Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khâu mấu chốt trong phòng ngừa tham nhũng

Thứ Tư, 09/11/2022 13:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Nỗ lực phòng chống tham nhũng, cái được của chúng ta là đã đưa ra được nhiều vụ án lớn, xét xử kịp thời những đối tượng phạm tội ở vị trí có chức vụ cao. Điều mà chúng ta cần phải tiếp tục trong thời gian tới là kiến nghị và chỉ ra được nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, làm sao phòng ngừa với tinh thần là “không thể”, “không dám”, “không muốn tham nhũng”.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo QĐND)

Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2022, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ: Công tác phòng, chống tham nhũng thường xuyên được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng đã tổ chức thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao…

Kết quả này không chỉ người dân cả nước mà cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận khi đầu năm nay, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2021, theo đó Việt Nam được đánh giá đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng (tăng 3 điểm và tăng 17 bậc so với năm 2020).

Cơ bản tán thành với những đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng năm 2022, thảo luận mới đây, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, phòng, chống tham nhũng là vấn đề nóng nhưng cũng khá nhạy cảm, hầu như tất cả các nước đều phải chấp nhận tham nhũng như một phần tất yếu trong quá trình phát triển. Tại nước ta, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng.

Tuy nhiên, như Chính phủ đã chỉ ra, điều đáng lo là hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Đáng chú ý, một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: Thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi… Tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.

Đặc biệt, tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Thực tế này cho thấy, cũng có thể công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng chống tham nhũng thời gian qua còn có những hạn chế, tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao, một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất… đã “dung dưỡng” và “kích hoạt” lòng tham của những người nắm quyền lực trong tay. Đây chính là tình trạng lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để tham nhũng.

Điều đầu tiên, xuyên suốt trong công tác phòng chống tham nhũng là phải xây dựng hành lang pháp luật thật chặt chẽ, tạo thành vòng tròn khép kín, không còn sơ hở để cán bộ lợi dụng. Mà muốn thay đổi điều này, chắc chắn không thể là một sớm, một chiều. Do đó, phải xác định phòng chống tham nhũng là một hành trình dài, gian khó và nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới là phải “thiết kế” cho được những nút chặn tham nhũng thông qua cải cách thể chế, “xây” đạo đức công vụ và tăng cường năng lực giám sát…

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của những nước phát triển. Trong đó, cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và cả khối doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác, việc phòng là quan trọng, chúng ta làm tốt thì đó là bảo vệ cán bộ. Cùng với đó, phải tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức mới đủ thu hút được cán bộ, công chức đam mê, cống hiến và có trách nhiệm với công vụ của mình.

Một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng phải kiên trì nâng cao nhận thức, bởi vì, công cuộc chống tham nhũng không phải là một bộ phận này hay một bộ phận kia, nhóm cộng đồng này, nhóm dân cư kia mà phải là toàn xã hội, toàn lực lượng. Chỉ khi nào toàn xã hội cùng có chung một nhận thức thì lúc đấy công tác tham nhũng mới được thuyên giảm.

Dù nhiều kiến nghị khác nhau, nhưng tựu chung lại, chúng ta thấy rằng, vai trò rất quan trọng của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây chính là “mấu chốt” hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Bởi chắc chắn với hệ thống pháp luật tường minh và kín kẽ, người ta dù có muốn, dù có những chiêu thức "tinh vi" tới đâu cũng khó mà tham nhũng hoặc sẽ nhanh chóng bị bại lộ.

Nhưng suy cho cùng, dù pháp luật có văn minh đến đâu thì so với cuộc sống chắc chắn sẽ có độ trễ, sẽ tạo khe hở. Cho nên, mấu chốt vấn đề là ở con người. Nếu cán bộ tự tu dưỡng, tự đấu tranh, tự soi, tự sửa để tự ý thức, vượt lên chính mình với những cám dỗ tầm thường mới là điều quan trọng. Nêu cao tinh thần công vụ thì không ai có thể lung lạc, quật ngã được mình. Đó mới là điều tiên quyết để ngăn chặn hiệu quả và đảm bảo tính bền vững của công tác phòng chống tham nhũng./.

Nam Khánh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN