Khoái Châu (Hưng Yên): Xe quá tải tung hoành cày nát đường dân sinh
(ĐCSVN) - Nhiều năm nay, người dân các xã ven đê như: Đông Kết, Tân Châu, Đông Ninh (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) vô cùng bức xúc trước tình trạng những đoàn xe quá tải chở cát, đá, gạch… chạy rầm rầm suốt ngày đêm, băm nát các con đường liên xã, khiến việc đi lại cũng như môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sống trong lo lắng...
Có mặt tại các tuyến đường trên, chúng tôi thấy, toàn tuyến đường ĐT 209 bị cày nát. Trên mặt đường xuất hiện vô số những ổ voi, ổ gà,…như thể những cái bẫy chết người luôn rình rập người và phương tiện qua lại, nhất là với xe máy, xe đạp.
Mùa khô, nếu qua lại con đường trên, người ta phải khốn khổ trước cảnh bụi tung mù trời. Về mùa mưa thì mặt đường trở nên nhão nhoét, sình lầy, xe máy qua lại thường xuyên bị quay ngang, đã có nhiều tai nạn xảy ra…
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tuyến đường ĐT 209 là đường bao đê ngăn lũ sông Hồng thuộc các xã Đông Kết, Tân Châu, Đông Ninh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Nhiều năm qua, những con đường trên đã bị những đoàn xe quá tải, siêu trường, siêu trọng chở vật liệu xây dựng “băm nát” không thương tiếc cả ngày lẫn đêm. Tình trạng đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân, gây môi trường ô nhiễm. Trước thực tế đó, người dân địa phương đã nhiều lần kêu cứu lên các cơ quan chức năng, nhưng không hiểu sao cho đến nay tình trạng trên vẫn chưa được xử lý.
Ông Trần Văn Tiến, nhà ở xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu cho biết: "Nhà tôi nằm ngay cạnh mặt đường ĐT 209, ngày nào cũng chứng kiến hàng trăm lượt xe ô tô chở gạch, cát,… chạy ầm ầm từ đường rồi lên đê. Các tài xế cho xe chạy như “đua” trên đường để tính chuyến ăn tiền. Cứ khoảng 5 - 7 phút lại thấy 1 chiếc xe chở đầy ắp cát rơi vung vãi, bụi bay mù mịt. Có khi, cát mới hút lên xe đi đến đâu nước chảy đến đó... Đi qua các đoàn xe như vậy, quần áo tôi cũng bẩn như đi cày. Bụi từ các xe bay mù mịt khiến tất cả các hộ dân phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm. Có những xe chở đầy ắp gạch ước tính cả vạn viên lừng lững tiến vào băm nát con đường..."
(Ảnh chụp tại địa bàn xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).
“Mỗi lần phải đối mặt với những đoàn xe tải lao qua, nhà cửa của tôi cứ như rung lên, một phần do nền đường yếu, phần nguyên nhân chính do những chiếc xe chở quá trong tải. Kinh hãi hơn khi những xe này lọt vào ổ gà, ổ voi, lúc nghiêng bên này, khi ngả bên kia phát ra tiếng kêu cót két rợn người như chỉ chực đổ kềnh ra đường, uy hiếp những người đang lưu thông trên đường…” – ông Nguyễn Quốc Tuấn, nhà ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu bức xúc cho biết.
Còn bà Nguyễn Thị Sang ở xã Đông Kết bày tỏ: "Tôi không hiểu vì lý do gì mà những đoàn xe quá tải trọng gấp 4 đến 5 lần (28 – 35 tấn) được cho phép chạy cả ngày lẫn đêm hàng năm trời. Xe phá đường, trong vùng thì các lò gạch mọc ra như nấm thải khí độc hủy hoại môi trường, sức khỏe cộng đồng và hủy hoại cây xanh. Hàng ngày, những lò gạch này sản xuất ra hàng trăm vạn gạch, chất đầy các xe quá khổ, quá tải chở đi tiêu thụ khắp nơi. Chúng tôi đã quá mệt mỏi, quá ngột ngạt trước tình trạng này. Mong cơ quan cấp trên sớm can thiệp, trả lại đường và môi trường cho chúng tôi…".
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Duẩn - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Ninh cho biết: Tuyến đường ĐT 209 được làm bằng bê tông có chiều dài 3,5 km chạy qua địa bàn quản lý của 3 xã (Đông Kết, Tân Châu, Đông Ninh), nhưng có tới 06 nhà máy sản xuất gạch Tuynel (Công ty Đỗ Kính, Đại Nam, Hoàng Thành, Thành Phát, Vinh Kiểm, Châu Giang). Hàng ngày, những nhà máy này sản xuất ra vài chục vạn viên gạch đưa ra thị trường tiêu thụ và nhập nguyên liệu về đều đi trên con đường này.
Qua quan sát thì hầu hết những xe ô tô chở gạch đều quá khổ, quá tải, xe ít thì chở 5 - 7 nghìn viên, xe nhiều thì 1,3 - 1,5 vạn viên (mỗi viên gạch nặng khoảng 2kg). Như vậy, có lúc con đường có tải trọng giới hạn 7 tấn này phải cõng tải gấp 4 -5 lần. Chưa kể những xe tải chở cát ướt nặng từ 50 - 60 tấn. Trong khi đó, cấp xã không có quyền hạn xử lý xe vi phạm nên UBND xã nhiều lần phản ánh lên cấp huyện giải quyết. Huyện đã cử CSGT về tuần tra xử lý xe vi phạm thì tình hình có khá hơn. Nhưng khi CSGT rút thì đâu lại vào đấy, thậm chí còn "tấp nập" hơn trước. Và cũng từ lâu lắm rồi, chẳng có đội CSTG hay đoàn kiểm tra liên ngành nào về xử lý xe quá tải nữa.
Ông Lê Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu cho biết: Chuyện xe quá tải trên con đường ĐT 209 này và các con đường khác trên địa bàn là có thật. Chúng tôi cũng đã cử các lực lượng chức năng về tuần tra xử lý vi phạm. Vì địa bàn huyện rộng, lực lượng tuần tra xử lý lại mỏng nên không thể duy trì cắm chốt được lâu. Khi lực lượng chức năng rút thì tình trạng quá tải lại tái diễn. UBND huyện cũng vừa có công văn đề xuất lên UBND tỉnh Hưng Yên xin kinh phí nâng cấp, sửa chữa đường ĐT 209 cùng các tuyến đường khác và đã được UBND tỉnh phê chuẩn, đến đầu năm 2017 sẽ bắt đầu khởi công.
Việc xe quá tải tồn tại nhiều năm nay trên địa bàn các xã Đông Kết, Tân Châu, Đông Ninh đã và đang gây lên nhiều hệ lụy cho người dân nơi đây. Tình trạng xe quá tải tung hoành đã phá vỡ đi công năng cơ bản của con đường. Để xảy ra việc trên, các cơ quan chức năng địa phương cũng cần xem xét lại trách nhiệm trong công tác quản lý.
Đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cần sớm quyết liệt vào cuộc, tăng cường tuần tra xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải; đồng thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh nghiêm tình trạng xe quá tải lộng hành phá đường. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải của các công ty sản xuất gạch trên địa bàn là tác nhân chính gây ra hiện tượng trên./.