Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khán giả đang bội thực gameshow truyền hình

Thứ Sáu, 10/06/2016 17:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Không thể phủ nhận Việt Nam là một đất nước mê ca hát và yêu âm nhạc có hạng. Nhưng đáng mừng hay đáng lo đây, khi chúng ta đang phải bội thực các chương trình truyền hình thực tế, đồng thời du nhập đủ mọi kịch bản thi hát ở khắp mọi nơi, thiếu chọn lọc?


Các gameshow truyền hình đang gia tăng đáng kể về số lượng. (Nguồn ảnh: vietnamnet.vn)

Với cả khán giả lẫn những người làm nghệ thuật, chất lượng từ các gameshow truyền hình đang ở mức báo động, bởi số lượng hầu như không thể kiểm soát và chưa có điểm dừng. Sự thật, Việt Nam không phải là một cường quốc về âm nhạc, dù lượng người hâm mộ có lớn đến mấy đi nữa. Vấn đề chất lượng và định hướng âm nhạc dĩ nhiên sẽ phải bàn trên rất, rất nhiều khía cạnh. Nhưng những hình ảnh phản chiếu từ số lượng gameshow quá ư là dễ dãi trên các kênh truyền hình đã phần nào cho thấy vấn đề.

Tất cả các chương trình trên thế giới hầu như đều đi theo một quỹ đạo khó thay đổi. Bắt đầu là sự thu hút vì mới lạ, nhạt dần theo thời gian, và khó thể cứu vãn khi sự nhàm chán lên ngôi. Còn ở Việt Nam thì sao? Trước hết phải khẳng định, các gameshow truyền hình đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động giải trí của các gia đình ở khung giờ Vàng. Thêm vào đó, việc tìm ra các nhân tố mới không đủ điều kiện trưởng thành qua đào tạo bài bản cũng là điều cần thiết đối với nền âm nhạc nước nhà.

Nhưng tất nhiên, việc nhân bản các chương trình thi thố luôn rất khó tạo ra cảm giác mới mẻ hay thú vị với người xem. Trước hết là chất lượng của thí sinh. Tiếp nữa là nội lực nghèo nàn của nền âm nhạc không đủ sức lấp chỗ trống, chứ chưa nói tới việc nâng tầm các gameshow dày đặc. Và cuối cùng, sự vô vị, nhạt nhẽo và đôi khi là thiếu cả hiểu biết trên các chiếc ghế nóng cũng khiến người ta không còn mặn nồng với các kịch bản gameshow, vốn được xem là có tính giải trí cao.

Việc thiếu đi những chuyên gia có chuyên môn thực thụ để lĩnh xướng các cuộc thi đã trở thành điều quen thuộc trên sóng truyền hình. Thậm chí, việc các gameshow chủ động mời những cái tên gắn liền cùng scandal, thay vì trình độ - cũng đã có. Cộng thêm sự háo hức và mơ mộng về màu hồng của showbiz từ các thí sinh, tất cả đã tạo ra một bức tranh lộn xộn và phong phú đến ... khó thở của các chương trình truyền hình thực tế.

Sau cùng, nếu như xem gameshow phần nào là tấm gương phản chiếu chất lượng âm nhạc Việt, dễ nhận thấy những hồi chuông báo động thực sự. Các nhạc sỹ hãnh tiến với những sáng tác đương đại đang khiến cho phần đông khán giả cảm thấy xa lạ. Giới trẻ ngày càng bị đẩy vào vòng xoáy của những ca khúc pha trộn cẩu thả, thậm chí vô duyên và tức cười theo trường phái lẫn lộn Đông Tây Kim Cổ. Dân gian hiện đại đang đi xuống thấy rõ, nếu cứ tiếp tục điệp khúc đổ lỗi cho trình độ nghe nhạc quá thấp của cộng đồng. Các sáng tác đương đại của giới học thuật cao siêu tới nỗi nhiều khi chỉ chính tác giả mới hiểu được. Tất cả dẫn tới sự nghèo nàn và trùng lặp, hoặc những sự phá cách không phù hợp tại các gameshow truyền hình. Danh hiệu “ông hoàng”, “bà chúa”, hay Diva gì đó không còn đủ sức tô hồng cho những chiếc ghế nóng. Và, để rồi khán giả cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm trước những sự kệch cỡm, vô duyên,  hay những dàn dựng cố ý một cách vụng về.

Tới lúc này, các chương trình thuần Việt được đầu tư tốt cả ở tính giải trí lẫn tri thức như Ai là triệu phú, Đấu trường một trăm, hoặc Đường lên đỉnh Olympia đã qua thời kỳ đỉnh cao. Những sân chơi vang tiếng một thời như Sao Mai điểm hẹn cũng không còn thu hút được sự quan tâm như ngày nào. Nếu không có hướng đi mới, mà chỉ tập trung vào việc du nhập hàng tá gameshow từ nước ngoài về, mọi chuyện sẽ càng hỗn loạn hơn nữa. Mà những người chịu thiệt thòi vẫn sẽ là khán giả!.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN