Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khẩn trương hành động để ứng phó với những thách thức ngày càng lớn đối với tài nguyên nước

Thứ Năm, 23/03/2023 14:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn cầu để định hướng, điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững, phục hồi nguồn nước; khẩn trương hình thành các trung tâm khoa học và công nghệ toàn cầu, khu vực về nước; xây dựng mạng lưới quan trắc, phát triển cơ sở dữ liệu về nước; quy hoạch khai thác sử dụng, cải thiện chất lượng nguồn nước cho các sông xuyên biên giới.

Hội nghị của Liên hợp quốc rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018 - 2022.

Rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững”

Ngày 22/3, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Hội nghị của Liên hợp quốc rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018 - 2022 đã khai mạc, với sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự, phát biểu và tiến hành nhiều hoạt động tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước.

Hội nghị của Liên hợp quốc rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018 - 2022 là Hội nghị cấp cao đầu tiên sau 46 năm của Liên hợp quốc về vấn đề này, với sự tham dự của gần 20 Lãnh đạo cấp cao, 80 Bộ trưởng các nước và nhiều lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.

Mục tiêu của Hội nghị lần này: Đánh giá tiến trình thực hiện các Mục tiêu của thập kỷ hành động, tái khẳng định các mục tiêu liên quan đến nước đã được quốc tế nhất trí, trong đó có các Mục tiêu phát triển bền vững; Xác định các thách thức, cơ hội và biện pháp đổi mới để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong nửa sau của thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững”; Hỗ trợ hành động, sáng kiến và các bài học thành công, tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác quốc tế ở tất cả các cấp; Khuyến khích các nước và các bên liên quan đưa ra cam kết tự nguyện đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của thập kỷ; Đóng góp vào tiến trình theo dõi và kiểm điểm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững thông qua cung cấp thông tin cho Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế bày tỏ lo ngại về những thách thức to lớn đối với an ninh nguồn nước do tác động đa chiều của các hoạt động khai thác, sử dụng, cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng bảo đảm nguồn nước, vệ sinh, xử lý nước, tăng cường năng lực dự báo nhu cầu nước và cảnh báo thiên tai liên quan đến nước, đặc biệt là hỗ trợ các nước đang phát triển trong nỗ lực này.

Chủ tịch Đại hội đồng và Chủ tịch Hội đồng kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc nhấn mạnh cần xây dựng chương trình hành động mới mạnh mẽ và tham vọng hơn, dựa trên các giải pháp khoa học và đoàn kết quốc tế.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Khẩn trương hành động để ứng phó với những thách thức ngày càng lớn đối với tài nguyên nước

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh nhân loại cần khẩn trương hành động để ứng phó với những thách thức ngày càng lớn đối với tài nguyên nước, đặt chương trình nghị sự về nước ở vị trí quan trọng trong phát triển bền vững, thực hiện toàn diện, tổng thể cùng với các nỗ lực toàn cầu phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị thiết lập khuôn khổ pháp lý toàn cầu để định hướng, điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững, phục hồi nguồn nước; khẩn trương hình thành các trung tâm khoa học và công nghệ toàn cầu, khu vực về nước; xây dựng mạng lưới quan trắc, phát triển cơ sở dữ liệu về nước; quy hoạch khai thác sử dụng, cải thiện chất lượng nguồn nước cho các sông xuyên biên giới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề xuất hình thành các tổ chức, cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc như: Ủy ban khoa học về nước xuyên biên giới, Hội đồng sông quốc tế, Quỹ tài chính lưu vực sông xuyên biên giới hoặc mở rộng chức năng tài chính lưu vực sông cho Quỹ môi trường toàn cầu; và đặc biệt cần thiết lập chuẩn mực đạo đức xã hội trong quan hệ, ứng xử với tài nguyên nước, nhất là các nguồn nước xuyên biên giới theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, hợp lý, tôn trọng quyền và lợi ích của các nước trong lưu vực.

Chia sẻ những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Việt Nam cam kết đảm bảo phát huy tối đa lợi ích mà nước mang lại, đồng thời giảm thiểu các tác hại liên quan đến nước, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, cụ thể là đến năm 2025, 100% các lưu vực sông lớn được điều hoà phân bổ nguồn nước nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước thông qua các quy hoạch tài nguyên nước; đến năm 2030, 100% hộ gia đình ở thành thị được tiếp cận nước sạch theo quy chuẩn.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ Việt Nam cam kết tiếp tục hợp tác với các nước để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; tham gia các chương trình hành động, sáng kiến hợp tác về nước và an ninh nguồn nước; tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin dữ liệu xuyên biên giới, nhất là giữa các quốc gia có chung nguồn nước, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu vì phát triển bền vững.

Những tiến bộ, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhân dịp dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có các cuộc gặp với Nhà Vua Hà Lan Willem-Alexander Claus George Ferdinand, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ Debra Haaland, Bộ trưởng Phát triển bền vững và môi trường Singapore Grace Fu, Bộ trưởng Nước sạch và vệ sinh Ấn Độ Gajendra Singh Shekhawat.

Gặp Nhà Vua Hà Lan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Nhà Vua trong việc tổ chức và đồng chủ trì Hội nghị có ý nghĩa quan trọng này, 46 năm kể từ Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về nước năm 1977, mong muốn Hoàng gia và cá nhân Nhà Vua tiếp tục ủng hộ đẩy mạnh toàn diện quan hệ hai nước, trong đó có hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu.

Nhà Vua Hà Lan bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh, trong đó có quản lý và sử dụng tài nguyên nước hiệu quả.

Tại cuộc gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc về tư vấn kỹ thuật, chuyên môn, nguồn lực tài chính và công nghệ giúp Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước; đề nghị Liên hợp quốc hỗ trợ các nước lưu vực sông Mekong trong bảo đảm sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định Việt Nam là hình mẫu điển hình và đối tác tin cậy của Liên hợp quốc; những tiến bộ, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu hoàn toàn có thể nhân rộng để các quốc gia khác học tập; khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục tích cực thúc đẩy cải tổ các thể chế kinh tế, tài chính quốc tế, bảo đảm tốt hơn lợi ích của các nước đang phát triển.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Hoa Kỳ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước, cảnh báo sớm về tài nguyên nước, giải quyết vấn đề quản lý nước ở khu vực sông Mekong; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giáo dục và an sinh xã hội.

Bộ trưởng Debra Haaland khẳng định Hoa Kỳ coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực; nhấn mạnh sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quản lý nước, bảo tồn đa dạng sinh học, giáo dục đào tạo.

Gặp Bộ trưởng Phát triển bền vững và Môi trường Singapore, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị hai bên xây dựng kế hoạch về các hoạt động hợp tác cụ thể, nhất là trong phối hợp triển khai thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu và tài nguyên nước; khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải khí carbon.

Bộ trưởng Grace Fu chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đạt được, đặc biệt là những nỗ lực trong thúc đẩy phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và ứng phó biến đổi khí hậu; nhất trí thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa 2 nước trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng.

Tại cuộc gặp Bộ trưởng Nước sạch và vệ sinh Ấn Độ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị hai bên tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nước, ứng phó biến đổi khí hậu, cảnh báo thiên tai, khí tượng thủy văn và năng lượng xanh.

Bộ trưởng Gajendra Singh Shekhawat bày tỏ mong muốn hai bên thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hợp tác đã ký kết, nhất là liên quan đến tài nguyên nước, khí hậu, cảnh báo thiên tai, bão lũ./.

Minh Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN