Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khoa học và công nghệ góp phần thúc đẩy kinh tế biển Đà Nẵng phát triển

Thứ Tư, 01/11/2023 18:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Những năm qua, Đà Nẵng luôn quan tâm phát triển lợi thế về kinh tế biển. Trong những nỗ lực đó, lĩnh vực khoa học và công nghệ đang từng bước khẳng định vai trò, sự đóng góp để góp phần đưa Đà Nẵng thành địa phương mạnh về biển.

 Thông qua những nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, thời gian qua, TP Đà Nẵng cũng đồng thời góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và giữ vững chủ quyền biển đảo

Nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế biển (KTB) đối với sự phát triển của Thành phố (TP) nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung; đồng thời thông qua những nỗ lực thúc đẩy phát triển KTB để góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và giữ vững chủ quyền biển đảo, những năm qua các cấp uỷ, chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng đã có nhiều quan tâm, đầu tư thúc đẩy các lĩnh vực liên quan đến KTB.

Trong những nỗ lực đó, đáng kể là gắn với phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, các ngành tại Đà Nẵng rất quan tâm để có những chủ trương, giải pháp, chương trình, đề án liên quan đến KTB, nhất là tập trung khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế vùng biển, ven biển, đảo kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia trên biển.

Đặc biệt, từ năm 2017, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 5245/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Phát triển ngành kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, Đề án xác định mục tiêu tăng trưởng dịch vụ KTB từ 12 - 15%; tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2016 - 2025 đạt 13 - 14% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 13%; khối lượng hàng hoá qua cảng đến năm 2025 đạt 12 - 13 triệu tấn/năm và tốc độ tăng trưởng hàng container giai đoạn 2020-2025 đạt 10 - 15%/năm; tốc độ tăng trưởng sản lượng thuỷ sản chế biến xuất khẩu đến năm 2025 đạt 12 - 13%/năm và đến năm 2030 đạt 8-10%/năm.

Cạnh đó, Đề án cũng nêu rõ là bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch mới như thể thao biển, công nghiệp du thuyền… thì cơ sở hạ tầng du lịch ven biển, năng lực cho hướng dẫn viên du lịch về chủ quyền biển, đảo cũng phải được tăng cường; đồng thời TP tập trung hoàn thiện, phát triển cảng biển Đà Nẵng trở thành cảng cửa ngõ quốc tế theo 02 khu vực Tiên Sa và Liên Chiểu. Trong đó, khu cảng Tiên Sa phục vụ hành khách, đầu tư khu bến chuyên biệt cho tàu du lịch; khu cảng Liên Chiểu phục vụ hàng container, hàng tổng hợp và hàng lỏng. Đồng thời, Đà Nẵng cũng xúc tiến đầu tư xây dựng các cảng cạn để đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hoá, nhu cầu vận chuyển hàng hoá qua hành lang Kinh tế Đông - Tây, đặc biệt là hàng hoá được vận chuyển bằng container.

 Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành thành phố phát triển KTB bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước

Sau việc ban hành Quyết định 5245/QĐ-UBND vừa kể, năm 2019 Thành uỷ Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động số 28-Ctr/TU về phát triển bền vững kinh tế biển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với Chương trình hành động này, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm KTB lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành KTB; đến năm 2045 Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển KTB bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Cũng theo Chương trình hành động trên, Đà Nẵng xác định 06 ngành KTB để ưu tiên phát triển đột phá gồm: Du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, công nghiệp ven biển, khai thác các tài nguyên - khoáng sản biển khác.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, nhiều chủ trương, giải pháp được các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, thực hiện bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực.

Riêng đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), nhiều năm qua TP đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đề xuất các giải pháp, góp phần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế KTB hiện có, lượng hàng hoá các giá trị tài nguyên biển; đánh giá các áp lực, rủi ro đối với tiền năng biển của địa phương; xác định các hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong việc khai thác, quản lý các ngành KTB, kinh tế thuần biển nhằm đề xuất giải pháp quản lý và phát triển bền vững các ngành KTB cần được ưu tiên thực hiện trước mắt…

Chia sẻ những kết quả và nỗ lực đóng góp của lĩnh vực KH&CN đối với sự phát triển KTB của TP Đà Nẵng thời gian qua, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng Lê Đức Viên cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2023, địa phương đã triển khai 09 nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố với tổng kinh phí hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp KH&CN là 5,15 tỷ đồng. Trong các nghiên cứu này, Đà Nẵng đã tập trung hỗ trợ các mục tiêu, nhiệm vụ như hỗ trợ công nghệ bảo quản, hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các tàu đánh bắt xa bờ; điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ hải sản; nghiên cứu chính sách, giải pháp phát triển bền vững tổ hợp tác khai thác hải sản gắn với nhiệm vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng trên biển; nghiên cứu giải pháp tăng sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư vùng ven biển trong bối cảnh mới; đánh giá tiềm năng KTB Đà Nẵng và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững các ngành KTB, các ngành kinh tế thuần biển…

Song song đó, Giám đốc Sở KH&CN TP Đà Nẵng cũng cho hay, ngành KH&CN thành phố đã và đang đặc biệt chú trọng đầu tư các nghiên cứu về tư liệu quần đảo Hoàng Sa, chủ quyền biển, đảo, qua đó thu thập và tổng hợp được các nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước như: Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của Chính quyền Việt Nam Cộng hoà giai đoạn 1954 - 1975; Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa thành phố Đà Nẵng; xây dựng kỷ yếu về huyện đảo Hoàng Sa; xây dựng cơ sở dữ liệu và các giải pháp truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa cho học sinh trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông (ở TP Đà Nẵng)…

Hoạt động tham quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày Hoàng Sa (TP Đà Nẵng)

“Trong các kết quả đã được sử dụng phục vụ các triển lãm, Hội thảo về Hoàng Sa được tổ chức tại Đà Nẵng và mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó cụ thể nhất là ngày 20/01/2013, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng và Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng tổ chức cuộc triển lãm giới thiệu tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được xem là “đột phá khẩu” trên mặt trận ngoại giao học thuật nói chung và trong “cuộc chiến bản đồ” nói riêng; ngày 29/3/2013, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Sở Ngoại vụ, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức cuộc triển lãm Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử dành riêng cho các cơ quan ngoại giao, doanh nhân và người nước ngoài đang học tập, công tác tại Đà Nẵng; ngày 19/01/2014, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng tổ chức triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử; ngày 21/6/2014 trường Đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng tổ chức triển lãm Hoàng Sa- Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 3/2018, Nhà trưng bày Hoàng Sa đã tổ chức triển lãm Tư liệu báo chí về Hoàng Sa nhằm giới thiệu những tư liệu báo chí quý về Hoàng Sa và ghi nhận những đóng góp của các cơ quan báo chí cùng đội ngũ phóng viên đã tác nghiệp vì chủ quyền biển đảo”- Giám đốc Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng Lê Đức Viên thông tin và cho biết thêm, với những đóng góp quan trọng đó, nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển KTB mà lĩnh vực KH&CN nói riêng, các lĩnh vực khác nói chung đã góp phần khẳng định hướng đi đúng của Đà Nẵng những năm qua trong việc phát huy, khai thác tiềm năng, lợi thế về biển, đưa Đà Nẵng thành địa phương mạnh về biển./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN