dương, Kinh Môn) đến những di chỉ, di vật có giá trị của thời đại đồ đồng (tại Ðồi Thông, Kinh Môn; Hữu Chung, Tứ Kỳ; làng Gọp, Thanh Hà)... Văn hoá Lý, Trần, Lê, Nguyễn là dòng chảy liên tục và rực sáng trên vùng đất này, đã tạo nên một không gian văn hoá đặc biệt với 127 di tích được xếp hạng quốc gia mà tiêu biểu là các di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Văn miếu Mao Điền, đền Xưa – chùa Giám – đền Bia. Di tích và con người hoà quyện. Hải Dương còn là nơi lưu giữ lịch sử về ba danh nhân vĩ đại của đất nước và thế giới, đó là Trần Hưng Ðạo - danh nhân quân sự, Nguyễn Trãi - danh nhân văn hoá, Chu Văn An - người thầy của muôn đời.

Văn hoá xứ Ðông là truyền thống của những phong tục, tập quán, lối sống tốt đẹp, lành mạnh của cộng đồng dân cư, được lưu truyền và thể hiện qua các lễ hội truyền thống. Điển hình là các lễ hội chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc cùng 566 lễ hội truyền thống khác. Hải Dương còn nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo với "Chiếng chèo Ðông" của vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhiều loại hình văn nghệ dân gian như tuồng, múa rối nước, xiếc, hát ca trù, hát trống quân, hát đối, hát ru, ca dao, tục ngữ cũng tồn tại, lưu truyền đời đời trên mảnh đất này. Từ vốn văn hóa truyền thống phong phú ấy đã bộc lộ những nét nhuần nhị, trữ tình, lạc quan, đầy lãng mạn trong tính cách của người xứ Ðông.

Văn hoá xứ Ðông mang đặc trưng của sự cần cù lao động, sáng tạo, được hình thành, đi lên bằng sức lao động của con người. Người Hải Dương đã tạo ra những sản vật truyền thống như gạo nếp cái hoa vàng, vải thiều, bánh đậu xanh, bánh gai, mắm rươi, mắm cáy... Hải Dương còn là quê hương của nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng như chạm khắc đá Kính Chủ (Kinh Môn), chạm khắc gỗ Ðông Giao (Cẩm Giàng), kim hoàn - vàng bạc Châu Khê (Bình Giang), gốm Chu Ðậu (Nam Sách), khắc ván in Hồng Lục - Liễu Tràng (Gia Lộc)... Những sản phẩm từ các làng nghề truyền thống này thể hiện sự sáng tạo khéo léo, tài hoa của con người xứ Ðông.

Có thể nói giá trị cốt lõi của văn hóa xứ Đông - Hải Dương chứa đựng đầy đủ những giá trị của văn hóa Việt Nam và mang đậm nét giá trị văn hóa truyền thống của người Hải Dương, đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo; sự tinh tế, tính giản dị; hiếu học, khéo léo, tài hoa, lạc quan, lãng mạn, khát vọng, vượt khó.

“Những người con của Hải Dương nay, xứ Đông xưa, luôn tự hào về truyền thống đấu tranh kiên trung, bất khuất và truyền thống văn hóa tốt đẹp của của mảnh đất “Địa linh, Nhân kiệt”, nơi “Ánh sáng mặt trời tỏa sáng miền Duyên hải” đã và đang nỗ lực kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống hôm nay” đồng chí Phạm Xuân Thăng khẳng định.

 Hội nghị cộng tác viên toàn quốc năm 2021 của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ, kế thừa và kế tiếp những truyền thống và thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển Hải Dương, 5 năm qua, nhiệm kỳ 2016-2020, Hải Dương đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội với những cơ cấu các ngành nghề, dịch vụ phát triển đa dạng, hiệu quả, hiện đại… góp phần tạo nên một bước quan trọng trên con đường đưa Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể 5 năm qua, kinh tế Hải Dương tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 8,1%/năm; quy mô kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015 (đứng thứ 11 trong toàn quốc). GRDP bình quân đầu người đạt 69,8 triệu đồng (đứng thứ 19 trong toàn quốc). Thu ngân sách vượt mốc 20.000 tỷ đồng từ năm 2019. Từ năm 2017, Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu, chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương.

Năm 2021, với chủ đề “Vượt khó, Tăng tốc”, Hải Dương đã thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu chủ yếu, nổi bật kinh tế có mức tăng trưởng khá, với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,6% (đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 8 trong toàn quốc).

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng cho biết, trong quá trình phát triển, Hải Dương đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp có lợi thế và dịch vụ, qua đó, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 90,3% GRDP của tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,4%/năm; quy mô ngành công nghiệp năm 2020 gấp 2,0 lần năm 2015. Nổi bật là một số sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực sản xuất ổn định và tăng khá cao. Bước đầu hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, Hải Dương có 10 khu công nghiệp được đầu tư hạ tầng đồng bộ; có 38 cụm công nghiệp được thành lập; 8 cụm công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng. Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề  tiếp tục có bước phát triển về chiều sâu, sản phẩm khá đa dạng.

Đáng chú ý, trong xây dựng nông thôn mới, 100% các xã và cấp huyện về đích xây dựng nông thôn mới; 43 xã đạt chuẩn nâng cao; 04 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; đang hoàn thiện thủ tục đề nghị công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được Hải Dương thực hiện chủ động, quyết liệt, sáng tạo, phát huy sức mạnh của nhân dân với hơn 11.000 Tổ COVID-19 cộng đồng. Đặc biệt, đã thể hiện rõ vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, xã hội phòng chống dịch với tiếp nhận hơn 205 tỷ đồng ủng hộ Quỹ toàn dân ủng hộ phòng chống dịch và Quỹ vaccine phòng COVID -19.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được duy trì tốt. Giáo dục toàn diện được giữ vững; chất lượng học sinh giỏi quốc gia tiến bộ vượt bậc, xếp thứ 5 toàn quốc, có 01 huy chương Vàng Olimpic quốc tế môn Hóa học. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên…

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng khẳng định, Hải Dương đạt được những kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ, trong năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất cao chủ đề năm 2022 của tỉnh là "Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá" với quyết tâm phấn đấu tổng giá trị sản phẩm tăng từ 10% trở lên; thu ngân sách nội địa tăng ít nhất 10% so với kế hoạch.

Đặc biệt, toàn tỉnh mở một chiến dịch thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI vào tỉnh để nhanh chóng lấp đầy các khu, cụm công nghiệp mới. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư; rút ngắn thời gian đáng kể thực hiện thủ tục đầu tư các dự án đầu tư so với quy định của pháp luật và so với thời gian thực tế hiện nay. Tập trung đẩy nhanh tiến độ hơn nữa việc triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; các công trình trọng điểm phát sinh, công trình kết nối liên thông, liên vùng tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển kinh tế; các công trình y tế, giáo dục... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp như các hạ tầng công nghiệp, các dự án phát triển đô thị, dịch vụ của các nhà đầu tư lớn; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai...

Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển bứt phá, nâng tầm vị thế Hải Dương

Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng chia sẻ, với khát vọng vươn lên, trong chặng đường mới, tuy còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng với bề dày kinh nghiệm 80 năm xây dựng, trưởng thành, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 đã thể hiện rõ mục tiêu khát vọng phát triển là phát triển trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 để tạo ra tầm vóc mới, diện mạo mới, vị thế mới.

Cụ thể phương hướng, mục tiêu trong thời gian tới tập trung khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh để phát triển nhanh, bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Hải Dương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân... Với quan điểm phát triển xuyên suốt, bao trùm: Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương.

 “Hải Dương đã lựa chọn con đường phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số; gọi tắt là Xanh - Số. Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, đồng chí Phạm Xuân Thăng chia sẻ.

Đồng chí Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng kỷ niệm chương vì sự phát triển  Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho đồng chí Phạm Xuân Thăng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ và đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Uỷ viên Ban Thường vụ,Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương.

Hải Dương đã xác định chiến lược phát triển là “Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, ba đô thị động lực - Ba trục phát triển”. Cụ thể, Bốn trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; Nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; Dịch vụ chất lượng cao; Đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Trong đó, lấy phát triển công nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn để dẫn dắt phát triển dịch vụ, nông nghiệp và đô thị.

Ba nền tảng: Văn hóa và con người Hải Dương; Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch; Hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Một trung tâm và Ba đô thị động lực: trung tâm phát triển là thành phố Hải Dương và các đô thị động lực Chí Linh, Kinh Môn, Bình Giang. Ba trục phát triển: Trục Bắc - Nam, Trục Đông - Tây, Trục sông Thái Bình.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cho biết Hải Dương xác định 3 khâu đột phá là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo. Huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh, để đạt được kết quả quan trọng trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ, tạo động lực cho toàn hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ mà Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy là hạt nhân chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bày tỏ mong muốn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban, bộ, ngành Trung ương cùng các cơ quan hữu quan, trong đó có các cơ quan báo chí, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, đồng hành cùng với Hải Dương thực hiện chiến lược phát triển "tăng trưởng xanh, chuyển đổi số", hiện thực hóa khát vọng và mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 và trở thành trung tâm lớn về công nghiệp, dịch vụ, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng.

“Chắc chắn rằng, với khát vọng vươn lên, cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Hải Dương quyết tâm phát huy ý chí, khát vọng và sức mạnh đoàn kết, không ngừng đổi mới, sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, sớm xây dựng Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh./.

 Hải Dương là tỉnh nằm trong Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, trong không gian phát triển Vùng Thủ đô Hà Nội; có 12 đơn vị hành chính, diện tích tự nhiên 1.670 km2 với dân số trên 1,95 triệu người. Đảng bộ tỉnh Hải Dương có 15 đảng bộ trực thuộc, 678 tổ chức cơ sở đảng với trên 108 nghìn đảng viên.

Phạm Cường - Thành Chung

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN