Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khi trái đất “nghẹt thở”

Thứ Bảy, 17/08/2024 13:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Năm 2024, hơn bao giờ hết, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới: Hạn hán, lũ lụt, nắng nóng, cháy rừng... Không châu lục nào thoát khỏi hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu. Và khi trái đất “nghẹt thở”, bắt buộc chúng ta phải hành động!

Sóng nhiệt thiêu đốt

Nếu như năm 2023 đã phá kỷ lục nhiệt độ thì năm 2024 dường như không thoát khỏi quy luật này khi liên tiếp tháng 6 và tháng 7 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên thế giới và ngày 22/7 vừa qua là ngày nóng nhất trong hơn 100.000 năm.

 Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng qua (giai đoạn từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024) tiếp tục phá vỡ kỷ lục. (Ảnh: IT)

Cụ thể, theo dữ liệu từ Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus (C3S), nhiệt độ trung bình toàn cầu tháng 6 là 16,6°C, cao hơn 0,67°C so với mức nhiệt trung bình của tháng này trong 30 năm. Mức nhiệt này đã phá kỷ lục về tháng 6 nóng nhất hồi năm ngoái và khiến tháng 6 năm nay là tháng có nhiệt độ cao thứ ba kể từ năm 1940, chỉ sau mức nhiệt của tháng 7 và tháng 8/2023. Và vào ngày 22/7, nhiệt độ trung bình hàng ngày trên toàn cầu đã đạt 17,15°C, mức cao kỷ lục kể từ năm 1940. Con số này vượt quá kỷ lục 17,09°C được thiết lập chỉ một ngày trước đó (21/7) và 17,08°C được thiết lập một năm trước đó (6/7/2023). Các chuyên gia cho rằng sự khác biệt nhiệt độ này là rất lớn, hơn cả mức chênh lệch thông thường.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) thì công bố số liệu cho thấy nhiệt độ trung bình của trái đất tháng 7 là 17,01°C, mức cao nhất theo ghi chép qua 175 năm của NOAA, tăng 1,21°C so với mức trung bình của thế kỷ XX.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng qua (giai đoạn từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024) tiếp tục phá vỡ kỷ lục, cao hơn 0,76°C so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020 và cao hơn 1,64°C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1900.

Hàng loạt các quốc gia châu Âu như: Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp; các nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản; các nước châu Mỹ như: Mỹ, Canada… đều đã trải qua thời tiết nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục. Theo ông Maximiliano Herrera, người ghi chép các sự kiện cực đoan, thêm 130 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận nhiệt độ theo tháng cao kỷ lục, cùng với hàng chục nghìn mức nhiệt cao được ghi nhận tại trạm giám sát từ Bắc Cực đến Nam Thái Bình Dương. Từ tháng 2 - 7/2024 là khoảng thời gian ghi nhận nhiều kỷ lục nhất về nhiệt độ. Trong đó, Mexico ghi nhận mức nhiệt lên tới 52°C tại Tepache vào ngày 20/6. Ngày 7/6, Ai Cập ghi nhận nhiệt độ cao nhất là 50,9°C tại Aswan. Ngày 1/5, Ghana đạt đỉnh mới về nhiệt độ là 44,6°C tại Navrong; trong khi Lào ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục là 43,7°C tại Tha Ngon. Và mỗi ngày đều liên tục có những kỷ lục mới được xác lập ở cấp độ địa phương.

Không những thế, Nam Cực - lục địa lạnh nhất hành tinh - cũng ghi nhận nhiệt độ cao hơn 3,1°C so với định mức theo mùa vào tháng 7. Theo ông Thomas Caton Harrison, chuyên gia tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, điều này khiến đây trở thành tháng 7 ấm thứ hai, sau tháng 7/1981, kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1979. Nhiệt độ trung bình hàng ngày dao động từ -34,68°C vào ngày 15/7 đến -28,12°C vào ngày 31/7, theo dữ liệu được đăng trực tuyến bởi Đại học Maine. Nhiệt độ trung bình là -26,6°C trên lục địa vào ngày 7/8, ngày muộn nhất hiện có. Sự bất thường thậm chí còn lên tới +9 đến +10°C vào tháng 7 trên một khu vực giới hạn bao gồm Queen Maud Land và một phần Biển Weddell.

Nhiệt độ ở biển Địa Trung Hải cũng lên tới mức kỷ lục năm thứ hai liên tiếp. Justino Martinez, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học biển Barcelona và Viện Icatmar của Catalan, cho biết nhiệt độ mặt nước biển trung bình hàng ngày đạt 28,67°C, gần với kỷ lục 28,71°C đo được vào ngày 24/7/2023.

Hạn hán và cháy rừng tăng cao

Có thể thấy, nhiều đợt hạn hán trên khắp thế giới xảy ra vào thời điểm nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục và lạm phát giá lương thực gia tăng. Mới đây, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết khu vực Nam Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, buộc Zambia, Malawi và Zimbabwe phải tuyên bố tình trạng thảm họa.

Nắng nóng kèm theo thiếu hụt lượng mưa cũng khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng ở nhiều nơi là rất cao, gây thiệt hại về rừng, môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng và đời sống của người dân. Mới đây, tại thành phố Cuenca của Tây Ban Nha, 2 thị trấn đã bị phong tỏa để bảo vệ cư dân khỏi khói độc. Trong khi đó, ở tỉnh Alicante, khoảng 300 người dân đã được sơ tán. Cơ quan khí tượng Tây Ban Nha cảnh báo, gió mạnh có thể cản trở nỗ lực dập tắt các đám cháy của lực lượng cứu hỏa. Còn tại Mỹ, một đám cháy rừng quy mô lớn tại miền Bắc Colorado đã bùng phát nhanh chóng vào cuối ngày 31/7, buộc chính quyền phải ra lệnh sơ tán bắt buộc trên diện rộng. Theo truyền thông địa phương, đám cháy đã lan rộng lên tới hơn 2.000 ha...

Nghiên cứu mang tên “Tình hình cháy rừng” do Đại học East Anglia và một số tổ chức có trụ sở tại Anh thực hiện, vừa được công bố ngày 14/8, thì cho thấy biến đổi khí hậu khiến tình trạng cháy rừng ở Canada và một số khu vực Amazon vào năm 2023 đã cao hơn ít nhất 3 lần so với thường lệ và góp phần làm tăng lượng khí thải CO2 từ các hoạt động phát thải trên phạm vi toàn thế giới.

Nghiên cứu chỉ rõ, khí thải carbon từ các vụ cháy rừng trên toàn cầu đã cao hơn 16% so với mức trung bình, tổng cộng là 8,6 tỷ tấn carbon dioxide.

Trong khi đó, lượng khí thải từ các vụ cháy rừng phía Bắc Canada cao gấp 9 lần mức trung bình của 2 thập kỷ qua và đóng góp gần 1/4 lượng khí thải toàn cầu. Không chỉ tạo ra lượng khí thải CO2 lớn, các vụ cháy ở Canada đã khiến hơn 230.000 người phải sơ tán và 8 lính cứu hỏa đã thiệt mạng.

Một số lượng lớn các đám cháy cũng được ghi nhận ở các vùng phía Bắc Nam Mỹ, đặc biệt là ở bang Amazonas của Brazil và các khu vực lân cận của Bolivia, Peru và Venezuela. Điều này khiến khu vực Amazone bị liệt vào một trong những xếp hạng chất lượng không khí tệ nhất trên hành tinh.

Lũ lụt và thiên tai càn quét

Song song với đó, từ đầu năm đến nay, thời tiết khắc nghiệt đã gây mưa lũ nghiêm trọng, càn quét nhiều quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7, mưa lũ hoành hành đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây lũ lụt, lở đất, phá hủy nhà cửa và cô lập cộng đồng dân cư ở nhiều nơi.

 Thủ đô Bridgetown của Barbados ngổn ngang sau khi siêu bão Beryl quét qua. (Ảnh: Reuters)

Ngày 1/7, cơ quan khí tượng Argentina đã nâng cảnh báo đỏ tại các tỉnh miền Nam nước này do bão tuyết và nhiệt độ giảm sâu, nhiều nơi tới gần -10°C. Nhiệt độ tại thủ đô Buenos Aires, các tỉnh miền Bắc và miền Trung Argentina nhiều nơi đã xuống tới -6°C và có tuyết rơi. Tại các tỉnh miền Nam Argentina, mức cảnh báo đã được nâng lên tới màu đỏ do tuyết rơi dày và nhiệt độ giảm xuống dưới mức -15°C.

Trong khi đó, tại El Salvador, Guatemala và Honduras (Trung Mỹ), những trận mưa xối xả tưởng chừng không bao giờ dứt đã khiến nước các dòng sông dâng cao. Mưa lớn đã khiến chính quyền phải tuyên bố báo động đỏ và vàng ở nhiều nơi. Nước lũ cũng tràn vào thành phố Santiago Texacuangos, điều mà trước đây chưa từng xảy ra.

Thụy Sỹ cũng là quốc gia đã liên tục hứng chịu các đợt mưa lớn gây ra tình trạng lũ lụt tại nhiều nơi. Chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp về lũ lụt ở khu vực Đông Nam đất nước và yêu cầu hàng trăm người sơ tán.

Tương tự, tại châu Á, Trung Quốc là một trong những nơi chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Lượng mưa trung bình toàn quốc cao hơn so với mức trung bình, với 30 trạm thời tiết ghi nhận lượng mưa cao kỷ lục. Các nhà chức trách cho biết đã ban hành 3.683 cảnh báo lũ trên sông và 81 cảnh báo thảm họa lũ lụt.

Cuối tháng 7 vừa qua, mưa lớn, lũ lụt kỷ lục trên diện rộng cũng đã gây thiệt hại nghiêm trọng ở Đông Bắc Nhật Bản. Đây là đợt mưa lũ chưa từng có trong suốt 100 năm qua tại Nhật Bản. Nhiều tuyến đê bị vỡ gây ngập lụt nghiêm trọng tại các khu dân cư, trong đó có nơi bị ngập tới 5,7m. Một số đường giao thông trọng yếu bị sạt lở làm tê liệt giao thông.

Đặc biệt, ở Đại Tây Dương, bão Beryl hình thành vào ngày 30/6 và sau 1 ngày đã mạnh lên cấp siêu bão cấp 5 với sức gió lên tới 260 km/h, trở thành siêu bão xuất hiện sớm nhất trong lịch sử. Tổ chức Khí tượng Thế giới cảnh báo siêu bão Beryl với cường độ tăng cấp chưa từng thấy có thể là dấu hiệu cho một mùa bão rất nguy hiểm trên Đại Tây Dương.

Còn phía Tây Bắc Thái Bình Dương, siêu bão Gaemi là cơn bão mạnh nhất quét qua Đài Loan (Trung Quốc) trong 8 năm qua. Các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên trước đường đi của bão Gaemi, khi nó rập rình trên biển rồi bất ngờ tăng tốc đổ bộ vào đất liền mà vẫn duy trì được cường độ lớn. Sau khi đi qua Đài Loan (Trung Quốc) với sức gió kỷ lục 227 km/h, hôm 25/7, siêu bão Gaemi đã đổ bộ vào phía Đông Nam Trung Quốc, cường độ vẫn rất mạnh, là cấp 12.

Các nhà khoa học cho rằng, nhiệt độ mặt nước biển ấm bất thường, cộng với điều kiện chuyển pha từ El Nino sang La Nina là các yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của các siêu bão này.

Hiểm họa cận kề… buộc nhân loại phải hành động

Nắng nóng, hạn hán, cháy rừng, lũ lụt, lở đất… đó là những thực tế hiển hiện đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại khắp nơi trên thế giới mà không ai trong chúng ta có thể phủ nhận. Biến đổi khí hậu, vì vậy, là một hiểm họa đã cận kề đối với cuộc sống của nhân loại.

Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc công bố ngày 14/8 cảnh báo sự nóng lên toàn cầu đang làm suy giảm điều kiện sống của hàng trăm triệu trẻ em trên khắp thế giới, một “mối đe dọa đặc biệt” đối với sức khỏe của chúng. Nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh tăng lên, cân nặng khi sinh thấp cũng như rối loạn phát triển thần kinh cũng tăng lên. Gần nửa tỷ trẻ em phải trải qua những đợt nắng nóng gấp đôi so với ông bà chúng khi còn nhỏ. Hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng làm tăng lây lan các bệnh truyền nhiễm, bao gồm sốt xuất huyết và sốt rét, đặc biệt ở các nước nghèo nhất...

Hay báo cáo của các nhà nghiên cứu từ Viện Barcelona công bố mới đây cho thấy 47.690 ca tử vong đã xảy ra do nhiệt độ khắc nghiệt vào năm 2023 chỉ riêng tại châu Âu.

Không những thế, Viện Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu Potsdam (PIK) công bố số liệu ước tính đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ gây thiệt hại tương đương 17% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và mức tổn thất ước tính lên tới 38.000 tỷ USD/năm vào năm 2050. Người dân trên thế giới nghèo hơn vì biến đổi khí hậu; các nền kinh tế đều sẽ chịu tổn hại do biến đổi khí hậu, nhưng "nạn nhân" lớn nhất là các nước nghèo, nước đang phát triển.

Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo, thế giới cần duy trì nhiệt độ trái đất không tăng vượt ngưỡng 1,5°C để tránh những tác động thảm khốc và có nguy cơ không thể đảo ngược. Nếu trái đất nóng lên trên mức này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng như hủy diệt các rạn san hô hay tan chảy các tảng băng ở hai cực và điều này sẽ làm tăng mực nước biển, tàn phá các cộng đồng ven biển…

Tuy nhiên, tờ Guardian cách đây không lâu đã thực hiện một cuộc khảo sát với hàng trăm nhà khoa học về khí hậu hàng đầu thế giới và kết quả rất đáng lo ngại khi có tới gần 80% số người được hỏi, tất cả đều đến từ Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), dự đoán mức độ nóng lên toàn cầu ít nhất là 2,5°C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Trong số đó, lại có gần một nửa dự đoán ít nhất là tăng 3°C. Chỉ 6% cho rằng nhiệt độ trái đất sẽ không vượt qua giới hạn 1,5°C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu từng được cộng đồng quốc tế thống nhất thông qua.

 Người dân xếp hàng cầu mưa khi nắng nóng gay gắt ập đến Bangladesh, ngày 26/4/2024. (Ảnh: SIPA)

Nhiều nhà khoa học đã hình dung ra một tương lai phủ bóng đen, với nạn đói, xung đột và di cư hàng loạt, do các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và bão có cường độ và tần suất vượt xa những gì đã xảy ra. Nhiều chuyên gia cho biết họ cảm thấy vô vọng, tức giận và sợ hãi trước hành động của các nước bất chấp bằng chứng khoa học rõ ràng được cung cấp.

Điều đó không hề sai khi liên tiếp trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học, các cơ quan bảo vệ môi trường liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu; song nhiều quốc gia vẫn không thực hiện các giải pháp khẩn cấp do thiếu ý chí chính trị mạnh mẽ.

Thêm vào đó, tài chính khí hậu cũng là một vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức khi gần đây, nhiều quốc gia có xu hướng "siết hầu bao" trong việc chi tiêu cho các biện pháp giới hạn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Không những thế, năm 2009, các quốc gia phát triển đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước thu nhập thấp đầu tư vào năng lượng sạch và ứng phó với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu. Song tới hơn một thập kỷ sau, mục tiêu này mới đạt được lần đầu tiên vào năm 2022 với số tiền huy động được là 115,9 tỷ USD. Việc không huy động được tiền đúng hạn đã làm xói mòn niềm tin vào các cuộc đàm phán về khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi hiểm họa biến đổi khí hậu đã cận kề, thiệt hại do các làn sóng nhiệt, các đợt hạn hán, lũ lụt chết người thì mức chi 100 tỷ USD như cam kết nêu trên cũng chỉ "như muối bỏ bể" so với nhu cầu thực tế. Tài chính cho chống biến đổi khí hậu và trách nhiệm của các nước giàu, vì vậy, sẽ trở thành vấn đề gai góc tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 29 – COP29, diễn ra vào tháng 11 tới tại Azerbaijan.

Hơn lúc nào hết, để đưa thế giới thoát khỏi hiểm họa cận kề từ biến đổi khí hậu, nhân loại phải cùng hành động, đoàn kết để đương đầu với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Hội nghị COP29 tới đây kỳ vọng sẽ nhất trí về một thỏa thuận toàn cầu về việc các quốc gia giàu có hỗ trợ các khoản đầu tư về khí hậu ở các nước đang phát triển. Trong lúc đó, mỗi quốc gia cần nêu cao ý chí chính trị mạnh mẽ, triển khai hiệu quả các chính sách chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển kinh tế xanh… Và mỗi người dân cần thực hiện các hành động sống xanh, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sự sống của bản thân, gia đình và các thế hệ tương lai./.

Khánh Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN