Khoái Châu (Hưng Yên): Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa
(ĐCSVN) - Phát huy tốt tiềm năng sẵn có, cùng với những định hướng hợp lý, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) đang có những bước tiến mạnh mẽ trên cơ sở gắn sản xuất với thị trường, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa…
Với diện tích trồng chuối vào khoảng 30 mẫu, bình quân mỗi năm trang trại chuyên canh chuối tiêu hồng của gia đình anh Phạm Năng Thành ở xã Đại Tập, huyện Khoái Châu cung ứng 200 tấn chuối đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Trung Quốc và cung ứng hàng vạn cây giống cho nông dân địa phương. Hàng năm, chuối tiêu hồng mang lại doanh thu cho gia đình anh Thành lên tới trên 1 tỷ đồng. Được biết, không chỉ ở xã Đại Tập, cây chuối tiêu hồng đang được phát triển mạnh ở Khoái Châu do đem lại giá trị kinh tế cao. Theo đó, Khoái Châu là huyện có diện tích trồng chuối nhiều nhất tỉnh Hưng Yên với trên 900 ha. Diện tích này tập trung chủ yếu ở các xã vùng bãi như: Tứ Dân, Đông Kết, Đại Tập, Tân Châu, Hàm Tử, Dạ Trạch,... Nhờ được trồng trên vùng đất bãi bồi ven sông lớn, màu mỡ phù sa nên sản phẩm chuối tiêu hồng ở Khoái Châu có quả to, đẹp, màu sắc vàng tươi, vị thơm ngon đặc trưng và luôn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Cùng với chuối tiêu hồng, việc chuyên canh cây nghệ cũng đang giúp hàng nghìn hộ nông dân ở huyện Khoái Châu có thêm thu nhập. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu, với sự ưu đãi của thiên nhiên và sự quan tâm của chính quyền các cấp, đến nay tổng diện tích trồng nghệ của toàn huyện đã đạt gần 300 ha, tập trung nhiều ở một số xã như Chí Tân, Nhuế Dương, Đại Tập, Đại Hưng, Thuần Hưng... Năm 2017 vừa qua, sản lượng nghệ toàn huyện đạt trên 9.000 tấn các loại. Theo tìm hiểu của phóng viên, do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và được chăm sóc tốt nên năng suất cây nghệ ở Khoái Châu thường đạt bình quân từ 10 - 12 tấn củ/mẫu. Với mức giá thu mua tại ruộng vào khoảng 25 - 35 nghìn đồng/kg (tùy theo loại và chất lượng nghệ thương phẩm), thu nhập từ cây nghệ mang lại cho người nông dân Khoái Châu ước cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều hộ trồng nghệ ở huyện Khoái Châu đã không chỉ sản xuất và kinh doanh nghệ tươi mà còn mạnh dạn đầu tư trang, thiết bị chế biến các sản phẩm từ nghệ như tinh bột nghệ, bột nghệ... Do vậy, đã giúp nâng cao giá trị của cây nghệ, đa dạng hoá các loại sản phẩm từ nghệ và tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đến nay, toàn huyện Khoái Châu đã có 25 cơ sở chế biến các sản phẩm từ nghệ. Không chỉ có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước, các sản phẩm như tinh bột nghệ, bột nghệ... của người nông dân Khoái Châu đã bước đầu được xuất sang một số thị trường nước ngoài như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…
Được biết, chuối tiêu hồng và nghệ chỉ là hai trong số khá nhiều loại cây trồng, vật nuôi “có tiếng” của nông dân Khoái Châu. Có thể kể đến là gà Đông Tảo, lợn sạch, dê thả bãi, nhãn Miền Thiết, bưởi, cam, chuối tây… Năm 2017 vừa qua, trong điều kiện còn gặp một số khó khăn song giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện Khoái Châu ước đạt trên 1.994 tỷ đồng, tăng 2,73% so với năm 2016. Đạt được kết quả nói trên, có sự đóng góp không nhỏ của việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đến đầu năm 2018, Khoái Châu đã có khoảng 3602,8 ha cây ăn quả các loại; trong đó diện tích nhãn 1.600 ha, bưởi 467,4 ha, chuối 823 ha, cam 194,6 ha... Kết thúc năm 2017, sản lượng nhãn toàn huyện đạt hơn 12.600 tấn với giá trị kinh tế trên 315 tỷ đồng; diện tích cây nghệ đạt gần 300 ha; sản lượng bưởi trên 3,5 triệu quả; sản lượng cam ước đạt 2.300 tấn; sản lượng chuối các loại đạt trên 66.400 tấn, trong đó chuối tiêu hồng ước đạt 37.000 tấn...
Đồng chí Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu chia sẻ: “Thực tế phát triển sản xuất nông nghiệp ở huyện Khoái Châu những năm qua cho thấy, chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đang trở thành động lực thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa với những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đang thực sự là hướng phát triển kinh tế hiệu quả giúp nông dân tại nhiều xã trên địa bàn huyện có thêm thu nhập, phát triển đời sống”. Hiệu quả thu được từ việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp cũng đã góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở huyện Khoái Châu. Đến hết quý I năm 2018, bình quân các xã trên địa bàn huyện đã đạt 17,42 tiêu chí/xã, có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới; còn lại 02 xã đạt 14 tiêu chí; 10 xã đạt 15-18 tiêu chí...
Theo UBND huyện Khoái Châu, mục tiêu của địa phương trong năm 2018 là sản xuất nông nghiệp tăng 2,8% (so với năm 2017); giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 195 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người là 55 - 58 triệu đồng/người/năm... Để hiện thực hóa những mục tiêu nói trên, thời gian tới, huyện Khoái Châu sẽ tiếp tục tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng, thực hiện Đề án “Mỗi xã gắn với một sản phẩm nông nghiệp”; đẩy mạnh chuyển đổi và phát triển mô hình “Cánh đồng liên kết sản xuất”, vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, quy mô lớn gắn với các mô hình sản xuất mới, sản xuất theo chuỗi, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, xây dựng và giữ vững thương hiệu nông sản của huyện; phát huy vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trong thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói, gắn sản xuất với thị trường, đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa đang dần trở thành “chìa khóa” quan trọng giúp Khoái Châu khai thác tốt các tiềm năng sẵn có, từng bước tăng giá trị kinh tế trên mỗi ha canh tác cũng như nâng cao thu nhập và phát triển mọi mặt đời sống nông dân./.