Khát vọng phát triển của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Những câu chuyện về việc nhà, sinh kế, định kiến giới và khó khăn trong cuộc sống đang diễn ra tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt cũng như khát vọng phát triển, sự thay đổi mạnh mẽ của những người phụ nữ nơi đây là cảm nhận của người xem khi đến với triển lãm “Khát vọng phát triển”.
Không phút nghỉ ngơi
“Gia đình mình có 6 người con, mọi công việc trong gia đình từ nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp và tắm rửa cho con đều do mình làm. Con lớn hơn biết giúp mẹ nhưng bận đi học, mình vẫn là người chính làm việc nhà và vẫn cùng chồng đi chăm bò, dê, lên nương rẫy. Mình gần như không có lúc nào được nghỉ ngơi”. Đó là tâm sự của bà Rmah H’ Bluôn, 57 tuổi, dân tộc Jrai, thôn Bôn Broăi, xã Ia Broăi, Ia Pa, Gia Lai.
Chung cảnh "đầu tắt, mặt tối" như bà Rmah H’ Bluôn, bà Hồ Thị Hồng, 58 tuổi, dân tộc Bru-Vân kiều, bản Khe Cát, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình kể: "Gia đình tôi dựng lều tạm bên suối để ở. Cuộc sống thiếu thốn vất vả với 7 đứa con. Tôi dậy từ 1, 2 giờ sáng để giã gạo, vừa giã vừa nấu cháo cho con, có lúc vừa làm, vừa phải ẵm con, mờ sáng phải đi gánh nước cho gia đình dùng trong ngày. Khi nhờ chồng, hắn bảo việc nấu ăn là việc của đàn bà, không giúp. Đi rẫy, cả hai vợ chồng cùng làm nhưng khi đi về chồng vác dao rựa đi trước, còn tôi vừa gùi nước, củi, rau đi sau”!
Hoa hậu H’Hen Niê dõi theo các câu chuyện tại triển lãm “Khát vọng phát triển”. |
Ở tuổi 32, chị Giàng Thị Kía, dân tộc Mông, bản Kết Tinh, xã Mường Mươn, Mường Chà, Điện Biên đã có 7 người con! "Năm 13 tuổi tôi sinh con. Bé nhỏ nhất của vợ chồng chị mới được 3 tháng tuổi. "Hai vợ chồng làm lụng vất vả nhưng vẫn không đủ ăn. Trong bữa cơm gần như không bao giờ có thịt, cá mà chủ yếu là muối trắng. Các con vẫn còn bé nhưng cũng không được chăm sóc vì nó còn rất nhiều các em nữa. Khi ốm đau chúng cũng không được thuốc thang đầy đủ”, chị Giàng Thị Kía cho hay.
Khát vọng phát triển
Nếu như bà Hồ Thị Bông, 63 tuổi, bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đành chấp nhận “nối dây” với anh trai chồng theo phong tục của đồng bào Bru-Vân kiều sau quyết định của dòng họ (chồng bà Bông mất năm 2017, 4 năm sau, vợ của anh trai chồng bà cũng qua đời) thì bà Hồ Thị Con, bản Bến Đường, xã Trường Sơn đã mạnh dạn đi tới quyết định hoàn toàn khác.
“Trước áp lực buộc phải “nối dây” với em chồng, tôi thấy là không đúng vì vậy, đã quyết định không "nối dây", xin ra khỏi họ nhà chồng và đòi bằng được quyền nuôi con. Năm 2004, tôi được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân dân xã và huyện. Tôi đã tuyên truyền, vận động các chị em trong xã có hoàn cảnh chồng chết sớm đấu tranh không thực hiện "nối dây". Nhiều chị em theo gương tôi dần phá bỏ tục này. Đến nay, cả xã có hơn 20 chị em không thực hiện “nối dây” nữa mà quyết ở vậy nuôi con, thực hiện nếp sống mới”, người phụ nữ nay ở tuổi 64 chia sẻ.
Cũng có cách nghĩ không giống như thế hệ đi trước, Nay H’Uil, 28 tuổi, dân tộc Jrai, thôn Bôn Broăi, xã Ia Broăi, Ia Pa, Gia Lai bày tỏ: “Em đã tốt nghiệp đại học và đang chờ thi tuyển. Em và các bạn em bây giờ đều cố gắng học hành, không lấy chồng sớm cũng là để mong sau này có được cuộc sống tốt hơn. Chúng em sẽ được đi ra bên ngoài, được học hỏi nhiều điều chứ không chỉ quẩn quanh lấy chồng sớm rồi sinh con như thời bố mẹ em. Cuộc sống như vậy mãi vất vả, nghèo khổ”.
Các ủy viên Trung ương Đảng: Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình Mục tiêu quốc gia tham quan triển lãm “Khát vọng phát triển”. |
Chị Lâm Thị Kim Sương, 38 tuổi, ấp An Hòa 1, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, Sóc Trăng bày tỏ mong muốn giản dị: được học nghề, tìm được công việc phù hợp tại địa phương để tiện chăm sóc gia đình. Có các lớp tập huấn giảng dạy về kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khoẻ, nuôi dạy con, kế hoạch hoá gia đình, các kỹ năng sống và tổ chức cuộc sống để xây dựng gia đình hạnh phúc!
Có mặt tại triển lãm “Khát vọng phát triển”, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga bày tỏ, những thước phim tư liệu, những câu chuyện sẻ chia tại triển lãm mỗi người xem sẽ có những cảm xúc của riêng mình; hiểu hơn về đời sống, tình cảm và những những ước mơ hạnh phúc chính đáng của phụ nữ và trẻ em, để cùng nhau cam kết “chung tay hành động vì bình đẳng giới”, “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, “xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới”, “khơi dậy khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số”.
Triển lãm “Khát vọng phát triển” gồm 3 chủ đề trưng bày: “Rào cản cuộc sống”; “Sự thay đổi và điều mong đợi”; “Vì một niềm hạnh phúc trọn vẹn”. Triển lãm giúp người xem hiểu rõ hơn những thực trạng, rào cản, định kiến giới và khó khăn trong cuộc sống đang diễn ra tại nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà phụ nữ và trẻ em phải đối mặt và cảm nhận sâu sắc khát vọng phát triển, khát vọng cống hiến, sự thay đổi mạnh mẽ của những người phụ nữ trong thực hiện ước mơ, khẳng định những giá trị bản thân.
Chất liệu chính của triển lãm là những hình ảnh, thước phim sống động, câu chuyện được sẻ chia chân thực tại địa bàn 4 tỉnh: Điện Biên, Quảng Bình, Gia Lai và Sóc Trăng - 4 trong 51 tỉnh, thành vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai các mô hình của Dự án thành phần số 8. Triển lãm trưng bày tới ngày 09/12/2022./.