Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
(ĐCSVN) – Đó là yêu cầu của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 3 bàn giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội diễn ra chiều 4/4.
Đồng chí Triệu Thế Hùng phát biểu kết luận phiên họp. |
Bức tranh kinh tế-xã hội quý I có nhiều điểm sáng
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cơ bản nhất trí với Báo cáo tình hình KTXH tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022; Báo cáo tình hình thực hiện thu chi dự toán ngân sách quý I/2022. Đồng chí khẳng định bức tranh KTXH của tỉnh trong quý I có nhiều điểm sáng. Tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 5.102 tỷ đồng, đạt 41,4% dự toán năm. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện hơn 3.764 tỷ đồng, đạt 24% dự toán năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá, ước thực hiện 10.818 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực văn hóa, an sinh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…
Tuy nhiên còn một số hạn chế như giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, mới đạt 7,8%; thu hút đầu tư trong nước chỉ bằng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, đầu tư nước ngoài bằng 61,7%...
Về một số nhiệm vụ trọng tâm quý II, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển KTXH, mở cửa kinh tế phải gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine. Tiếp tục dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác phòng chống dịch bệnh. Áp dụng các giải pháp tăng thu ngân sách, thu hồi nợ. Kiểm soát chi hiệu quả, bảo đảm chi đúng, chi đủ. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; yêu cầu các nhà đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, bảo đảm giải ngân đúng tiến độ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm…
Các sở, ngành, địa phương tích cực xúc tiến, hỗ trợ đầu tư; rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, vướng mắc của doanh nghiệp, tìm ra các “điểm nghẽn” để kịp thời tháo gỡ khó khăn và thực hiện đầy đủ các chính sách, giải pháp giúp doanh nghiệp, cá nhân đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xúc tiến sớm việc tiêu thụ nông sản đến thời kỳ thu hoạch, trong đó có vải thiều, nhất là trên các sàn thương mại điện tử…
Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phục hồi và phát triển KTXH
Tại phiên họp, UBND tỉnh cũng đã thảo luận về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hải Châu trình bày dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01 và Nghị quyết 11 của tỉnh. |
Theo các kế hoạch này, mục tiêu của tỉnh giai đoạn 2021-2025 là: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 9%/năm trở lên. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với dân số đạt 95%; chỉ số phát triển con người (HDI) đạt 0,77. Giảm 4/5 số hộ nghèo trong vòng 5 năm theo chuẩn mới…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng phê bình, nhắc nhở Sở Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị chủ trì soạn thảo) về việc tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện các nghị quyết rất chậm với yêu cầu của Chính phủ. Đồng chí cơ bản nhất trí với kết cấu dự thảo kế hoạch và yêu cầu thực hiện quyết liệt việc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Nêu rõ dự thảo chưa thể hiện được đặc trưng mang “bản sắc” Hải Dương, đồng chí Triệu Thế Hùng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới quy hoạch tỉnh. Kế hoạch phục hồi, phát triển KTXH cần phải bổ sung, đúng với tình hình thực tiễn phát triển KTXH của Hải Dương, có giải pháp để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Xác định mốc thời hạn cụ thể để hoàn thành kế hoạch, chương trình hành động để tăng tốc hoàn thành nhiệm vụ…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển KTXH đó là: tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KTXH, thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các cấp, ngành. Khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu và tăng cường công tác quản lý thị trường, quản lý giá cả, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Chú trọng đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển liên kết vùng và phát triển đô thị, kinh tế đô thị…/.