Khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin
(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, Trưởng Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh Hà Giang đề nghị khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để hoàn thành kết nối giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Kim Tiến) |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban quý I năm 2023 của Ban điều hành chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Hà Giang diễn ra chiều 23/2, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành CĐS tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông rà soát, xác định thông tin chính xác của các thuê bao di động theo thông tin căn cước công dân, đảm bảo cho việc tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý tình trạng sim rác theo quy định. Khẩn trương nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin để hoàn thành việc kết nối giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Đồng thời, phối hợp triển khai thí điểm gắn địa chỉ số đến 100% các hộ dân, cơ quan tại xã Đồng Yên đảm bảo hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới nâng cao năm 2023. Triển khai các nhiệm vụ CĐS ứng dụng dữ liệu về dân cư. Nghiên cứu các đề xuất của VNPT, Viettel; xem xét, lựa chọn các nhiệm vụ khả thi, thiết thực, hiệu quả; phương thức, hình thức triển khai, đầu tư, quản lý, vận hành… phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá và báo cáo UBND tỉnh phương án nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phù hợp với xu hướng công nghệ thông tin hiện nay, đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Tra cứu, khai thác thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, nhất là 25 dịch vụ công thiết yếu và 28 dịch vụ công trực tuyến; thực hiện nghiêm túc việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường hoạt động của tổ điều phối và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; huy động sự vào cuộc của các sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho hộ sản xuất chủ động tham gia mua, bán sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử. Bàn giao các công trình điện đưa vào sử dụng, đảm bảo nguồn điện phát triển hạ tầng trạm sóng di động trên địa bàn tỉnh. Bổ sung nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính, phục vụ công tác CĐS. Thúc đẩy thanh toán điện tử đảm bảo tiện lợi, không gián đoạn; đánh giá hoạt động mô hình chợ 4.0, thanh toán không dùng tiền mặt. Các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng diện rộng băng rộng đến các thôn, bản trên địa bàn tỉnh; nâng cao tỷ lệ người dùng internet; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng mạng viễn thông ở các vùng trắng, vùng lõm sóng di động…
Sau hơn một năm quyết liệt triển khai Nghị quyết 18 của BCH Đảng bộ tỉnh về CĐS giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, công tác CĐS bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng: Nhận thức của công chức, viên chức, người dân chuyển biến tích cực, chủ động tham gia ứng dụng công nghệ số trong công việc hàng ngày. 100% các xã thành lập Ban chỉ đạo CĐS; 100% các thôn có Tổ công nghệ số cộng đồng. Công tác truyền thông về CĐS có cách làm mới, hiệu quả; triển khai các mô hình, cách làm mới về CĐS được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia, như: Thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai chợ 4.0; đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia… Các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được quảng bá, đăng tải và mua bán trên các sàn thương mại điện tử, góp phần tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế số phát triển. Riêng năm 2022, tỉnh Hà Giang phủ sóng di động bổ sung 101/154 thôn trắng sóng di động. Các hệ thống thông tin dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành các cấp trên địa bàn tỉnh
Tuy nhiên, công tác CĐS của tỉnh còn một số hạn chế như: Việc triển khai chính quyền số chưa thực sự đồng bộ, toàn diện. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin của tỉnh còn khó khăn (hiện còn 53 thôn trắng sóng di động, trong đó 20 thôn chưa có điện). Tỷ lệ hộ dân có cáp quang internet đạt 37,3%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 63,2%, thấp hơn so với trung bình toàn quốc. Việc kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế; số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp…