Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khi trí thức trẻ ưu tú “gần dân, bám địa bàn”

Thứ Năm, 20/07/2017 07:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sau hơn 6 năm được tuyển chọn, bố trí làm Phó Chủ tịch UBND xã ở 44 xã thuộc 5 huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng, hầu hết các trí thức trẻ đã phát huy tốt năng lực, được chính quyền và người dân địa phương tin tưởng, đánh giá cao...


Trí thức trẻ Hà Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Sỹ (Hà Quảng) hướng dẫn
bà con kỹ thuật trồng ngô giống mới (Ảnh - Hoàng Mai)

Hoà mình trong các phong trào của địa phương

Thực hiện Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo, tỉnh Cao Bằng đã tuyển chọn được 44 trí thức trẻ ưu tú về làm Phó Chủ tịch UBND xã tại 5 huyện nghèo: Thông Nông, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng. Địa bàn các trí thức này nhận nhiệm vụ đều là những khu vực miền núi biên giới, trình độ dân trí ở nhiều địa phương còn thấp, không đồng đều, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giao thông đi lại khó khăn, nguồn nhân lực yếu và thiếu… Song với sự chung tay của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương và sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của các đội viên, đến nay những trí thức trẻ ở Cao Bằng đã có những đóng góp cụ thể, thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương được phân công.

Ngay khi được bố trí về xã công tác, các trí thức trẻ đã nhanh chóng làm quen với môi trường mới; tích cực khắc phục khó khăn, chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở xã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Quá trình công tác cho thấy, hầu hết các trí thức trẻ đã mạnh dạn tham mưu xây dựng, đưa vào thực hiện nhiều tiểu đề án, mô hình phát triển kinh tế xã hội có hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tiêu biểu như chị Hà Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Sỹ (Hà Quảng) với mô hình hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng ngô giống mới. Với nhiệt huyết và tri thức của tuổi trẻ, chị Mai đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND xã Hồng Sỹ sử dụng nguồn kinh phí đầu tư phát triển sản xuất thuộc Chương trình 30a để thực hiện hỗ trợ kỹ thuật giống ngô mới cho người dân trồng trên diện rộng. Kết quả, sau 2 năm triển khai, năng suất, sản lượng ngô ở xã Hồng Sỹ đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, 100% diện tích trồng ngô của bà con đã được thay thế bằng các loại giống mới với năng suất  và giá trị kinh tế cao như các giống: PAC999 Super, PAC339, NK 6326, NK 7828... Năng suất trung bình đạt từ 70 - 72 tạ/ha, cao hơn hẳn các giống ngô truyền thống.

Cũng tại huyện Hà Quảng, anh Đặng Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn đã không ngại khó, ngại khổ tìm tòi, lặn lội đến từng thôn, bản trong xã để hiểu về cuộc sống của bà con. Mặc dù là Phó Chủ tịch phụ trách mảng văn hóa xã hội nhưng ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn về công tác phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, trường học văn hóa..., anh Kiên còn tham gia triển khai thành công nhiều mô hình phát triển kinh tế ở địa phương như: Mô hình trồng thử nghiệm cây mía tím; Mô hình chăn nuôi lợn bản địa... Những sáng kiến của Phó Chủ tịch xã trẻ Đặng Trung Kiên đã đóng góp đáng kể vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của xã Thượng Thôn với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 46,2% năm 2012 xuống còn 24,9% năm 2016.

Được biết, chị Hà Thị Mai và anh Đặng Trung Kiên chỉ là hai trong số rất nhiều trí thức trẻ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sau khi được phân công về đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch UBND xã tại các xã nghèo của tỉnh Cao Bằng. Vượt qua khó khăn về điều kiện sinh hoạt, rào cản về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, những chàng trai, cô gái thế hệ 8x đã mang theo năng lực, tâm huyết, niềm tin đến các xã khó khăn, góp sức cùng cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc xây dựng cuộc sống mới ngày càng tươi đẹp.

Thêm động lực phát triển kinh tế xã hội địa phương

Đó là quan điểm chung của cấp uỷ đảng các cấp tại các huyện Thông Nông, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Hà Quảng khi đánh giá về hiệu quả công tác của 44 trí thức trẻ trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã trong những năm qua. Theo đó, tại các huyện thực hiện dự án, với tinh thần trách nhiệm và tác phong “gần dân, bám địa bàn”, các tri thức trẻ đã thể hiện rõ năng lực, trình độ công tác; tư duy “dám nghĩ, dám làm”, tâm huyết với công việc. Vì vậy, cơ bản đã thực sự có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển mọi mặt của địa phương; góp phần vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Trong đó, điểm nhấn nổi bật mà các trí thức trẻ đã tạo lên đó là việc ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của chính quyền và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất của người dân đã được đổi mới theo hướng hiệu quả, thiết thực.

Đến nay, qua đánh giá của các địa phương, trong số 44 trí thức trẻ của tỉnh Cao Bằng có 13 người được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 27 người được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, 4 đội viên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ trên các lĩnh vực kinh tế; văn hóa xã hội; nông, lâm nghiệp. Nhiều mô hình, sáng kiến đã được các trí thức trẻ mạnh dạn tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện và được đánh giá cao, như: Mô hình phát triển cây hồi trên địa bàn xã Thái Sơn của trí thức trẻ Nguyễn Tiến Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Sơn (Bảo Lâm); Mô hình “Phát triển chăn nuôi lợn đen” của trí thức trẻ Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Quang (Bảo Lâm); Mô hình “Trồng cây thuốc lá theo hướng hàng hoá trên địa bàn xã Kim Loan giai đoạn 2012 - 2015” của trí thức trẻ Vũ Đức Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Loan, (Hạ Lang); Mô hình trồng ngô năng suất cao của trí thức Hà Thị Mai, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Sỹ (Hà Quảng)...

Đồng chí Bế Đăng Khoa, Bí thư Huyện uỷ Hà Quảng (Cao Bằng) cho biết: Đến nay, 9/9 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch các xã khó khăn trên địa bàn huyện đều hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Dù phụ trách ở lĩnh vực nào, họ cũng đều nỗ lực vượt khó, cố gắng hết mình đem trí thức và sức trẻ cùng chính quyền địa phương triển khai, thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho địa phương.

Có thể thấy, qua hơn 6 năm thực hiện nhiệm vụ được giao, các trí thức trẻ ở tỉnh Cao Bằng đã phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng; nhiệt tình xuống thôn, bản tìm hiểu phong tục, tập quán, nếp sống văn hoá, sinh hoạt của bà con nhân dân; thường xuyên hướng dẫn nhân dân áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương... Qua đó đã giúp thay đổi từng bước cách nghĩ, cách làm của đồng bào theo hướng tiến bộ; tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phươngVới hành trang tri thức, sự tự tin, bản lĩnh, lòng nhiệt huyết, 44 trí thức trẻ đã và đang chung tay cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các xã nghèo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng từng bước khắc phục khó khăn, đưa đời sống nhân dân ngày một nâng lên, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững./.

Xuân Chiến (CTV)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN