Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khó khăn trong xử lý rác thải xây dựng

Thứ Hai, 14/12/2015 17:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Những năm gần đây Quảng Ninh có tốc độ đô thị hoá nhanh, nhiều công trình xây dựng mọc lên khiến lượng chất thải xây dựng cũng tăng nhanh, chiếm đến 10% lượng chất thải rắn đô thị. Khi việc chỉnh trang đô thị được ưu tiên như hiện nay, lượng rác thải rắn xây dựng thải ra với số lượng lớn là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng “tiện đâu đổ đó” lại là cách mà nhiều người dân, doanh nghiệp đang áp dụng đối với việc xử lý loại chất thải nguy hại này. 


Ảnh minh họa

Đối với các công trình lớn, xây dựng nhiều tầng, vữa gạch bê tông của những công trình cũ đập ra được chủ thi công công trình hợp đồng cho xe tải đến vận chuyển, đổ đi nơi khác. Tuy nhiên, số rác thải xây dựng đó được chở đi đổ ở đâu thì không ai quan tâm đến. Do đó, thường bãi đáp cuối cùng của nó sẽ là một bãi đất trống nào đó nằm ở vùng ven đô thị, lâu dần biến những bãi đất này thành bãi thải, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Hơn thế, việc lén lút đổ trộm gạch vữa vào ban đêm cũng gây ra không ít phiền phức cho nhiều người dân. Bà Nguyễn Thị Nga, một người dân sống tại khu 3, phường Cao Xanh, TP Hạ Long than phiền: Có hôm, mới sáng mở cổng ra ngoài tôi đã thấy ngay một đống gạch vữa xi măng thải ở khu đất trống cách nhà tôi 200m, lâu dần chỗ đó cũng thành một bãi rác mini ngay mặt đường, tập hợp cả những rác thải sinh hoạt hằng ngày, rất ô nhiễm mà còn không đẹp mắt.

 Gạch, vữa, xi măng thải trong ngành xây dựng được xếp vào loại chất thải nguy hại, khó phân huỷ. Thế nhưng việc quản lý và xử lý nó hiện nay vẫn là bài toán chưa có lời giải. Đến hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn chưa có quy hoạch các bãi rác thải xây dựng. Hầu hết ở các địa phương chất thải này đều được đổ chung với rác thải sinh hoạt tại bãi chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt. Nguyên nhân do công trình xây dựng có quá nhiều nên cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết tất cả các công trình. Mặc dù, khi các công trình tiến hành xây dựng đều phải qua Phòng Quản lý đô thị để xin giấy phép và ký yêu cầu bắt buộc hợp đồng với Công ty công trình đô thị để xử lý chất thải, nhưng đa số các nhà thầu thường thuê xe tải vận chuyển chất thải xây dựng đi đổ, và khoảng cách giữa công trình với nơi thải bỏ thường cách xa nhau nên rất khó để kiểm soát.

 Hiện nay Quảng Ninh đã có quy hoạch chất thải rắn của tỉnh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Cụ thể, đến năm 2010 thu gom được 90%, xử lý được 85% lượng rác thải sinh hoạt tại các trung tâm đô thị và 100% địa phương cấp huyện có bãi rác hợp vệ sinh; đến năm 2020 thu gom được 100% lượng rác thải tại các trung tâm đô thị và các khu dân cư tập trung ở vùng nông thôn bằng những công nghệ phù hợp; 100% địa phương cấp xã có bãi rác hợp vệ sinh với công nghệ xử lý CTR phù hợp và hiện đại. Quy hoạch thì như vậy nhưng việc triển khai trên thực tế còn nhiều khó khăn, tồn tại, nhất là trong quản lý và xử lý việc đổ trộm rác thải xây dựng.

 Với tốc độ đô thị hoá nhanh như hiện nay, rõ ràng việc các địa phương đều phải có quy hoạch một bãi thải xây dựng và các giải pháp xử lý rác thải trong xây dựng là việc làm cấp thiết để bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.

TH (Tổng hợp)

 

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN