Khẳng định vai trò của ngành Tuyên giáo trong xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang
(ĐCSVN) - Với những kết quả đạt được trong năm 2022, ngành Tuyên giáo tỉnh Hà Giang đã khẳng định vai trò “Đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Phạm Hoan) |
Chiều 20/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Các đồng chí: Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Khánh Lâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Năm 2022, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và định hướng, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; sự phối hợp của các ngành, địa phương trong tỉnh, toàn ngành Tuyên giáo tỉnh Hà Giang đã đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các nhiệm vụ về công tác Tuyên giáo.
Chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, quy định… của Trung ương; các nghị quyết, chỉ thị chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII; các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, tỉnh; tuyên truyền về đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025, đại hội các tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời, chú trọng chỉ đạo tuyên truyền Chương trình xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh, hộ nghèo; cải tạo vườn tạp, bài trừ hủ tục lạc hậu, các sản phẩm OCOP gắn với du lịch; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;… đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền với các báo Trung ương, đăng tải, phát sóng trên 500 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về những kết quả nổi bật, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh, quảng bá tiềm năng, du lịch gắn với truyền thống văn hóa độc đáo của các dân tộc trong tỉnh, tạo sức lan tỏa lớn trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, bám sát thực tiễn, chủ động nắm, tổng hợp báo cáo, đề xuất với Thường trực Tỉnh ủy giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết trên 94 vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc, phát sinh mới liên quan đến quyền, lợi ích của nhân dân, những khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vấn đề kinh tế - xã hội trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Phạm Hoan) |
Đặc biệt, toàn ngành Tuyên giáo tỉnh đã quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong công tác tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ; trong đó chuyển đổi số toàn bộ quy trình nghiệp vụ công tác tuyên giáo được tích hợp trên Cổng thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; tích hợp các phần mềm về thi trắc nghiệm trực tuyến, xây dựng phần mềm “Sách điện tử”; triển khai các cuộc điều tra dư luận xã hội, khảo sát trực tuyến; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức Cuộc thi video clip đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội của Ban Chỉ đạo 35 tỉnh; Giải báo chí của Đảng bộ tỉnh Hà Giang về xây dựng Đảng năm 2022; phát hành cuốn sách “Hỏi - Đáp về chuyển đổi số”;...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận, đề xuất giải pháp khắc phục đối với một số khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ như: Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết ở một số nơi còn chậm, chất lượng chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện một số nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực tuyên giáo chưa thường xuyên; hoạt động nắm bắt dư luận, xử lý một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm có lúc, có nơi chưa kịp thời; các mô hình về học tập và làm theo Bác chưa nhiều, chưa có sức lan tỏa…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả quan trọng của toàn ngành Tuyên giáo trong năm 2022. Ngành Tuyên giáo tỉnh đã khẳng định vai trò “Đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”, góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí đề nghị toàn ngành Tuyên giáo cần tích cực đổi mới nội dung, hình thức tham mưu tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể hóa thực hiện có hiệu quả các kết luận hội nghị T.Ư phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế. Tiếp tục tuyên truyền thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21 của BCH T.Ư Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; tuyên truyền kịp thời các sự kiện quan trọng, các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh.
Thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp theo Quyết định số 238 của Ban Bí thư về Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý cùng cấp; tham mưu kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, không để hình thành các “điểm nóng”. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo 35 các cấp, đẩy mạnh chuyển đổi số trên lĩnh vực tuyên giáo, nhất là ở cấp cơ sở…
Hai cá nhân nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo T.Ư vì có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022. (Ảnh: Phạm Hoan) |
Tại Hội nghị đã công bố các quyết định khen thưởng gồm: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể, 2 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Bằng khen của Ban Tuyên giáo T.Ư cho 2 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022; Bằng khen BTV Tỉnh ủy cho 13 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng./.