Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khánh Hòa ghi nhận trên 190 ca sốt rét trong năm 2023

Thứ Tư, 27/12/2023 14:11 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Năm 2023 là năm có số ca mắc sốt rét tăng đột biến ở Khánh Hòa. Nếu cả năm 2022 toàn tỉnh này chỉ có 12 ca sốt rét thì từ đầu năm 2023 đến nay đã có trên 190 ca.

 Cán bộ y tế lấy máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét tại xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh. (Ảnh: Hồng Hoa)

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, số bệnh nhân sốt rét của tỉnh tập trung hơn 90% tại huyện Khánh Vĩnh, trong đó điểm nóng  là ở xã Khánh Thượng, xã Sơn Thái, xã Khánh Thành…  Người mắc sốt rét chủ yếu là những người đi làm rừng, ngủ lại ở rẫy và không chú ý đến việc mắc màn đề chống muỗi.

Trước tình trạng trên, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã thành lập các đội cơ động xử lý sốt rét về tận các thôn, xã ở Khánh Vĩnh để tuyên truyền cách phòng lây bệnh sốt rét. Phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, phối hợp cấp phát màn đã tẩm hóa chất cho các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy.

Cùng với đó, hỗ trợ lực lượng y tế tuyến xã, tuyến huyện khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm người mắc bệnh để ngăn chặn sự lây lan. Do vậy, một số điểm nóng đã hạ nhiệt dần.

Tuy nhiên, hiện nay đang là cao điểm mùa keo (cây gỗ tràm), nhiều người đi thu hoạch chủ quan, không đề phòng bệnh sốt rét nên đã mắc bệnh. Bởi vậy, để hạn chế gia tăng việc bệnh nhân sốt rét, những chủ rừng keo hay doanh nghiệp thuê người đi thu hoạch keo phải tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh sốt rét cho nhân công mình đã thuê; trang bị màn cho những người ngủ lại rừng keo; giám sát chặt chẽ nhân công, khi phát hiện ai có triệu chứng mắc sốt rét như: Đau đầu, sốt, lạnh run…cần báo ngay với cơ quan y tế gần nhất.

Bên cạnh đó, chính quyền xã, phường, nơi có nhiều rừng keo đang vào mùa thu hoạch cũng phải tăng cường giám sát bệnh sốt rét, đến tận các rừng keo để nhắc nhở chủ rừng cũng như nhân công đi thu hoạch đề phòng sốt rét.

 Người đi thu hoạch keo cần đề phòng bệnh sốt rét (Ảnh: C.T).

Sốt rét là căn bệnh do ký sinh trùng Plasmodium mà muỗi Anophen là vật trung gian truyền bệnh. Bệnh có thể lây qua đường truyền máu, mẹ sang con, dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét hoặc do bị muỗi đốt.

Người vừa khỏi bệnh có thể tái mắc bệnh, vì có nhiều loại ký sinh trùng sốt rét khác nhau. Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt rét nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi nơi có bệnh sốt rét lưu hành và bị muỗi Anophen đốt.

Người bị sốt rét thường có biểu hiện qua ba giai đoạn:

‎- Giai đoạn rét run: Người bệnh lạnh run toàn thân, môi tái, mắt quầng , nổi da gà, thường kéo dài 1/2- 2 giờ.

- Giai đoạn sốt cao: Thân nhiệt nóng dần có thể sốt 38-40 độ C, mặt đỏ, da khô nóng, đau đầu, khát nước, hơi đau tức vùng gan lách thường kéo dài 1- 3 giờ.

- Giai đoạn vã mồ hôi: Thân nhiệt giảm dần, vã mồ hôi, khát nước, bớt đau đầu, cảm giác bệnh khỏe lại.

Có nhiều trường hợp mắc sốt rét không có cơn sốt điển hình, người bệnh chỉ cảm thấy ớn lạnh hoặc gai rét.

Sốt rét được chia làm 2 loại: Sốt rét thông thường chưa có biến chứng và sốt rét ác tính có biến chứng dẫn tới những triệu chứng nguy hiểm và có thể tử vong sau 12 giờ đồng hồ sau khi có triệu chứng của bệnh./.

Thục Nhi (t/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN